Vào ngày 15 tháng 11 năm 2014, Húy Nhật lần thứ 51 của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã được tổ chức long trọng tại thủ đô Berlin, Đức Quốc.
Vào chiều thứ sáu trước ngày tổ chức, tôi đã gặp các Anh trong Ban Tổ Chức thuộc Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc, họ đến từ nhiều thành phố như Köln, Krefeld, Oberhausen, Mönchengladbach, Neuss, Witten, Dortmund, Duisburg... cách Berlin gần 600 Km. Nhóm họ gồm 16 người: 7 thành viên của Khối trong số đó có 5 phu nhân cùng đi với, thêm 4 Anh Chị thân quen. Họ tất cả đã ngoài tuổi 50, có lẽ vì nặng tình với Chí sĩ Ngô Đình Diệm nên đã không quản ngại đường dài, và sức khỏe đi tổ chức nơi xa như vậy!
Nghe nói: Vừa tới Berlin, nhóm 16 này đã được anh chị Thiên - chị Thiên tức là chị Mỹ Lâm, Chủ Tịch Liên Hội Người Việt Tỵ nạn tại CHLB Đức - tiếp đón một cách thân mật. Sau khi giới thiệu lẫn nhau tạo sự quen biết gần gũi, mọi người đã được anh Chị Thiên khoản đãi cơm chiều, nghe anh Thiên kể do chính Chị nấu để đãi khách. Nhóm 16 các anh chị rất cảm động, vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ quên ngay mệt mỏi vì đường xa. Bữa cơm thân thiện trong bầu không khí ấm áp của gia đình khiến họ không còn cảm thấy xa lạ với địa phương.
Ngày thứ bảy tổ chức, nhóm 16 cũng được Cha Quản Nhiệm và anh cộng Đoàn Trưởng tiếp đón ân cần. Với sự cộng tác của một số bạn trẻ trong Ban Nhạc Ca Đoàn và nhóm thân hữu tại đây, nên nơi đặt di ảnh Tổng Thống trong nhà thờ cũng như trang trí Lễ Đài trong hội trường, ngay cả phần âm thanh ánh sáng, tất cả đã được chuẩn bị mau lẹ và chu đáo.
Ngày Húy Nhật được tổ chức gồm 2 phần:
- 15 giờ: Thánh lễ cầu nguyện cho Cố Ngô Tổng Thống, cho các Quân Dân Cán Chính VNCH Vị quốc Vong Thân và
- 17 giờ: Nghi Thức Tưởng Niệm trong hội trường.
Trong suốt ngày tổ chức, tôi thấy có sự hiện diện của:
- Linh Mục Antôn Đỗ Ngọc Hà, Quản Nhiệm Cộng Đoàn Thánh Gia Berlin
- Bà Chủ Tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, Bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm và Phu Quân
- Sr. Monica Trương thị Ngọc Chân dòng Ofm
- Ông Dương Văn Đá, Đại Diện Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức
- Giáo sư Lê Hùng, Phóng Viên diễn đàn Ba Cây Trúc đến từ Bruxelles, Bỉ
- Một số Quan khách thuộc tôn giáo bạn như cựu trung tá Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Đình Tâm (Phật Tử)
- Ông Lê Phú Cường, Trưởng Cộng Đoàn và Ban Đại Diện, Ban Nhạc Ca Đoàn cùng nhiều Giáo Dân thuộc Cộng Đoàn Thánh Gia Berlin
- Kỹ Sư Hoàng Kim Thiên (Việt Nam Haus e.V.)
và nhiều Đồng Hương đến từ các nơi xa gần.
A- Thánh Lễ cầu nguyện:
Sau lời kinh nguyện của Giáo Dân và trước khi bắt đầu Thánh Lễ, Cha Linh Hướng Antôn và Ban Niệm Hương trong lễ phục cổ truyền đông phương gồm 9 Vị ( 2 chị và 7 Ông) trong sự cung kính rước di ảnh Cố Ngô Tổng Thống từ phòng áo, theo lối giữa tiến đến Bàn Thờ để đặt di ảnh Cụ tại nơi tôn nghiêm đã được chuẩn bị hoa nến là dưới chân Bàn Thánh. Cộng Đoàn ai nấy giữ im lặng và hiệp lòng với đoàn rước tưởng nhớ ngày Tổng Thống bị sát hại và cầu nguyện cho Ông.
Thánh Lễ được cử hành trang nghiêm. Trong phần nhập Lễ và chia sẻ Lời Chúa, Cha chủ Tế đã nói về đời sống đạo đức, tinh thần yêu nước, lòng hy sinh cao cả cũng như công ơn của Ngô Tổng Thống đã một thời giúp cho dân tộc Việt Nam được sống ấm no hạnh phúc.
Trong Thánh Lễ, cũng đặc biệt cầu nguyện cho quê hương Việt Nam sớm có nhân quyền và tự do đích thực.
Trước khi Cha Chủ Tế ban Phép Lành, Ông Trưởng Ban Tổ Chức ngày Húy Nhật cũng là Vị Trưởng Khối lên nói lời cám ơn và trân trọng mời Cha Chủ Tế cùng mọi người đến hội trường để tham dự phần hai của buổi Lễ là Nghi Thức Tưởng Niệm.
Mọi năm, vào khoảng thời gian này thường đã có tuyết rơi, nếu không thì khí trời cũng rất lạnh. Thời tiết hôm nay khác hẳn, không giống các năm trước, bầu trời thì quang đãng, không có mưa, gió chỉ thoang thoảng. Đã bốn giờ rưỡi chiều mà trời vẫn còn sáng và ấm áp. Nhờ vậy, sau Thánh Lễ, tại sân nhà thờ và trước cửa hội trường, quan khách đứng tụm 5 tụm 3, thăm hỏi nhau và cười nói ồn ào rất vui vẻ, đang như tận hưởng những giây phút đẹp trời còn rơi rớt lại khi trời đã lập đông. Nhóm khác thì đang dùng nước giải khát, ăn bánh mì "ba lẹ" và truyện trò thăm nhau trong tình thân ái.
B- Nghi Thức Tưởng Niệm:
Trước 17 giờ, Quan Khách đã vào hội trường. Những quan khách được Khối mời thư riêng thì do sự sắp xếp của hai Thành Viên trong Ban Tiếp Tân là ông Nguyễn Duy Sâm và ông Nguyễn Văn Rị mời ngồi nơi hàng ghế danh dự.
Đúng 17 giờ, Người điều khiển chương trình buổi lễ là ông Bùi Văn Toàn - Thành viên của Khối - đã yêu cầu mọi người giữ im lặng để bắt đầu phần hai của chương trình
.Mở đầu phần hai là Nghi Lễ chào Quốc Kỳ và niệm hương:
Đoàn rước Di Ảnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ nơi sắp xếp đội hình, giữa hai hàng ghế, trịnh trọng tiến tới Lễ Đài trong bầu không khí linh thiêng, mọi người trong tư thế nghiêm chỉnh thả hồn theo ý Lễ.
- Dẫn đầu là Quốc Kỳ, lá cờ vàng ba sọc đỏ biểu tượng của Dân Tộc Việt Nam trong một thể chế dân chủ, độc lập và tự do.
- Tiếp đến là di ảnh Ngô Tổng Thống, một Chí Sĩ "tiết trực tâm hư", đã khai sáng "Nền Cộng Hòa Việt Nam", và đã nằm xuống để bảo vệ tinh thần tự quyết của Dân Tộc cũng như tính kỷ cương của Quân Lực VNCH. Di Ảnh được cung nghinh trên tay ông chủ tế Vũ Duy Toại là thành viên của Khối.
- Tiếp sau là 2 chị vận khăn đống áo dài màu đỏ, hình ảnh của hai chị em Nữ Sĩ năm xưa là Trưng Trắc và Trưng Nhị đã một thời cầm gươm với tiếng trống Mê Linh khởi nghĩa đánh đuổi quân đông Hán và
- 6 vị phụ tế cũng trong lễ phục cổ truyền của dân tộc, tượng trưng hình ảnh của trai tráng và bô lão, 6 Vị này thuộc Cộng Đoàn Thánh Gia Berlin.
Khi còn tại thế, Cố Ngô Tổng Thống đã từng nhấn mạnh với Đồng Bào:
"Tôi tiến, tiến theo tôi
Tôi lùi, hãy bắn tôi
Tôi chết, hãy noi gương tôi."
Đúng vậy, nối chí Cố Ngô Tổng Thống, đoàn rước Di Ảnh với mọi người hiện diện, tôi tưởng như một Hội nghị Diên Hồng, dưới ngọn cờ của Tổ Quốc, đủ nam phụ lão ấu, quyết cùng đứng lên chống Cộng Sản tham ô và bọn xâm lăng Tàu Cộng.
Mọi người trong hội trường cùng hướng về lá Quốc Kỳ. Trong bầu không khí linh thiêng, bài Quốc Ca vang lên từ từng Con Dân Nước Việt đang hiện diện.
Trong giây phút mặc niệm, mọi người cùng kính cẩn nghiêng mình để tưởng nhớ những Anh Linh Tử Sĩ và những Đồng Bào đã nằm xuống vì hai chữ tự do.
Ai cũng giữ im lặng và hiệp ý với Ban Tế thắp lên những nén hương lòng để tưởng nhớ công đức Cố Ngô Tổng Thống và hình ảnh nền Đệ I CHVN trong thanh bình, ấm no.
Sau giây phút niệm hương, bài Tế vang lên do Ông Chủ Tế đã khéo pha trộn cả hai thể loại ngâm và đọc. Nghe rất bi hùng, lại càng thương nhớ Vị lãnh đạo tài ba thuở ấy.
* Sau khi phần Nghi lễ chấm dứt, ông Bùi Văn Toàn mời Quan Khách an tọa và trịnh trọng giới thiệu từng Vị khách trên hàng ghế danh dự.
* Sau đó, ông Nguyễn Văn Sách, Trưởng Ban Tổ Chức đã nói lời chào mừng đến tất cả các Quan Khách, Ông đã rất cảm động với sự hiện diện của đồng hương và cảm nhận như một niềm vinh dự lớn lao cùng là niềm khích lệ mà Quan Khách đã ưu ái dành cho Khối.
*Ban Tổ Chức cũng đã trịnh trọng giới thiệu Linh Mục Quản Nhiệm để cả hội trường được biết Cha.
* Chủ đề của buổi Lễ hôm nay, đặc biệt chú trọng về câu nói của Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu được ghi trong tác phẩm "Chính Đề Việt Nam" là: "Chỉ là vấn đề thời gian". Câu nói như một viễn kiến chính trị của Ông liên quan tới hiện tình đất nước đang đứng trước hiểm họa ngoại xâm của Tàu Cộng.
Để nói lên quan điểm của Khối trước tình thế này, các Thành Viên của Khối đã biên soạn và thuyết trình:
- Ô. Nguyễn Hữu Dõng nói về đề tài: "chỉ là vấn đề thời gian"
- Ô. Trần ngọc Khử nói về đề tài: "Phát huy Tinh Thần Ngô Đình Diệm trước hiện tình đất nước".
Cả hai bài thuyết trình đều thu hút người nghe, được quý khán thính giả chăm chú theo dõi vỗ tay ủng hộ.
Được một Thành Viên Khối cho biết: Trên thực tế, việc phát huy tinh thần Ngô Đình Diệm cũng còn nhiều khó khăn, vấn đề tiên quyết là thu phục nhân tâm. Khi người ta đã nhìn nhận trung thực việc nhận lãnh trách nhiệm của Cụ Diệm đối với Đất Nước và thấy được cái chính nghĩa Quốc Gia của thời Đệ I Cộng Hòa VN, thì bức tường kỳ thị tôn giáo do Cộng Sản tạo ra gây chia rẽ vào thời ấy sẽ hoàn toàn mất đi, tạo đoàn kết và sức mạnh dẹp Cộng Sản, đuổi ngoại xâm.
* Tiếp nối chương trình là phần phát biểu cảm tưởng của Quan Khách:
Có 4 Vị được mời phát biểu là :
Bs. Hoàng thị Mỹ Lâm, Ô. Lê Phú Cường, Cựu Trung Tá Nguyễn Đình Tâm và Gs. Lê Hùng
Mỗi Vị phát biểu trên một lãnh vực, không trùng hợp. Tuy nhiên tài đức lãnh đạo của Cụ Diệm vẫn là mẫu số chung. Ngoài ra:
+ Bs Mỹ Lâm không cùng tôn giáo với Tổng Thống Diệm. Người viết xin ghi lại đây một đoạn trong bài phát biểu của Bà về tài năng lãnh đạo của Cụ: "Đệ Nhất VNCH là một chính phủ Dân Chủ đầu tiên sau thời đại Quân Chủ , một chính phủ đầu tiên vừa thoát ra khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp, vừa bị đánh phá len lỏi của Cộng Sản dưới mặt nạ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam , trá hình dưới mọi hình thức: Từ chính khách trong hàng ngũ nội các , từ SV HS đến thầy tu, nông dân ... Trước những trăm ngàn khó khăn như vậy nhưng dưới thời Đệ nhất VNCH người dân và chính bản thân tôi cùng gia đình đã có một thời sống trong thanh bình yên ổn nhất tại VN. Thuở đó lòng người còn giữ nguyên bản chất nhân bản đạo đức , học trò đi học thấm nhuần tư tưởng Tiên hoc lễ hậu học văn , thấm nhuần căn bản đạo làm người trong cách cư xử với nhau trong xã hội và trong gia đình.
+ Ông Lê Phú Cường đã nói lên niềm vui mừng là lần đầu tiên có tổ chức ngày Húy Nhật của Cố TT Ngô Đình Diệm tại Cộng Đoàn. Ông cầu chúc các Anh trong Ban Tổ Chức có nhiều sức khỏe và nghị lực để tiếp tục dấn thân vào việc làm hữu ích này, và cầu chúc mọi người hiện diện được sự bình an trong Chúa Kitô.
+ Cựu Trung Tá Nguyễn đình Tâm thì nhấn mạnh tính quật cường của cố Ngô Tổng Thống đã bảo vệ danh dự của người quốc gia nói chung. Ông Tâm cũng nhấn mạnh đức hy sinh cao cả của Tổng Thống Diệm trong biến cố đau thương mùng 2 tháng 11 cách nay 51 năm, lúc đó, Tổng Thống vẫn còn đủ thời giờ và có nhiều quân dân cán chính trung thành, thương kính, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ T Thống. Nhưng T Thống đã từ chối điều đó để tránh cảnh quân đội giết hại lẫn nhau. Vì thế, Cụ đã ra lệnh ngưng bắn, để rồi dẫn đến sự hy sinh mạng sống của chính mình.
+ Giáo Sư Lê Hùng thì chú trọng đặc biệt đến thế hệ trẻ, khuyến khích họ học hỏi để biết nhiều về con đường phục vụ Quê Hương của cụ Diệm và dấn thân vào các Tổ chức đấu tranh đòi nhân quyền cho Dân tộc. Ông cũng đề cập việc tổ chức để phổ biến và noi gương tinh thần của Chí Sĩ Ngô Đình Diệm là cần thiết, nhưng các tổ chức này khắp Âu Châu nên liên lạc để có sự hỗ trợ lẫn nhau.
* Cuối cùng, Ông Trưởng Ban Tổ Chức cám ơn Quan khách đã ở lại tham dự tới cuối chương trình. Cám ơn Cha và các Vị đã có lời phát biểu giúp cho buổi Lễ thêm ý nghĩa. Cám ơn Cộng Đoàn, Ca Đoàn, Ban Mục Vụ và nhiều người đã giúp Ban Tổ Chức hoàn thành ngày Húy Nhật.
Ban Tổ Chức đã trao tặng Linh Mục Quản Nhiệm di ảnh cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Cha rất cảm động đón nhận và cám ơn BTC trong ánh mắt thân tình.
Ông Trưởng Khối cũng đề cập: Hy vọng trong những năm tới cũng sẽ có tổ chức ngày Húy Nhật của Cụ Diệm tại Berlin.
Ông cũng hy vọng: Rồi đây, Khối sẽ nhận thêm được Thành Viên mới tại địa phương này. Đồng thời Ông kêu gọi giới trẻ là sức mạnh của Quốc gia mau đứng ra nhận lãnh và tiếp nối những công việc mà các anh hiện đang làm, vì theo thời gian thế hệ các anh rồi cũng sẽ qua đi.
Ông nói lời cám ơn đặc biệt đến mọi người đã hưởng ứng lời mời của Khối đến tham dự buổi Lễ và kính chúc Đồng Hương sớm có ngày trở về Quê Hương sống trong tự do.
* Chương trình được xen kẽ giữa các tiết mục, những bài hát đấu tranh của trung tâm Asia. Đặc biệt những bài hát "Anh là ai", "Việt Nam tôi đâu?"... do Ban Nhạc Ca Đoàn trình diễn rất xuất sắc, được quý Khán Thính Giả lắng nghe vỗ tay ủng hộ nhiệt liệt với những tiếng bis, bis... kéo dài.
* Khối đã cho in "Tập Tài Liệu" dầy 56 trang gồm những bài viết giá trị về Nền Đệ Nhất VNCH phát biếu Quan Khách.
* Gặp nhau đây, rồi chia tay,...
Chương trình chấm dứt với bao kỷ niệm và trước sự lưu luyến hẹn tái ngộ của mọi người.
Một Tham Dự Viên / bài tường thuật thu gọn
XEM THÊM ẢNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét