Độc Lập Hoàn Toàn và Toàn Vẹn Lãnh Thổ là lập trường tranh đấu bất di bất dịch của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Chính vì lập trưởng này mà ông đã nhiều lần từ chối lời mời của Pháp, của Quốc Trưởng Bảo Đại, đứng ra thành lập Chính phủ. Giữ vững lập trường này, ông đã từ chối đề nghị của Thủ Tướng Chu Ân Lai, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết: Trung Quốc sẵn sàng nhìn nhận Chính phủ Miền Nam Việt Nam; hai bên sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia độc lập. Cuối cùng thì ông đã chấp nhận cái chết, không để cho cường lực xâm phạm đến Chủ quyền Quốc gia, tức là nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc.
Ngày nay, trước nỗi đau đất nước đang bị bọn “Thái Thú” của Tàu cộng, mang tên Việt, ăn cơm từ lúa gạo của đồng ruộng Việt , uống nước từ sông, suối Việt, cắt đầu này, xén đầu kia dâng cho quan thày. Thiết tưởng chúng ta nên ôn lại bài học này. Dĩ nhiên với một sự kiện đã xảy ra cách nay hơn nửa thế kỷ, nếu cần, điều chỉnh cho hợp tình hợp cảnh hầu có thể thực hiện tinh thần ấy theo thời thế ngày nay.
1/- Tại Biên giới phía Tây. Tháng 5-1958, bắt đầu có những rắc rối xảy ra trên đường biên giới phía Tây, quân đội Cam Bốt ngang nhiên dời cột mốc biên giới sang đất Việt Nam 3 cây số ở vùng Pleiku và một số vùng khác như Tây Ninh, Hà Tiên, Kiến Tường v.v.. Tiếp theo là những vụ cướp phá xảy ra tại các làng trong những vùng này. Được báo cáo về tình hình này, Tổng Thống Diệm liền yêu cầu Bộ Tổng Tham Mưu biệt phái về Phủ Tổng Thống một sĩ quan Pháo binh có khả năng. Sĩ quan được biệt phái là Đại úy Lê Châu Lộc, đang là huấn luyện viên tại trường Đại Học Quân Sự. Ông được Tổng Thống đích thân giao nhiệm vụ đi cắm lại các cột mốc suốt dọc đường biên giới Việt Nam-Cam Bốt, theo bản đồ từ thời Pháp thiết lập, và quan sát đất đai, sinh hoạt của dân chúng sống hai bên đường biên giới. Với một xe jeep, một hạ sĩ quan truyền tin và hai hộ vệ, khởi sự từ tháng 6-1958, ông đi kiểm tra lại các cột mốc phân ranh suốt từ Hà Tiên đến Pleiku, cắm lại tất cả những cột đã bị di dời.
Nhưng nhiệm vụ ông được giao, không dễ dàng được hoàn thành, vì sự ngoan cố của phía Cam Bốt. Những cột mốc bị dời sai đường ranh theo bản đồ, lấn sang đất của ta, được di đến đúng đường ranh. Nhưng khi trở lui kiểm soát, thì thấy chúng lại đã bị dời về địa điểm cũ, trên phần đất bị lấn chiếm, và dĩ nhiên, chúng lại được di về đúng trên đường ranh. Hai bên cứ giằng co di đi, dời lại như thế hai ba lần. Cuối cùng ông được phép dùng biện pháp mạnh, gài lựu đạn dưới những cột mốc đã được cắm lại. Kết quả là người của quân đội Cam Bốt đến dời cột mốc về lại đia điểm lấn chiếm, đã bị thương hoặc tử vong.
Vì lập trường chính trị không đồng nhất, sự giao hảo giữa Việt Nam và Cam Bốt vốn không được tốt đẹp lắm, dù hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao đến cấp Đại sứ. Nay thêm hậu quả của vụ tranh chấp biên giới này, phong trào chống người Việt Nam được thổi bùng lên tại Camb Bốt. Nam Vang ồ ạt biểu tình đả kich Việt Nam, hành hung Việt kiều, chính phủ Cam Bốt hạn chế giờ dạy tiếng Việt trong các trường Việt Nam trên đất Cam Bốt chỉ còn 2 giờ một tuần v.v…
Nhằm ngăn chặn tình hình trở nên xấu thêm và để tỏ thiện chí, Tổng Thồng Ngô Đình Diệm gửi lời mời Quốc Trưởng Sihanouk qua Sài Gòn hội đàm, và gửi Cố vấn Ngô Đình Nhu sang Nam Vang thảo luận về chương trình đàm phán giữa đôi bên. Ông Sihanouk nhận lời mời sang Việt Nam, nhưng họ đã nạp đơn khiếu nại tại Tòa án quốc tế La Haye về đường biên giới giữa Việt Nam và Cam Bốt. Kết quả họ bị thua kiện.
Về nhiệm vụ quan sát đất đai và sinh hoạt của dân chúng sống hai bên đường biên giới. Đại úy Lộc đã báo cáo với Tổng Thống về một vùng đất rộng mênh mông dọc theo con đường nhỏ thường được gọi là Piste Kinda chạy ra đường 13, đi về Banmêthuột, đất đỏ rất mầu mỡ. Vùng đất này trước kia là mật khu của Việt cộng, chúng vẫn còn có người khai thác trồng hoa màu bắp (ngô), khoai, sắn (khoai mì) rất tốt. Sau khi cho nghiên cứu, Tổng Thống Diệm đã thành lập tại khu này một tỉnh mới: Tỉnh Phước Long. Chính phủ khuyến khích, kêu gọi dân chúng, và có chính sách giúp đỡ cho những người đến đây lập nghiệp. Về sau, tại tinh Phước Long, dân chúng làm ăn rất phát đạt, ngoài hoa mầu còn có những đồn điền cao su rất thành công.
2/- Qua biên giới phía Đông. Ở phía Đông, nước Việt Nam ta tuy nhỏ, nhưng thiên nhiên ưu đãi dành cho một biên giới phía Đông dải cả ngàn cây số với vùng biển Thái Bình Dương tương đối hiền hòa, bao la nước, trời. Tài nguyên biển chúng ta giầu có, lại được hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, của chìm (dầu lửa, khí đốt), của nổi (cát trắng, phân chim), kích thích sự thèm muốn của nhiều nước xung quanh, gây nên nhiều tranh chấp, nhất là từ khi các mỏ dầu được tìm thấy, như chúng ta chứng kiến hiện nay.
Từ thời xa xưa, người Anh và các nước Âu Châu đã sớm nhìn ra ưu điểm nước, trời, của biển cả, đã dốc hết tâm trí khai thác, xử dụng sức mạnh này, nhờ vậy mà họ đã chinh phục gần trọn cả thế giới. Với Việt Nam chúng ta, tiếc rằng, người xưa chưa ý thức được để khai thác, xử dụng sức mạnh trời cho: Trên một ngàn cây số bờ biển thênh thang với một vịnh Cam Ranh đẹp và an toàn nhất thế giới!
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa I, mỏ dầu chưa được phát hiện, nhưng ta đã khai thác mỏ cát trắng, loại cát dùng để chế biến thành thủy tinh, pha lê. Công ty Catraco trúng thầu công tác khai thác nguồn tài nguyên này. Tuy rằng, vì kỷ thuật và phương tiện khai thác còn thô sơ, thiêu thốn, số lượng cát được khai thác chưa được nhiều, nhưng ta cũng đã xuất cảng khá đều đặn loại cát này sang thị trưởng Nhật Bản. Cùng trong thời gian này, công việc nghiên cứu giá trị kinh tế của mỏ phân chim trong khu vực hai quần đảo đang được tiến hành tốt đẹp.
Từ đó cả Trung Hoa Dân Quốc và Trung Cộng đều nhảy vào tranh chấp, bên nào cũng tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của họ. Riêng với Trung Hoa Dân Quốc, đang có mối quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam, cá nhân hai vị Tổng Thống cũng quý mến và kính trọng nhau đặc biệt đến nỗi, khi hay tin Tổng Thống Diệm bị sát hại, Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã nói: “Một trăm năm nữa Việt Nam chưa có được một người như Ngô Đình Diệm”.
Chính phủ Việt Nam sau nhiều lần chính thức công bố xác nhận chủ quyền của mình trên hai quần đảo này, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã có một cử chỉ bày tỏ chủ quyền của Việt Nam một cách rất đặc biệt: Ông đã mặc Quốc Phục ra kinh lý đảo Lý Sơn, thường được gọi là cù lao Ré, nơi có miếu Hoàng Sa. Trong suốt chín năm cầm quyền, đây là lần duy nhất ông mặc quốc phục khi đi kinh lý. . Đến năm 1961, Tổng thống Ngô Ðình Diệm ban hành sắc lệnh số 174 NV, Thiết lập một đơn vị hành chánh cấp xã và đặt tên cho xã này là Định Hải, gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, do một phái viên hành chánh trông coi, trực thuộc quận Hòa Vang. Tỉnh Quảng Nam.
Và từ đó cho đến hết thời Việt Nam Cộng Hòa I, không thấy có những tuyên bố nhận chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ các nước chung quanh nữa.
Đất nước Việt Nam tuy nhỏ, dân không đông, nhưng tinh thần hào hùng bất khuất thì không thiếu. Nhờ có tinh thần hào hùng, bất khuất mà từ ngày lập quốc, cha ông ta, tuy phải triều cống người láng giềng khổng lồ phương Bắc, nhưng lời chỉ dạy của các bậc Minh Vương như vua Trần Nhân Tôn dưới đây, luôn được con cháu muôn đời ghi tâm khắc cốt và thực hiện chu toàn:
Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:
Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu.
Ngô Đình Diệm (Đồng Cam, Tuy-Hòa 17-9-1955)
Nguyễn Văn Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét