MỘT NGÀY CHO THUYỀN NHÂN CAP ANAMUR 2015
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Một ngày như hôm nay tạo cơ hội cho việc nhắc nhớ lại những gì chúng ta đã phải và được trải qua hơn 30 năm về trước. Phải trải qua, vì đã phải chịu đựng những điều không ai trong chúng ta muốn. Được trải qua, vì đó là những kinh nghiệm đặt nền tảng cho đời mới. Và cũng nhờ đó, chúng ta cũng như các thế hệ con cháu có được ngày hôm nay, tại mảnh đất này.
Chúng ta gặp gỡ nhau để nhớ ơn những con người đã mở rộng con tim và đôi tay để cứu vớt. Qua đó, họ đã tạo điều kiện giúp cho giấc mơ của chúng ta trở nên hiện thực. Và khi cảm ơn cho đời mình, chúng ta cũng tưởng nhớ đến tất cả những đồng bào đã cùng có một giấc mơ, mà không thể nhìn thấy miền đất hứa. Họ đã phải chết. Chết theo nhiều cách khác nhau trên con đường tìm tương lai. Họ phải thiệt mạng - như hàng vạn người từ các nước thuộc Châu Phi hay từ các vùng chiến tranh đói khổ khác trong những tháng ngày qua.
Chúng ta cầu nguyện: Xin cho họ tìm thấy nơi Thiên Chúa những gì mà họ không tìm thấy nơi con người, ở thế giới này. Xin Thiên Chúa là đích cho con đường của họ - và của cả chúng ta.
Hội ngộ, vì thế, là để tri ân và để tưởng niệm.
Là thuyền nhân, chúng ta đã từng mơ ước một tương lai được sống thật mà không phải sợ hãi, được tôn trọng và được đối xử như những con người. Là những người được Cap Anamur cứu vớt ở Biển Đông, chúng ta đã được kinh nghiệm những giá trị nhân bản đó. Lòng nhân ái, nhân phẩm và nhân quyền, yêu thương và bác ái không còn là những khái niệm trừu tượng, mà đã trở thành kinh nghiệm cụ thể của chúng ta. Nhờ những con người như gia đình ông bà Neudeck và những người Đức đã ủng hộ chương trình của họ trong nhiều năm qua. Những người đã bỏ thật nhiều sức lực, thời gian và tiền bạc để thực hiện công việc nhân đạo phi thường đó. Bởi vì họ đã coi chúng ta là những con người đáng cứu, đáng được cứu. Cho dù chúng ta thuộc giống người khác, thuộc văn hóa khác, tiếng nói khác với họ. Họ đã cứu chúng ta, bất kể chúng ta là già hay trẻ, có học hay mù chữ, theo đạo này hay đạo khác, có chính kiến này hay chính kiến nọ. Cho dù chúng ta có nhiều điều thật khác lạ so với họ, và hẳn không chỉ là những điều dễ thương dễ chịu.
Biết ơn trở thành phong cách sống của những người được cứu. Của chúng ta. Nhưng không như một món nợ lớn hay như một gánh nặng phải mang suốt đời, mà như một vốn liếng cần được làm lời. Hôm nay, khi dừng lại để hội ngộ nơi đây, tôi muốn đặt cho mình và cho mọi người hiện diện câu hỏi: Vốn liếng mà tôi/chúng ta ước mơ và đã tìm thấy, hay đúng hơn được trao cho, có lớn tăng thêm từ ngày chúng ta được cứu vớt? Hay nói cách khác: Tôi/chúng ta có thực sự trở nên con người của tự do - như những người đã cứu mình?
Thánh Phaolô nhắc nhở cộng đoàn ở Galát như vậy: „Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta.“ Nói rằng „Đức Kitô đã giải thoát“ có nghĩa là: Tự do là ơn phúc mà Thiên Chúa muốn trao ban cho tất cả mọi người và cho mọi tạo vật. Lời Kinh Thánh này cũng muốn nói rằng: Tự do đòi hỏi cái giá thật cao. Thiên Chúa đã trả cái giá thật đắt đó để thực hiện giấc mơ của Người, là mang tự do cho chúng ta. Người đã để cho Con Một nhập thể, chịu bắt bớ, tố cáo, kết án, chịu tra tấn và giết chết để làm chứng cho sự thật giải thoát đó. Những người ra đi 35, 40 năm trước đã kinh nghiệm điều này, như một lời ca thời đó mô tả: „Tự do ơi tự do! Tôi trả bằng nước mắt./ Tự do hỡi tự do! Anh trao bằng máu xương./ Tự do ơi tự do! Em đổi bằng thân xác.“ Và „đời lưu vong“ là một phần của cái giá phải trả cho giấc mơ đó (Ca khúc “Xin đời một nụ cười” của Nam Lộc).
Giá đắt như vậy cho tự do, nên tông đồ Phaolô nhắn nhủ tiếp: „Vậy, anh chị em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.“ (Gal 5,1). Đứng vững trong tự do là đừng để cho thù hận hay quá khứ, đừng để cho những vết thương gây nhức nhối hay những đắng cay nhọc nhằn phải chịu, đừng để cho một chủ nghĩa, một phe phái, những toan tính toán nhỏ to hay một luật lệ nào đóng khung, làm hẹp con tim chúng ta lại. Đừng làm nô lệ, mà làm chủ đời mình. Nghĩa là học sống ơn phúc tự do không biên giới của Thiên Chúa. Là học mở rộng con tim và nới rộng vòng tay cho tất cả những con người có cùng một giấc mơ và một niềm khát khao như chúng ta trên toàn thế giới. Vốn liếng tự do đã đón nhận cần được làm lời gấp bội. Là những người đã được cứu, chúng ta được mời gọi và có nhiệm vụ trở thành những kẻ cứu người.
P. NGUYỄN ĐỨC VINH SVD
Ảnh của THT.
Ảnh của THT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét