AFP photo
Đức Giáo hoàng Francis bước ra khỏi máy bay tại căn cứ Andrews Air Force, Maryland lúc 4 giờ chiều ngày 22/9/2015, khởi đầu chuyến viếng thăm Hoa Kỳ 6 ngày.
Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô đã đến Washington D.C., khởi đầu chuyến viếng thăm Hoa Kỳ kéo dài 6 ngày của Ngài. Trung Khang có cuộc trao đổi ngắn với biên tập viên Nguyễn Khanh, người đặc trách đưa tin về hoạt động của Đức Thánh Cha trong thời gian Ngài có mặt tại Washington D.C.
Trung Khang: 4 giờ chiều hôm nay tại căn cứ không quân Andrew Air Force Base, hình ảnh Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Phó Tổng Thống Joseph Biden cùng đứng dưới chân cầu thang chờ đón Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô là hình ảnh nổi bật nhất. Hình ảnh này được anh đánh giá như thế nào?
Nguyễn Khanh: tôi nghĩ hình ảnh đó không chỉ nổi bật trong ngày hôm nay, mà sẽ là hình ảnh được nhiều người nói đến trong những năm sắp tới. Đó là hình ảnh tiêu biểu cho sự kết hợp giữa hai nhà lãnh đạo để cùng làm việc chung, hình ảnh của sự tương phản vì những điểm bất đồng trong chính sách, hình ảnh xác nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa ngưởi đang điều khiển một cường quốc chính trị, kinh tế và người đang lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo, đồng thời cũng là hình ảnh của một khôi nguyên Nobel Hòa Bình chào đón người được xem là biểu tượng của hòa bình.
Trung Khang: Có phải đây là lần đầu tiên một vị Tổng Thống Hoa Kỳ ra tận sân bay đón Đức Giáo Hoàng không?
Nguyễn Khanh: thưa không. Bảy năm trước đây Tổng Thống George W. Bush đã tạo tiền lệ khi ra tân sân bay đón Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, nhưng điều quan trọng nhất là chuyện nhà lãnh đạo nước Mỹ đứng dưới chân cầu thang máy bay để đón nguyên thủ một quốc gia hay một nhà lãnh đạo tôn giáo là điều rất hiếm khi xảy ra. Hình ảnh mà cả thế giới nhìn thấy trưa hôm nay ở Washington D.C. chứng mình sự hiếm hoi về nghi lễ ngoại giao đó.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) chào đón Đức Giáo Hoàng Francis (phải) ngày 22 tháng 9, 2015 tại căn cứ không quân Andrews ở Maryland
Trung Khang: Tại sao Tổng Thống Hoa Kỳ lại dành sự trang trọng bậc nhất về nghi lễ ngoại giao này cho Đức Thánh Cha Phan Xi Cô?
Nguyễn Khanh: Tôi thấy có rất nhiều lý do.
Từ lâu, Tổng Thống Obama không ngần ngại biểu lộ lòng kính trọng đối với Đức Thánh Cha, gọi Ngài là “nhà lãnh đạo của sự đổi mới”, thường trích dẫn lời Ngài trong những bài diễn văn nói về xã hội và môi trường, chẳng e dè khi nhắc đến Ngải trong bản thông điệp hàng năm mới đọc trước Quốc Hội Liên Bang hồi đầu năm nay, cho mọi người biết Đức Giáo Hoàng là người đưa ra để nghị Hoa Kỳ nên bãi bỏ cấm vận với Cuba và cũng là người thúc đẩy, hỗ trợ cho các cuộc thương thuyết để Washington D.C. nối lại quan hệ với nhà cầm quyền Raul Castro.
Gần hơn nữa, mới hai tháng trước đây Tổng Thống Hoa Kỳ đưa ra chính sách mới để bảo vệ môi trường kèm theo những lời kêu gọi tương tự những điều chính Đức Thánh Cha cũng nói đến chỉ vài tuần trước đó “bổn phận bảo vệ mặt đất là bổn phận của mọi người”, “đây là trách nhiệm phải làm ngay”, “đừng để thế hệ mai sau trách cử chúng ta đã không làm điều chúng ta đều biết cần phải làm”.
Nhưng cũng phải nói ngay là không phải chuyện gì hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý với nhau, điển hình Tổng Thống Obama ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ và hôn nhân đồng tính, trong khi Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng Giáo Hội Công Giáo không cho phép tín đồ làm những điều đó; Tổng Thống Obama chủ trương mở rộng quan hệ thương mại với các nước, Đức Thánh Cha lại bày tỏ âu lo, sợ các cường quốc lợi dụng “kinh tế thị trường” để bóc lột sức lao động của người dân những nước nghèo. Vì thế, cả 2 nhà lãnh đạo đều hiểu cách hay nhất để giảm bớt khác biệt chính là đẩy mạnh những điểm đồng thuận, như bàn thảo đến chính sách về di dân, y tế, xã hội, và đó chính là điều Tổng Thống Obama “đã làm và đang làm”, theo lời các viên chức thân cận với ông nói với báo chí trước ngày Đức Giáo Hoàng đặt chân đến Hoa Kỳ.
Trung Khang: Anh có thể nêu vài thí dụ cho khán thính giả RFA được không?
Nguyễn Khanh: Thí dụ rõ nhất trong những ngày chờ đón Đức Giáo Hoàng là chính sách của nước Mỹ để giúp người tỵ nạn từ Syria, Iraq và Afghanistan đang tràn sang Châu Âu.
Đức Giáo Hoàng Phan-Xi-Cô được chào đón ngay sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ chiều 22/9/2015.
Ngay sau Đức Giáo Hoàng lên tiếng kệu gọi các quốc gia cùng chung sức giúp giải quyết tập thể di dân đồng đảo ở Âu Châu, Tổng Thống tức khắc loan báo nhận 10,000 người tỵ nạn Syria. Hai ngày trước khi đón Đức Thánh Cha, chính phủ Hoa Kỳ thông báo trong 2 năm tới sẽ nhận khoảng 200 ngàn người định cư ở Mỹ. Điều đó cho thấy thứ nhất, Tổng Thống Obama ủng hộ lời kêu gọi ủa Đức Thánh Cha, thứ nhì, Tổng Thống Obama và Đức Thánh Cha có cùng quan điểm về chính sách hỗ trợ người di dân, là điều Đức Phan Xi Cô thường nói đến từ ngày Ngài lên ngôi Giáo Hoàng tới giờ và Tổng Thống Hoa Kỳ chẳng ngần ngại dùng đó là món quà chào đón Đức Giáo Hoàng.
Ngoài ra, theo tin từ Nhà Trắng cho hay thì từ giờ đến cuối năm Tổng Thống sẽ đọc bài diễn văn quan trọng nói về chính sách cải tổ luật pháp sao cho công bằng hơn, điều này cũng được các nhà quan sát chính trị và các viên chức Nhà Trắng xem là nằm trong khuôn khổ hợp tác làm việc chung giữa Tòa Thánh và Nhà Trắng, vì công bằng và bác ái chính là mục tiêu Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh Vatican theo đuổi.
Trung Khang: Khi nói đến chuyện Nhà Trắng và Tòa Thánh hợp tác làm việc chung, mọi người nghĩ ngay đến việc Tổng Thống Ronald Regan và Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Đệ Nhị cùng làm việc với nhau để giải thể chế độ cộng sản Đông Âu. Với Tổng Thống Obama thì sao? Nhà lãnh đạo nước Mỹ có dùng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha cho một mục tiêu chính trị nào hay không?
Nguyễn Khanh: Theo tôi biết thì không. Tôi nghe nói là một số viên chức Nhà Trắng đưa ý kiến nên dùng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô để tạo lợi thế chính trị cho Tổng Thống Obama, nhưng chính Tổng Thống và các cố vấn của ông không đồng ý…
Trung Khang: Xin ngắt lời anh ở đây? Tại sao vậy?
Nguyễn Khanh: Theo những tin tức tôi thu thập được, Tổng Thống Hoa Kỳ Obama xem Đức Thánh Cha là biểu tượng của thánh thiện và đạo đức, là ngọn đuốc dẫn đường cho mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, hơn là nhìn Ngài như một nhà lãnh đạo chính trị. Cũng vì thế nên một viên chức Tòa Bạch Ốc báo trước là sáng thứ Tư, Tổng Thống sẽ dành gần hết bài diễn văn để thay mặt người dân và chính phủ bày tỏ nỗi hân hoan chào mừng Đức Giáo Hoàng, và sẽ ngồi lắng nghe những gì vị Giáo Chủ Giáo Hội Công Giáo La Mã trình bày, xem có điểm gì ông thấy có thể áp dụng vào chính sách cho quốc gia hay không.
Cả Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô và Tổng Thống Barack Obama đều xuất thân là những người hoạt động cộng đồng, và với trách nhiệm đang có, cả hai đều không ngừng nghỉ xây dựng một cộng đồng thế giới sao cho ổn định, hòa bình và phát triển. Đó là mục đích của nhà lãnh đạo nước Mỹ, và có lẽ, cũng là mục đích mà Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô nhắm tới, không nhất thiết phải lồng trong khung cảnh của chính trị.
Trung Khang: Xin cám ơn Anh Nguyễn Khanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét