... Sau Edward Lansdale,
rồi mới đến lượt ông Ngô Đình Nhu được phép vào khu mở cuộc hội đàm trực tiếp với Tướng Thế. Cùng đi theo ông Nhu, có Lê Văn Đồng, và Huỳnh Hữu Nghĩa. Cả Lê Văn Đồng và Huỳnh Hữu Nghĩa lúc ấy đều chưa có chức vụ gì trong chính phủ. Đồng vốn xa lạ, chỉ có Nghĩa là người may mắn quen biết Tướng Thế từ những ngày Nhật chiếm đóng Đông Dương. Nhờ vậy, Nghĩa đã đóng vai trung gian đắc lực, và mới được Nhu kén chọn mang theo ngay buổi đầu.
Khác với Lansdale, Cố Vấn Ngô Đinh Nhu được tiếp đón tại Vườn Chuối, chứ không ở trên đỉnh Núi Heo. Đêm hôm ấy, dưới một túp lều tranh, và bên một ngọn đèn dầu leo lét, đôi bên mở cuộc đàm đạo trong cái không khí dè dặt, thăm dò lẫn nhau. Nhu nhìn thẳng vào mặt Tướng Thế, rồi nói bằng một giọng nhỏ nhẻ, khiêm tốn: - Anh Diệm tôi vốn có lòng mến mộ anh, hết sức ca tụng sự nghiệp đấu tranh cách mạng của anh ngay từ khi ông còn ở nước ngoài. Ngày nay ông về nước cầm quyền, dĩ nhiên là ông không thể không nhờ cậy tới bàn tay của một nguời hiếm có như anh. Vì vậy, anh Diệm tôi sai tôi lên đây, thành thật mời anh vui lòng rời bỏ cuộc đời sương gió hiện nay, về tiếp tay với anh tôi trong một công cuộc hết sức khó khăn, giữa cái tình thế đặc biệt của đất nước ngày nay.
Tôi nghe thấy giọng nói ông Nhu đầy xúc động. Tôi lại đặc biệt lưu tâm tới câu nói: "Thành thật mời anh về tiếp tay với anh tôi ", chứ không phải với "tôi" hoặc "chúng tôi". Tôi thầm khen ông Nhu khôn khéo biết lựa lời, và cũng thầm phục cái nền nếp gia phong của gia đình họ Ngô được tiếng xưa nay là đầy lễ giáo, anh em trên dưới đâu vào đó. Thấy Tướng Thế im lặng, ông Nhu bèn hắng dặng rồi hỏi: - Anh nghĩ thế nào về điều đó? Lần này bị chất vấn trực tiếp, Tướng Thế cũng hắng dặng, định lên tiếng trả lời. Thì dưới bóng tối của mặt bàn xa lông, tôi khẽ đưa mũi giày hất nhẹ vào chân Tướng Thế, nhằm gián tiếp khuyên ông hãy nên dè dặt thận trọng, chớ vội trả lời câu hỏi kia. Nhờ tôi ngồi phía tay phải của Tướng Thế, còn ông Nhu thì ngồi bên trái, nên ông Nhu không nhận thấy cử chỉ đó. Tướng Thế nhanh trí hiểu ngay ý tôi, nên ông ngập ngừng đáp hàng hai: - Thưa Cụ Cố vấn (Tướng Thế trước sau vẫn gọi Nhu bằng Cụ), việc này hết sức trọng hệ. Tôi xin thay mặt anh em thành thật cám ơn Cụ Thủ Tướng đã có lòng chiếu cố đến chúng tôi, mà sai phái Cụ Cố Vấn lên đây gặp gỡ. Nhưng tôi xin phép được suy nghĩ một thời gian, rồi sẽ xin phúc đáp. Mong Cụ Cố Vấn hiểu cho như vậy.
Tôi liếc thấy ông Nhu hơi bối rối. Ông đốt một điếu thuốc lá Mélia vàng, rồi cùng chúng tôi nhấm nháp cà phê. Tôi cần nói rõ, sở dĩ tôi kín đáo khuyên lơn Tướng Thế như trên, không phải vì tôi không có lòng tin tưởng nơi lời nói của ông Nhu, cũng không phải tôi không muốn cho Tướng Thế nhận lời mời hợp tác với chính quyền. Mà chính là vì tôi khá lo sợ khi nghĩ riêng tới vấn đề nội bộ đoàn thể. Đây mới là then chốt. Đã đành là Tướng Thế, với địa vị lãnh đạo tối cao của đoàn thể, có toàn quyền định đoạt hợp tác hay không hợp tác, có toàn quyền trả lời ông Nhu dứt khoát ngay trong đêm đó. Nhưng tôi e, khi ông đã trót nhận lời rồi, mà nhỡ anh em chiến sĩ Liên Minh lại không khứng chịu con đường hợp tác ấy, thì còn biết ăn nói làm sao đây? Việc này có thể xảy ra lắm, mà nếu đã xảy ra rồi, thì Tướng Thế sẽ không làm gì được. Ông không thể cưỡng bách tất cả mọi người, cũng không thể giết bỏ cả một lượt để chỉ còn lại một mình ông. Rút cục là tan rã. Tôi lo sợ không phải không có lý. Vì ngày xưa kéo nhau ra bưng biền, Tướng Thế có hẹn là chỉ trở về khi thành công trong mục tiêu diệt cộng, chống Pháp. Nay nước nhà vừa bị chia đôi, cộng sản vẫn còn nằm đó. Pháp cũng chưa đi, sao gọi là thành công được? Lời nói của vị lãnh tụ không thể một sớm một chiều mà thay đổi. Nếu anh em cứ vịn vào đấy mà phản đối công cuộc hợp tác, thì còn tai hại nào hơn nữa? Phải nói trắng ra rằng, anh em chiến sĩ Liên Minh rất hãnh diện về con đường họ đang đi, công cuộc họ đang theo đuổi. Dù muốn dù không, nhà lãnh đạo phải kính nể họ. Tôi chắc Tướng Thế cũng đã thấu hiểu điều đó hơn ai hết. Tôi thành thực thú nhận là khi ngăn chặn câu trả lời của Tướng Thế, tôi không khỏi hổ thẹn với lương tâm mình. Là vì, như tôi đã trình bày trong một đoạn trước, tình cảnh Liên Minh đang hết sức nguy khốn. Sau Hiệp Định Genève, cả cộng sản lẫn Pháp đều rảnh tay, chúng sẽ cùng quay lại bao vây chúng tôi để tiêu diệt một cách dễ dàng. Chúng tôi đang lo sợ, đang tìm nẻo thoát gọng kìm thực cộng. Vậy nay nhất đán được chính phủ Ngô Đình Diệm mời về hợp tác, thì có khác nào đang "buồn ngủ gặp chiếu manh", sao lại từ chối? Phải chăng tôi đã phản lại ý mình mong muốn? Vâng, tôi đã tự nguyện phản lại ý muốn ấy trong giây phút kịp suy nghĩ về mối hậu họa tày trời, nó còn đau đớn tang thương hơn cái hoàn cảnh lưỡng đầu thọ địch.
Tóm lại, cuộc hội đàm sơ bộ giữa phái đoàn của ông Ngô Đình Nhu với chúng tôi đã diễn ra thật ngắn ngủi, nếu chỉ kể về phần nội dung. Câu chuyện kể như chưa ngã ngũ ra sao cả. Đêm ấy, ông Nhu ngủ lại Vườn Chuối. Dù sang cả tới đâu, ông cũng không tìm đâu ra được giường nệm chiếu êm. Ông đành phải nằm cạnh tôi trên một chiếc sạp bằng cây cau trải đệm lót. Nhưng ông Nhu không vội ngủ. Ông tỏ ra kích thích trước cảnh sống rừng bụi. Ông diễn tả hoàn cảnh lao đao của chính quyền hiện tại, rồi bảo tôi: - Các anh em sống ở đây sung sướng quá, đầu đội trời chân đạp đất, thênh thang một mình một cõi. Chả bù với chúng tôi ở Saigon, đêm đêm cứ phải đi ngủ nhờ chỗ lạ, lo ngại bất trắc từng phút từng giờ. Tôi hơi lấy làm lạ, hỏi lý do, thì ông cho biết đại để là Bình Xuyên đang nắm trọn quyền công an, cảnh sát, làm khó dễ chính phủ đủ điều. Còn nhóm Nguyễn Văn Hinh thì làm chủ được Đài Phát Thanh Quân Đội, ngày đêm chửi rủa chính quyền thậm tệ. Nguyễn Văn Hinh bấy giờ là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia, lại là "con đẻ" của Pháp, nên tha hồ làm mưa làm gió. Bộ hạ Hinh dùng làn sóng điện, mô tả Thủ Tướng Ngô Đình Diệm là "Một ông Thầy Giòng cô độc, về tới Saigon chỉ có một chiếc va li quần áo trên tay!" Nhóm Hinh lại đe dọa bắt cóc hoặc ám sát người trong Chính phủ. Nên bản thân ông Nhu - theo lời ông thuật lại với tôi - cứ phải ngày thì làm việc trong Dinh Gia Long (hồi mới về chấp chính, Thủ Tướng Diệm và ông Nhu đều ở tại Dinh Gia Long. Mãi gần cuối năm 1954. Cao Uỷ cuối cùng của Pháp là Tướng Ely mới chịu trao trả Dinh Độc Lập trong một buổi lễ đặc biệt, và với một bài diễn văn bất hủ, bài diễn văn mang nặng những lời xỏ xiên thống mạ chưa từng thấy trong lịch sử bang giao quốc tế), đêm thì lén ra ngủ nhờ nhà một người bà con tại đường Nguyễn văn Tráng, gần ga xe lửa.
Bị kích thích bởi câu chuyện khá lạ lùng của ông Nhu, tôi bỗng ngồi dậy hỏi ông:
‘‘Tại sao Cụ Thủ Tướng lại không cách chức ông Bộ Trưởng Thông tin đi cho rồi? Ông ta ngồi đó làm gì mà để cho nhóm Nguyễn Văn Hinh tung hoành như thế?’’ Ông Nhu cũng ngồi lên theo, và nói: - Mình nên thông cảm cho ông ấy. Thật khó mà làm gì được bọn tay chân ấy của Pháp! Tôi hơi bốc đồng, chợt đưa ra ý kiến táo bạo: - Nếu thế, tôi đề nghị đưa cả Chính Phủ lên đây. Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ! (Tình cờ, tôi còn giữ được cuốn sổ tay kỷ niệm 30 năm cũ, bên trong tôi có ghi lại cuộc gặp gỡ và câu nói này) ông Nhu cười: - Rồi Chính phủ làm sao làm việc hàng ngày? Ông Nhu lại vui miệng kể tiếp về hành động của cựu Thủ Tướng Bửu Lộc trong thời gian 30 ngày xử lý thường vụ. "Bửu Lộc vét sạch hết ngân khố - lời ông Nhu nói - bày ra lắm chuyện buồn cười và phi pháp, để tiêu xài cho hết của công, chẳng để lại cho chính phủ mới một ngân khoản nào cả. Thật rõ ràng là cái lối vơ vét chợ chiều!". Ông Cố vấn còn than thở về cái nông nỗi Đại Sứ Việt Nam tại Bangkok tự tiện bán cả xe hơi lẫn dụng cụ văn phòng của Tòa Đại Sứ, lấy tiền bỏ túi. Và còn dám ngang nhiên '‘làm tình" với phụ nữ trong chỗ làm việc! Giọng ông Nhu cứ đều đều, nhỏ nhẻ hơi khó nghe, nhưng ông không dấu nổi sự ghê tởm của ông đối với các sự việc vừa kể trên. Chợt ông quay ra hỏi tôi một câu: - Anh có biết tố khổ là gì không? Tôi thú thực tôi chưa từng nghe tiếng ấy bao giờ. Ông Nhu bèn giải thích về cái chính sách đấu tố cường hào địa chủ của bọn Trường Chinh ngoài Bắc. Thời gian ấy, chúng tôi đang ở trong rừng, ít được biết tin tức bên ngoài. Thành thử chính ông Nhu là người đầu tiên đã đặt vào tai tôi hai tiếng '‘Tố khổ’’. Chúng tôi thức nói chuyện thầm thì với nhau mãi gần tới sáng.
Phái đoàn ông cố Vấn Ngô Đình Nhu được thiết đãi điểm tâm bằng cà phê sữa với "giò cháo quảy". Ông Nhu không hề kiểu cách. Riêng lòng tôi thấy ông thật bình dân và dễ mến. Ông ăn nói rất điềm đạm, và khi đề cập tới chuyện gì quan trọng, thì ông hết sức lựa lời và phát biểu chậm rãi, không có vẻ gì là người đang nắm một vai trò then chốt trong chính quyền cả. Với mái tóc hơi cao, với điếu thuốc Mélia vàng cắm trong cái tẩu ngắn bằng xương, tôi thấy ông mường tượng một nhà giáo hơn là một nhà chính trị....
*Nhị Lang.
Dung Dang Đọc mà sao cảm thấy trời đất quá bất công với đại gia đình Ngô Tổng Thống quá
Và bất công với người Việt nữa !!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét