“Chúng ta vẫn chiến đấu hết mình trong sự kiên trung và miệt mài vì tình quê hương, vì sự tự do và phẩm giá của con người”
Đó không phải là những lời nói suông, nhưng đó là những gì chúng tôi hay nói với nhau trong chốn ngục tù cộng sản. Nhớ về chiến hữu Nguyễn Văn Oai, một người đã bị cầm tù đến 2 lần kéo dài từ tuổi thanh xuân cho đến tuổi trung niên.
Ngày 15.1.2018, tòa án cộng sản đưa Oai ra xét xử Phúc thẩm với hai cáo buộc “ không chấp hành án quản chế” và “chống người thi hành công vụ”. Đây là vụ án được tạo ra nhằm triệt hạ tinh thần yêu nước của Oai. Dẫu biết rằng, ra chốn công đường chỉ là hình thức, vì án từ hay tòa án đã được chỉ đạo từ chủ chương của cộng sản, nhưng qua đó, ta nhận thấy bộ mặt thật của một chế độ tàn ác và phi nhân tính.
Đối lập với những hành động bỉ ổi, thái độ thù hận và bản án mặc định của chế độ cộng sản. Oai đã thể hiện rõ cái tâm thế, sự oai phong của mình trong từng ý nghĩ, từng hành động.
Hồi bị cầm tù trong trại giam Nam Hà, còn gọi là trại giam Ba Sao, tại tỉnh Hà Nam, tôi và Oai ở chung buồng giam số 10 phân trại số 1. Khi mới đến khoảng được 1 tuần, vào ngày 18.7.2013, tôi bị hai sĩ quan công an đánh đập hết sức tàn nhẫn, khiến tôi què quặt gãy chân, không đi đứng được hàng tháng trời, hơn nữa năm sau các vết bầm dập trên thân người mới dần mờ đi. Trước nỗi đau của bạn mình bị đánh, Oai là người lên tiếng mạnh mẽ, cùng với ông Vi Đức Hồi, Đỗ Văn Hoa, và nhiều người khác quyết định tuyệt thực và yêu cầu giám thị trại giam phải làm rõ vụ việc. Nhưng sau đó, họ đã biệt giam mỗi người đi mỗi nơi trong một năm trời.
Sau một năm, chúng tôi gặp lại nhau, sống chung một buồng giam, khi này, phía trại giam tìm mọi thủ đoạn để chia cắt tình cảm anh em. Lúc thì chúng cho gọi Oai lên để thêu dệt những điều không tốt về tôi, và ngược lại, khi gọi tôi lên thì kể xấu về Oai. Anh em chúng tôi đi guốc trong bụng họ nên nhìn nhau mà cười với nhau một cách sảng khoái, nói rằng “ tin chúng nó nói thì não của bọn mình hỏng hết rồi”.
Tôi và Oai thỉnh thoảng lại “được” gặp mặt lãnh đạo của trại giam, trong bất cứ sinh hoạt nào đó xảy ra trong trại hay buồng giam, nội quy hay chính sách mà chúng tôi phản đối thì họ mời chúng tôi “đi uống trà”. Mục đích của họ chỉ là diễn giải, khuyên căn, thậm chí răn đe để chúng tôi không hoặc giảm bớt chống đối. Oai rất thẳng thắn và cứng lời, có lúc Oai quát thẳng vào mặt cán bộ trại giam, và thường thì họ đuối lý trước Oai.
Khi chuẩn bị đến ngày ra tù, an ninh Bộ công an có đến trại giam Nam Hà để gặp từng người chúng tôi “nói chuyện, khuyên nhủ”. Họ hỏi Oai sau khi ra tù có tiếp tục tham gia đảng phái tổ chức, có tiếp tục biểu tình, có tiếp tục đấu tranh hay không ?
Oai có kể lại tôi nghe cách anh ấy trả lời với an ninh: Việc đó tôi không có nghĩa vụ phải trả lời các ông, tôi làm gì hay không làm gì là ở thì tương lai, chưa biết được điều gì. Mà tôi có làm gì thì các ông cứ tiếp tục bắt giam như đang giam cầm chúng tôi. Còn những tư tưởng, hành động và việc làm của chúng tôi là vì quê hương dân tộc, vì phẩm giá và nhân vị của chính chúng tôi, của mọi người và cho cả các vị nữa.
Cái độ cứng, độ lỳ, độ liều và sự lý luận cùng với một tâm thức vững chắc như bàn thạch của Oai khiến cho tất cả an ninh, công an cảm thấy bế tắc, mệt mỏi. Để khuất phục được con người như Oai thật khó khăn cho họ, thậm chí có khi tác dụng ngược, trong tâm thức sâu xa hầu như có nhiều vị an ninh, công an hiểu được phần nào chân lý mà chúng tôi đang gieo nơi họ.
Ngày hôm nay, Oai tiếp tục bị cầm tù, với mức án nhiều hơn lần thứ nhất, tổng cộng anh đã đánh đổi 9 năm tuổi thanh xuân trong chốn lao tù. Cả một đời trai trẻ theo đuổi lý tưởng, con đường vì tình yêu quê hương đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc, vì công lý và bình đẳng cho mọi người và mọi nơi.
Hiểu một phần nào con người của Oai, tôi dám khẳng định rằng, Oai vui mừng mà nhủ rằng, đất nước chúng ta đang tiến vào con đường hạnh phúc đích thực, cộng sản, sự dữ và bóng tối đang dần bị ánh sáng đẩy lùi, biến mất. Sự hi sinh của bản thân cho quê hương và tha nhân không vô ích, mà nó đang trở nên muối men cho đời./.
13.1.2018
Paulus Lê Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét