"Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời"
Đối với một người sống xa Tổ Quốc ai không xúc động khi nghe nhắc đến hai chữ "cội nguồn". Hình ảnh, âm thanh, đặc biệt lời dẫn nhập của người diễn đọc... tất cả đều đem đến cho tôi những cảm xúc để tiếp tục xem hết 5 tập phim do đài truyền hình Việt Nam chuyển lên YouTube vào ngày 23 tháng 6 năm 2015. Nội dung bộ phim qua phần dẫn nhập nhắc lại truyền thống dựng nước với Con Rồng Cháu Tiên - Lên Rừng Xuống Biển - Lịch Sử Hào Hùng. Dựa trên các nền Văn hóa Đông Sơn thời Cổ Việt, Văn hóa Sa Huỳnh tiền thân của nền Văn hóa Champa và Văn hóa Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam trước đây, nay thuộc vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo được cho là nền Văn hóa tam giác của Việt Nam thuộc Thời kỳ đồ sắt.
Theo lời dẫn nhập của nhà thực hiện bộ phim:
"Cũng chính từ việc ý thức sâu sắc về sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc, các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nhiều năm qua đã khai thác trong nhiều thư tịch cổ:
- Phát giác vùng đất vô chủ
- Chiếm hữu hợp pháp
- Hành xử chủ quyền".
Bộ phim được sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu quốc tế. Từ các bảo tàng, văn khố, thư viện, học viện mang cấp quốc gia, nơi lưu trữ nhiều thư tịch và bản đồ cổ liên quan đến Việt Nam mà các nhà thực hiện bộ phim đã tìm đến như: Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Đức, Bỉ Quốc, Hoa Kỳ và Italy.
Đây là một trong những bộ phim nói về chủ quyền biển đảo và được bổ sung thêm những tài liệu của các nhà làm phim sưu tập từ những quốc gia lưu trữ nhiều nhất về thư tịch và bản đồ cổ Việt Nam. Còn lại đều dựa trên những tư liệu đã được phổ biến trước đây, nay được các nhà làm phim thu thập lại để nhấn mạnh thêm về chủ quyền biển đảo mà theo tôi, nhiều nhân vật cao cấp trong bộ chính trị cũng có đôi lần "miễn cưởng" phát biểu cho một giai đoạn "cần thiết" để xoa dịu những cơn địa chấn đang sôi sục trong lòng dân.
"Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời" cũng cùng chung số phận như bộ phim "Mê Kông Ký Sự" mà nhà báo tự do Tưởng Năng Tiến đã viết trong bài "Biển Hồ cạn nước". Tôi không phủ nhận giá trị của những người thực hiện bộ phim trên, điều đáng nói là những kẻ cơ hội đã sử dụng nó như một phương tiện cho mục đích chính trị, ru ngủ con người tự mãn trong ánh hào quang mà thực chất đằng sau của sự hào quang ấy chính là cái chết dần mòn đang nhen nhúm trong cuộc sống hàng ngày. Người ta chỉ nói đến niềm tự hào, những nét đẹp được thiên nhiên ưu đãi, nhưng lại vô tư về những hiểm họa do con người đang mặc sức nạo vét những tài nguyên mà sự ưu đãi của thiên nhiên cũng chỉ nằm trong giới hạn. Bài học quá khứ không cho phép tôi tin tưởng một cách mù quáng vào những điều tưởng là tốt đẹp, bởi thực chất của nó chỉ để tô son chét phấn cho một mục tiêu chính trị nào đó.
Chẳng phải bộ phim "Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời" xuất hiện thì người ta mới biết Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Từ "Hồng Đức Bản Đồ" của Đỗ Bá biên soạn vào khoảng năm 1686, đến "Phủ Biên Tạp Lục" của nhà bác học Lê Quý Đôn viết năm 1776 cùng các Bộ Chính Sử được biên soạn trong các thế kỷ thứ 18 - 19 cũng đã khắc họa lại dấu vết lịch sử của cha ông ta trong quá trình đi mở nước. Gần đây nhất vào năm 2008, Phạm Thanh Nghiên với bức hình tọa kháng "Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, phản đối công hàm bán nước 14/9/1958 của Phạm Văn Đồng", cũng là một cách thể hiện chủ quyền về biển đảo, nhưng Phạm Thanh Nghiên đã bị bốn năm tù giam và ba năm quản chế. Ngoài Phạm Thanh Nghiên còn có anh Điếu Cày, chị Tạ Phong Tần, luật sư Lê Chí Quang, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà báo Vũ Hùng, nhà thơ Trần Đức Thạch v.v... Họ là những người đi tiên phong mở ra một bước ngoặc mới cho các cuộc xuống đường biểu tình phản đối Trung cộng xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa. Thật là nghịch lý và bất công, và chính từ cái nghịch lý này cùng với bài học quá khứ khiến tôi luôn phải nghi ngờ lẫn thận trọng trong mỗi hành động của nhà cầm quyền khi "cho phép" phổ biến những tài liệu mang tính "nhạy cảm".
Trong những năm vừa qua có biết bao cuộc hội thảo, triển lãm, hình ảnh cũng như rất nhiều bài hát được sáng tác về sự kiện Hoàng Sa-Trường Sa. Nhưng vì sao vẫn không có chút phản ứng nào từ người dân (ngoài các nhà hoạt động dân chủ), qua vụ việc Trung cộng gây hấn cắt cáp tàu Bình Minh 02, Viking2, xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Hoàng Sa- Trường Sa, bắt và giết ngư dân trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam?
Người ta không thể gieo vào lòng người niềm tự hào dân tộc mà không dựa trên yếu tố lịch sử cùng với truyền thống văn hóa. Tự hào thế nào được khi cố tình vất bỏ đi những giá trị thiêng liêng của hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của tiền nhân, để rồi áp đặt vào đó một "loại" lịch sử mới, được giải thích rằng: Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.
Thật bất hạnh cho dân tộc Việt Nam bị rơi vào tay của lũ cường quyền, coi lịch sử như một phương tiện biện minh cho những hành vi bán nước để được vinh thân phì gia. Các ông bà trong bộ chính trị sẽ ăn nói thế nào với người dân, khi "mồm loa mép giải" luôn khẳng định chủ quyền của đất nước, nay lại đánh dân đến đổ máu chỉ vì phản đối sự có mặt của kẻ cướp Hoàng Sa-Trường Sa trên lãnh thổ Việt Nam. Các ông bà ạ, ngọn roi ấy theo đúng phải quất vào mặt của Tập Cận Bình, một kẻ xâm lược đang manh tâm chiếm đoạt mảnh đất của Tiền nhân đã bao đời đổ xương máu, giữ gìn.
Ngọn roi ấy quất vào lịch sử
Máu tuôn rơi ướt đẫm mặt người
Mắt căm hờn, tay vút, ghìm hơ
Miệng thét lớn, vì sao máu đổ...?
Tập Cận Bình, hỡi loài quỷ đỏ
Máu ta rơi, nhưng chí không sờn
Quyết đem lòng rửa nhục giang sơn
Đuổi cho được tên Bình họ Tập
Cút khỏi mau, hỡi loài Hán tặc
Đừng mong ta khuất phục quy hàng
Sóng Bạch Đằng thúc giục tâm can
Hận ngàn năm, sục sôi huyết quản
Hỡi muôn dân xin đừng vô cảm
Đừng mong chờ giải pháp “cầu an”
Đừng tin theo lũ cộng tham tàn
Đem Tổ Quốc hiến dâng, đổi chác
Tuổi trẻ hỡi tim ta đứt đoạn
Nhìn non sông máu chảy ngập tràn
Nhìn bao người sống cảnh lầm than
Ta muốn thét, “Trời long đất lở”
Tuổi trẻ hỡi tim ta đang vỡ
Đành lòng sao vùi mãi trong mơ
“Dậy mà đi” sông núi đang chờ
Theo Trưng-Triệu, dựng Cờ khởi nghĩa.
Sự kiện người dân xuống đường biểu tình ngày 5 tháng 11-2015, bị nhà cầm quyền cho tay sai đánh đập đến đổ máu đã cho chúng ta thấy, bộ phim "Biển đảo Việt Nam-Nguồn cội tự bao đời" lại một lần nữa nói lên cái gian xảo của cường quyền. Một mặt, họ “khẳng định chủ quyền không thể chối cãi” về hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Một mặt, cho tay sai đánh dân vì phản đối sự có mặt của kẻ cướp Hoàng Sa-Trường Sa trên mảnh đất thuộc chủ quyền của Việt Nam. Có mâu thuẫn không, có bỉ ổi không? Xin để mọi người thẩm định.
Vì thế, cá nhân tôi cho rằng bất cứ việc làm nào của nhà cầm quyền cũng đều mang tính “thủ đoạn”. Với dân thì dùng bạo lực cai trị, với giặc cướp thì cúi đầu vâng, dạ. “Biển Đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời” đã làm rất tốt trong vai trò “phát hiện vùng đất vô chủ và chiếm hữu hợp pháp”. Riêng về phần “hành xử chủ quyền” thì chúng ta có thể thấy rõ qua cuộc biểu tình xuống đường của người dân trong việc phản đối sự có mặt của Tập Cận Bình trên đất nước Việt Nam. Theo đúng còn rất nhiều điều để nói, nhưng thôi... đã quá đủ. Bởi ngôn ngữ Việt Nam không còn tác dụng với những kẻ mặt người, dạ thú.
Một chút tâm tình với những Anh Chị Em xuống đường chống Tập Cận Bình hôm nay!
Tôi biết mình thật có lỗi vì không thể đồng hành cùng với quý Anh Chị Em. Chỉ mong mọi người hiểu... Đó là một nỗi đau mà tôi luôn phải gậm nhấm riêng mình. không có hình phạt nào đau đớn cho bằng phải sống với những ray rức khôn nguôi. Nhìn Phạm Thanh Nghiên nhỏ bé trong chiếc loa tay với bầu nhiệt huyết mà chỉ có những con Người yêu Tổ Quốc nồng nàn mới có thể phát ra được những âm thanh bi hùng như thế. Bài thơ trên (xin được phép gọi là thơ) được viết bởi những giọt máu đổ xuống của anh Trần Bang, giọt máu ấy đã hòa chung cùng với lẽ sống của dân tộc, rồi đây hoa Tự Do sẽ nở, bản sắc dân tộc sẽ trở về với Cội Nguồn nguyên thủy của bản đồng ca “Nhân Bản” mà Cha Ông ta đã sống qua bao đời. Xin cảm ơn những trái tim đang sống vì giang sơn của dòng giống Lạc Hồng. Xin cho tôi được chia sẻ những giọt máu của riêng mình, máu của yêu thương, máu của tình người, thiêng liêng như hai chữ Việt Nam ngàn đời bất diệt.
Hạt Sương Khuya
Paris Ngày 05-11-2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét