Kính thưa quý vị, các bạn trẻ thân yêu,
Linh hồn người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ, sự chết không làm gì được các Ngài. Chúa đã thử thách các Ngài như thử vàng trong lửa, và đón nhận các Ngài như của lễ toàn thiêu. (Kn. 3, 1-9).
Lời Kinh Thánh cả thế giới biết đến qua bài đọc Sách Khôn Ngoan nhắc nhớ hình ảnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1901-1963), một con người đạo đức và công chính, đã dám sống và chết cho tình yêu phục vụ dân tộc, phục vụ quê hương, trong tinh thần đạo đức của người Lãnh Đạo. Với hình ảnh đẹp đẽ này, tôi xin chia sẻ đôi nét chấm phá về tinh thần Đạo Đức trong lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm thân yêu.
Tôi nhớ mãi đời sống tù đày của tôi trong khu biệt giam tử hình từ ngày 30 tháng 4 năm 1985 tới tháng 12 năm 1985. Những buổi sáng rất sớm, khỏang 5 giờ sáng, văng vẳng đâu đây từ trong các phòng biệt giam tử hình tiếng hát vang xa trên đau khổ của xiềng xích tù đầy, của nỗi chết đang chờ đợi đau thương, của tuyệt vọng trong kiếp sống tù đầy gian khổ. Tiếng hát bay cao vang dội trong không gian tĩnh mịch chết chóc, sáng lên giai điệu Suy Tôn Ngô Tổng Thống: “ Ai bao năm vì sông núi quên thân mình… Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống…” cùng vang lên với bài Quốc ca thân thương: “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi…” Giai điệu thân quen bay cao vang xa trong ngục tù Cộng sản, từ giọng khàn khàn của những tù nhân tử hình. Tôi rùng mình. Tâm tư pha lẫn những lo sợ, ưu tư, và tâm tình kính phục Tổng Thống Ngô Đình Diệm, hoà lẫn niềm thương tiếc cho quê hương đất nước. Hình ảnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng lên trong tôi. Tôi khám phá ra một hình ảnh tuyệt vời: Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một Nhà Lãnh Đạo với tinh thần Đạo Đức cao quý, như một dư âm trong tâm hồn người dân Việt Nam, và ngay cả trong trái tim của những tù nhân Việt Nam tử hình, trong khỏanh khắc gian lao đau thương nhất, với xiềng xích và đau khổ, ranh giới của sự sống và sự chết, trong ngục tử hình Cộng Sản tại Tà Niên Kiên Giang.
Ký giả Bernard Fall, Giáo sư Tiến sĩ Đại Học, nhận định về tinh thần đạo đức của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong cuốn sách “The Two Vietnams” như sau: “Đúng là con người nổi tiếng thanh liêm và trung thành với nguyên tắc.” Nữ ký giả Marguerite Higgins, phóng viên cuả trên 60 tờ báo lớn thế giới, đã viết về Tổng Thống Ngô Đình Diệm như sau: “Ông là một lãnh tụ tốt, trung thực, quả cảm và đáng kính.” Tổng Thống Lyndon B. Johnson nhận định: “Tổng Thống Diệm là Churchill của thập kỷ mới trong hàng tiền đạo của các nhà lãnh đạo bảo vệ tự do.” Giáo sư Phạm Kim Vinh trong tác phẩm “The Politics of selfishness: Vietnam. The Past as Prologue” nhận định: “Nhưng lợi điểm lớn nhất của miền nam Việt Nam năm 1954 là có được một lãnh tụ có khả năng và đạo đức tương đương để chọi lại huyền thoại Hồ chí Minh: Ngô Đình Diệm.”
Khi hay tin TT Diệm bị sát hại, Mao Trạch Đông phản ứng bằng nhận xét: « Chính quyền Kennedy hạ ông Ngô Đình Diệm là một thất sách, một sai lầm rỏ rệt!” Học giả Úc Denis Warner đã tặng cho ông biệt danh xứng đáng “The Last Confucian, Người hiền triết Khổng giáo cuối cùng”. Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một thầy tu lạclõng giữa chính trường trong cô đơn, gánh trên vai thánh giá của Quê Hương đau khổ.
Với những nhận xét sâu sắc trên về tinh thần đạo đức trong vai trò Lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thân yêu, và những kiến thức nhỏ bé của tôi, một chú học sinh trung học 14 tuổi vào ngày 2 tháng 11 năm 1963, khi nghe 2 người anh rể: Anh Phạm Văn Siển và anh Nguyễn Xuân Tùng, trong Lữ Đoàn bảo vệ Tổng Thống Phủ kể lại cho tôi nghe về lòng kính trọng của những người lính chiến, đối với tinh thần đạo đức của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đồng thời, được nghe nhiều về những tiếc thương của đông đảo đồng bào Việt Nam thời đó, tiếc thương và nhớ ơn Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đa số không tin Tổng Thống qua đời, nhưng vẫn mong chờ một ngày trở lại của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, với sự tôn kính và biết ơn đặc biệt. Hình ảnh đó đã in sâu vào đầu óc của một học sinh nhỏ bé như tôi. Từ những dữ kiện trên, tôi muốn phác hoạ về chân dung của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, với tinh thần Đạo Đức trong vai trò Lãnh Đạo của Tổng thống mà tôi yêu kính. Những mẫu gương xán lạn trong tinh thần Đạo Đức của một vĩ nhân Việt Nam, Chí Sĩ Ngô Đình Diệm, một nhà lãnh đạo đáng kính trong tâm hồn của đồng bào tôi. Tinh thần đạo đức đặc biệt trong lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm được thể hiện qua những đức tính:
1. Lòng nhân ái và thương người: Tính thương người như thể thương thân, tinh thần đạo đức nhân ái của tâm hồn Việt Nam được thể hiện rõ nét trong tâm hồn Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong suốt cuộc đời của Tổng Thống, đặc biệt trong những năm tháng lãnh đạo đất nước Việt Nam. Ngô Đình Diệm, một nhà lãnh đạo nhân ái vẹn toàn, như Nữ Ký Giả Marguerite Higgins nhận định: “Ông còn có cả một sự nhã nhặn và thương cảm trong khi nói những điều trái ý tôi.”
2. Đức tính liêm khiết và ngay thẳng: Đại đa số người dân Việt Nam đều kính phục đức tính liêm khiết và ngay thẳng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Những nhân vật nổi tiếng thế giới, và kể cả những người không ưa hoặc bất mãn với Tổng Thống, cũng đều kính trọng đức tính liêm khiết và ngay thẳng của Tổng Thống. Cựu Hoàng Bảo Đại đã khẳng định: “Ngô Đình Diệm nổi tiếng là thông minh liêm khiết.” Ký giả Bernard B. Fall đã viết: “Đúng là con người nổi tiếng thanh liêm trung thành với nguyên tắc.” Ký giả Stanley Karnow xác định: “Ông Diệm ngay thẳng, can đảm và hăng say trung thành với chính nghĩa quốc gia.” Sử gia Arthur M. Schlesinger, Giáo sư Đại học Harvard, mặc dù thiên về phe chống lại Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhưng trong tác phẩm “A thousand Days”, ông đã xác nhận: “Và chính Ông Diệm là người ngay thẳng và cương quyết, tận tâm và liêm khiết.”
3. Tình yêu quê hương yêu dân tộc: Trọn cuộc đời Tổng Thống đã hiến dâng cho tình yêu quê hương và dân tộc, dám quên mình để phục vụ đồng bào và quê hương Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn đình Tuyến, Giáo sư Đại Học Vạn Hạnh và nhiều Đại học khác, trong tác phẩm “Những biến cố lớn trong 30 năm chiến tranh tại Việt Nam 1945-1975”, ông đã vinh danh Tổng Thống Ngô Đình Diệm như sau: “Ông Ngô Đình Diệm (1901-1963) là một nhân vật đã đi vào lịch sử của Việt Nam. Ông Diệm là một nhà quốc gia chân chính, trong sạch, lấy châm ngôn là “Tiết trực tâm hư” nên ông được nhiều chính khách nổi danh Hoa Kỳ ủng hộ.”
4. Tinh thần trách nhiệm và can đảm: Suốt cuộc đời phục vụ trong lãnh đạo, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã sống trọn vẹn với tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo, đồng thời, sự cương quyết và lòng can đảm sáng lên tấm gương cho dân tộc Việt Nam. Chính nhờ tinh thần trách nhiệm và can đảm trong lãnh đạo, Sử gia John M. Newman trong tác phẩm “JFK and Vietnam”, đã nhắc lại lời Tổng Thống Dwight D. Eisenhower ca tụng Tổng Thống Ngô Đình Diệm là con người thần kỳ của Á Châu. Tinh thần trách nhiệm và lòng can đảm được thể hiện rõ nét nhất trong những giờ phút cuối cùng của Tổng Thống, như tuỳ phái viên Đỗ Thọ diễn tả: “Nhưng lạ lùng thay, Tổng Thống Diệm thản nhiên ngồi uống trà, phải chăng Tổng Thống đang nghĩ tới cuộc đời tiên thánh ở thế giới bên kia, xứng đáng là một Tổng Thống Ngô Đình Diệm bất diệt ngàn đời.”
Ngoài ra, Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn là một con người đạo đức trong vai trò một tín hữu Kitô giáo, sống niềm tin và tình yêu Kitô trong cuộc đời lãnh đạo. Yêu Chúa đòi phải yêu quê hương, yêu dân tộc tha thiết. Chính Tổng Thống đã luôn thiết tha cầu nguyện cho quê hương, cho dân tộc Việt Nam. Ngày Song Thất 7.7.1954, khi trở về nước giữ chức Thủ Tướng Chính Phủ, Tổng Thống đã đến linh địa La Vang để cầu nguyện cho quê hương dân tộc. Trong suốt cuộc đời của Tổng Thống, Tổng Thống đã chăm chỉ tham dự Thánh Lễ và cầu nguyện, như một gương sáng của niềm tin. Khi bị bức tử đau thương vào ngày 2.11.1963, cỗ tràng hạt trong túi áo Tổng Thống, đã loang lổ máu đào của cả một đời gắn bó tin yêu, của cả một đời phục vụ yêu thương trong vai trò lãnh đạo.
Để kết luận, vào tháng 7 năm 1993, khi dẫn phái đoàn hành hương tuổi trẻ Việt Nam đến viếng thăm Fatima. Trong nghi thức đọc kinh Mân côi buổi tối với cả trăm ngàn khách hành hương quốc tế, được đại diện cho Việt Nam cầu nguyện 10 kinh Kính Mừng bằng tiếng Việt Nam yêu dấu, và toàn thể khách hành hương quốc tế đáp lại kinh Thánh Maria… để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam. Sau đó một phái đoàn người Mỹ đến gặp chúng tôi và nói trong nước mắt:
- Đất nước chúng tôi đã phản bội lại quê hương Việt Nam của Cha trong chiến tranh Việt Nam, chúng tôi đã cầu nguyện rất nhiều cho quê hương Việt Nam trong giờ kinh nguyện tối nay.
Sau đó, họ còn tiếp tục theo chúng tôi về mãi Lộ Đức, để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam. Qua sự kiện này cho tôi suy nghĩ: Tổng Thống Ngô Đình Diệm nằm xuống cho dân tộc Việt Nam Tự Do, vì sự phản bội của đồng minh, vì những đau thương nhức nhối của câu chuyện lịch sử Việt Nam.
Thưa Tổng Thống Ngô Đình Diệm thân yêu, nhân ngày giỗ lần thứ 46 của Tổng Thống hôm nay, con chỉ là một học sinh hhỏ bé khi Cụ nằm xuống, biết rất ít về Cụ. Nhưng qua những câu chuyện kể lại, qua những sách vở viết về Cụ, qua những tình cảm thương tiếc và hụt hẫng của ngày 2.11.1963 trong lứa tuổi học sinh thơ bé, cộng chung với những giọt nước mắt tiếc thương của đồng bào con thương tiếc và nhớ về Tổng Thống ngày ấy, hôm nay và mãi mãi. Con muốn phác họa chân dung Tổng Thống Ngô Đình Diệm thân yêu, qua hình ảnh một Nhà Lãnh đạo trong tinh thần đạo đức, với những mẫu gương chói ngời của lòng nhân ái và thương người, cuả đức tính liêm khiết và ngay thẳng, của tình yêu quê hương yêù dân tộc, của tinh thần trách nhiệm và can đảm, của niềm tin Kitô thực hành ngời sáng trong vai trò lãnh đạo. Con muốn cùng với cả dân tộc con, xây dựng lại một Giang sơn Việt Nam tươi sáng, một tâm hồn Việt Nam trong tinh thần đạo đức theo gương của Tổng Thống. Từ năm châu bốn bể, những trái tim Việt Nam hào hùng, đạo đức, và dấn thân, quên mình phục vụ, theo mẫu gương đạo đức của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nối kết lại trong yêu thương đoàn kết, chắc chắn sẽ xây dựng lại Quê Hương Việt Nam, xây dựng lại Dân tộc Việt Nam trong vinh quang ngời sáng của một mùa xuân Việt Nam vinh quang bất diệt hôm nay và mãi mãi.
Seattle 1.11.2009.
Linh Mục Văn Chi
- Xin cũng hiệp ý cầu nguyện cho Gia Đình Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm:
Đức TGM Phêrô Ngô Đình Thục.
ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận.
Giacobê Ngô Đình Nhu
JB Ngô Đình Cẩn.
Cụ Cố Tadêo và Bà Cố Elisabeth Ngô Đình Thị Hiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét