-Phần 3-
Lê Bình
Qua những sự kiện trên đây, ông là người viết sử đã không cho người đọc được biết rõ ràng về những chi tiết quan trọng của sự thật này. Không biết vì vô tình hay cố ý. Nhưng cả 2 thái độ đó đều phản ảnh sự thiếu lương tâm, bổn phận và trách nhiệm chức nghiệp của một người viết sử. Và qua những chi tiết này, mọi người đều nhận thấy Thầy Trí Quang đã hành động với thủ đoạn của một người làm chính trị, chứ không phải hành xử theo tư cách đạo đức của một tăng sĩ Phật Giáo chân chính. (sai lầm 17, 18 &19)
Trong một đoạn khác, ông viết:
Sau các cuộc họp giữa Uỷ ban Liên bộ của chính phủ và phái đoàn Uỷ ban Liên phái Phật giáo do thượng tọa Thích Thiện Minh cầm đầu từ 14-6 đến 16-6-1963, chính phủ Diệm nhượng bộ, đồng ý để Phật tử tự do treo cờ và tạm ngưng áp dụng sắc dụ số 10 ngày 6-8-1950.
Ở đây, tôi cũng rất ân hận, để nói rằng, ông viết sử mà không đọc tài liệu, không cần chứng cớ, chỉ viết theo tin đồn ngoài phố. Đó là thái độ thiếu nghiêm chỉnh đáng trách của một người viết sử. Thật vậy, ông đã không đọc Bản Thông Cáo Chung giữa Uỷ Ban Liên Bộ và Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo, ký ngày 16. 6. 1963. Trong đó, có ghi rõ điều kiện treo cờ Phật giáo và cờ quốc gia ở các Chùa, ở nơi khán đài công cộng, trong các cuộc rước kiệu và sau hết là ở tư gia, chứ không để phật tử tự do treo cờ như ông nói.
Và Đạo Dụ số 10 vẫn được tiếp tục cho đến khi Quốc Hội biểu quyết đạo luật mới để thay thế, chậm nhất là đến cuối năm 1963 hay đầu năm 1964. Trong khi chờ đợi Uỷ Ban Liên Bộ sẽ ra một thông báo yêu cầu chính quyền các cấp đừng áp dụng Dụ này quá khắt khe với các Hiệp Hội Phật Giáo. [1] chứ không có việc tạm ngưng áp dụng sắc dụ số 10 ngày 6-8-1950.
VI. Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp quốc
Trong một đoạn khác ông viết:
Trên thế giới, ngày 9-8-1963, Cambodia, Ceylon (sau đổi thành Sri Lanka), Nepal đưa vấn đề Phật giáo Việt Nam ra trước Liên Hiệp Quốc (LHQ). Đại hội đồng LHQ ngày 8-10-1963 quyết định gởi một phái đoàn điều tra đến Việt Nam. Phái đoàn LHQ đến Sài Gòn ngày 24-10-1963. Hôm sau, phái đoàn đến gặp tổng thống Diệm và tổ chức họp báo. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 364) Phái đoàn chưa hoàn tất công việc điều tra, thì chính phủ Diệm sụp đổ ngày 1-11-1963.
Trong một đoạn văn ngắn, ông đã phạm phải 3 lỗi lầm:
· Vì Đại Hội Đồng LHQ không thể gởi phái đoàn điều tra đến Việt Nam như ông nói, vì Việt Nam dưới thời Tổng Thống Diệm là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, LHQ chỉ có thể đến Việt Nam, nếu có lời mời của Việt Nam hoặc có sự đồng ý của Việt Nam.
Thực tế đã trái ngược với điều ông đã viết, theo lịch trình Đại Hội Đồng LHQ sẽ thảo luận để lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền vào ngày 8. 10. 1963, nhưng trước đó 4 ngày, tức ngày 4. 10. 1963, Đại Sứ Bửu Hội đã chính thức gởi một thông điệp đến Chủ Tịch Đại Hội Đồng LHQ và Tổng Thư Ký LHQ U Thant, chính thức mời LHQ gởi một phái đoàn đến điều tra tại Việt Nam. Ngày 8. 10. 1963, Đại Hội Đồng LHQ chấp nhận lời mời của chính phủ Việt Nam, chấp thuận đình hoãn việc thảo luận Vấn Đề Phật Giáo cho đến khi nhận được bản Phúc Trình của Uỷ Ban Điều Tra LHQ.
· Ông nói: Phái đoàn chưa hoàn tất việc điều tra. Thực tế, phái đoàn đã hoàn tất công việc điều tra.
· Tiếp đến, không những phái đoàn đã hoàn tất điều tra, mà còn viết một phúc trình về vấn đề này, dày 323 trang, gồm cả phụ lục, khiến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lo sợ phải tìm cách ém nhẹm đi [2], vì Đại Sứ Fernando Volio của Costa Rica, trong Uỷ Ban Điều Tra Sự Thật đã viết:
Lời cáo buộc tại Đại Hội Đồng LHQ đối với chính quyền Diệm đã không thể tồn tại… với những bằng chứng thu thập được đã chứng tỏ rằng không hề có vấn đề kỳ thị tôn giáo hoặc xâm phạm quyền tự do tôn giáo [3]
Và Thượng Nghị Sĩ Thomas J Dodd , Chủ Tịch Uỷ Ban Tư Pháp Thượng Viện Hoa Kỳ, sau khi đọc bản phúc trình này đã viết:
Theo ý tôi, điều cần phải nói thêm rằng nhân dân Hoa Kỳ một lần nữa, đã bị một vài tờ báo thông tin một cách sai lạc về tình hình quốc ngoại mà nhân dân Hoa Kỳ hằng lưu tâm đến.
Chúng ta được thông tin rằng chính phủ Diệm đã có những hành động đàn áp, rằng những tu sĩ vô tội đã bị thúc đẩy tự thiêu để phản kháng. Ngược lại, việc đàn áp đã không xảy ra một cách trầm trọng và đó chỉ là một sự khích động mang màu sắc chính trị.
Uỷ Ban đã không đi sâu vào động cơ chính trị dẫn đến sự khích động của Phật Giáo. Nhưng tôi nghĩ rằng câu trả lời cho vấn đề này chính là câu trả lời của Thượng Toạ Thích Trí Quang người lãnh đạo cuộc tranh đấu (hiện đang tị nạn tại Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Saigon) với Cô Marguerite Higgins: ‘Chúng tôi chỉ có thể dàn xếp với Miền Bắc sau khi lật đổ Diệm và Nhu’. …
Giờ đây chúng ta lại là nạn nhân của một sự lừa dối khác, hậu quả là chính phủ của Ông Ngô Đình Diệm đã bị tiêu diệt và một tình trạng rối loạn đã diễn ra sẽ làm cho việc chống Cộng trở nên khó khăn hơn. [4]
Như vậy, những người viết sử như ông và những người Phật Giáo tranh đấu đến nay, vẫn cho là cuộc tranh đấu năm 1963 là vì vấn đề kỳ thị tôn giáo, thì chính thượng Toạ Trí Quang công khai xác nhận đó là cuộc tranh đấu vì mục tiêu chính trị.Phải chăng ông và nhóm người này còn bảo hoàng hơn cả vua?
Thưa ông, với tư cách là một người viết sử, không biết có bao giờ ông tự vấn lương tâm về những điều ông đã viết sai sự thật này không? (sai lầm 20, 21 & 22)
Đoạn kế tiếp ông viết:
Sau biến cố Phật giáo ngày 8-5-1963 ở Huế, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu Việt Nam thuộc Tòa đại sứ Hoa Kỳ, Ben Wood, soạn một kế hoạch khẩn cấp ngày 23-5-1963 về các cách thay đổi chính phủ Diệm.
Thưa ông, ở đây, ông lại viết sai nữa. Thật vậy, Chalmers B. Wood đã rời Toà Đại Sứ Mỹ ở Saigon từ tháng 9. 1959 [5], làm sao có mặt ở Tòa đại sứ Hoa Kỳ, để soạn thảo kế hoạch khẩn cấp như ông nói. (sai lầm 23)
VII. Điện Văn 243 ngày 24. 8. 1963
Tôi hết sức kinh ngạc khi đọc đoạn tường trình này của ông vì tất cả các sự kiện ông viện dẫn đều không đúng sự thật. Trước hết, ông viết:
Ngày 24-8-1963, Lodge gởi về Washington DC một điện văn báo cáo rằng ông Nhu là người ra lệnh tấn công chùa và nói về dự tính đảo chánh của một số tướng lãnh.
Thưa ông, khổ quá, sử gia của tôi lại viết sai nữa, trong ngày 24. 8, Lodge gởi về Hoa Thịnh Đốn tới 4 điện văn để tố cáo ông Nhu, chứ không phải 1 điện văn như ông nói. Điều này có ghi rõ trên phần đầu của điện văn 243 ngày 24. 8. 1963 mà chính ông đã trích lại của Ngô Kỷ, trong chú thích số 18 trong bài viết của ông:
Theo CAS Sài Gòn 0265 báo cáo về quan điểm của Tướng Đôn; Saigon 320, Saigon 316, Saigon 329. [Các con số là những ký hiệu mật mã.]
Nguyên văn tiếng Anh viết như sau, Re CAS Saigon 0265 reporting General Don’s views. Saigon 320 Saigon 316 and Saigon 329. Nhưng ông Ngô Kỷ đã không hiểu về thủ tục viết văn thư hành chánh, nên cho rằng đây là những ký hiệu mật mã. Sự thực hoàn toàn khác hẳn và phải được hiểu như sau:
Tham chiếu: Các nguồn tin do Hoa kỳ kiểm soát[6] (Re CAS là chữ viết tắt của Reference Controlled American Sources) tại Saigon tường trình về quan điểm của tướng Đôn, Điện văn 320 của Toà Đại Sứ Mỹ ở Saigon, Điện văn 316 của Toà Đại Sứ Mỹ ở Saigon, Điện văn 329 của Toà Đại Sứ Mỹ ở Saigon,
Như vậy, chắc bây giờ ông đã hiểu. Điện văn 243 ngày 24. 8. 1963 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thảo ra nhằm trả lời cho Đại Sứ Lodge, căn cứ trên 4 văn kiện mà Toà Đại Sứ Saigon gởi về cho Toà Bạch Ốc. Nếu là một người viết sử đứng đắn, thận trọng và có một chút hiểu biết chuyên môn và quen tham khảo tài liệu, sẽ phát hiện ngay được những sai lầm của ông Ngô Kỷ, nhưng ông lại không chịu khó tham khảo các tài liệu gốc, và chỉ thích làm việc dễ dàng là chọn những tài liệu thứ cấp để đọc, nên mới có những sai lầm này. Đáng lý, ông phải tìm hiểu rõ những điện văn này báo cáo như thế nào mà HTD đã gởi điện văn khẩn cấp như vậy để phúc đáp. Ở đây, ông là người viết sử, lại chọn một thái độ rất đáng trách, chép lại một cách không cần suy nghĩ, không buồn kiểm chứng một tài liệu của ông Ngô Kỷ, một người mà khả năng chuyên môn rất đáng nghi ngờ như tôi vừa trình bày ở trên. Ngay cả trường hợp của tôi, môt sinh viên vô danh tiểu tốt, khi làm một bài luận văn ở đại học, giáo sư của tôi cũng không thể chấp nhận cách làm việc cẩu thả này. Huống gì ông, một nhà viết sử, lại để quên lương tâm chức nghiệp của mình, làm điều sai trái như vậy.
Để cho độc giả thấy rõ hơn vấn đề, tôi xin vắn tắt về các điện văn này. Điện văn Saigon 320, thực sự tên đầy đủ của điện văn này là Embtel Saigon no. 320, (viết tắt của Embassy Telegram) gởi đi từ Saigon ngày 24. 8.1963 lúc 6 giờ chiều tường trình về cuộc gặp gỡ giữa Tướng Lê Văn Kim và Rufus Phillips, lúc đó là giám đốc USOM, đặc trách về Nông Thôn. Điện văn 316 (Embtel 316), tường trình về cuộc gặp gỡ giữa Paul Kattenburg[7] và Võ Văn Hải, gởi đi từ Saigon ngày 24. 8. 1963, không ghi rõ giờ. Điện Văn 329, trong đó tổng kết tin tức của 3 cuộc gặp gỡ này cùng cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Đình Thuần và Rufus Phillips, và nhận định tổng quát về tình hình chính trị lúc đó, được gởi đi từ Saigon ngày 24. 8. 1963, lúc 11 giờ khuya. Vì giới hạn của bài báo không cho phép chúng tôi phân tích về nội dung của các điện văn này. Tôi chỉ muốn đưa ra ở đây để cho các nhà viết sử như ông biết được những khía cạnh phức tạp của vấn đề cùng cách tra cứu và sử dụng tài liệu để có thể đưa ra những nhận định khách quan và khoa học hơn. (sai lầm 24)
Tiếp theo, ông cho rằng:
Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, cùng Harriman (thứ trưởng Ngoại giao), Hilsman (phụ tá ngoại trưởng), Forrestal (phụ tá tổng thống) đồng soạn và ký tên mật điện 243. rồi chuyển cho tổng thống Kennedy và ngoại trưởng Rusk. Hai ông nầy đồng ý cho gởi đi.
Tôi không thể tưởng tượng một nhà viết sử như ông lại không có một chút kiến thức nào về thể chế chính trị tại Hoa Kỳ, khi ông viết Forrestal là Phụ Tá Tổng Thống. Một người dân bình thường ở Hoa Kỳ cũng thừa biết rằng, trong cơ chế chính quyền Hoa Kỳ làm gì có chức vụ Phụ Tá Tổng Thống, mà ông là một nhà viết sử lại có kiến thức quá kém cỏi để viết như vậy. Thực sự, lúc đó, Michael Forrestal, là phụ tá cho McGeorge Bundy, mà Bundy là Cố Vấn về An Ninh Quốc Gia cho Tổng Thống Kenndy. (sai lầm 25)
Còn về sự kiện lịch sử này, sự thật hoàn toàn khác hẳn với điều mà ông vừa trình bày. Thật vậy, chính George Ball đã tiết lộ: Hilsman và Harriman đã thảo điện văn này và tìm đến Sân Golf 9 lỗ ở Washington để gặp Ball và xin chấp thuận văn kiện này trước khi gởi cho Lodge ở Saigon [8], vì lúc đó Ball xử Lý Thường Vụ Ngoại Trưởng, còn Dean Rusk đang ở New York . Ball đã giải thích rằng, trong những vấn đề thường nhật, ông có thể quyết định một mình ông. Nhưng đây là vấn đề quan trọng nên ông cần có sự chấp thuận của Dean Rusk, Ngoại Trưởng, Robert McNamara, Bộ Trưởng Quốc Phòng cùng các giới chức quân sự quan trọng và John McCone, Giám Đốc CIA. [9] Tuy nhiên, vấn đề gặp trở ngại, là các vị này không có mặt ỏ Hoa Thịnh Đốn vào thời diểm đó. Tổng Thống Kennedy đang ở Hyannisport [10], Robert McNamara đang leo núi ở Grand Tetons [11], John McCone đang đi nghỉ ở California [12] và Maxwell Taylor, đang ở một nhà hàng nào đó ở Hoa Thịnh Đốn [13]. Sau đó, Ball liên lạc với Tổng Thống Kennedy, Kennedy trả lời, ông chỉ chấp thuận nếu Bộ Trưởng Quốc Phòng và Ngoại Trưởng đồng ý. Rồi sau đó, Ball gọi điện thoại cho Dean Rusk và làm cho Rusk nghĩ rằng Kennedy đã dồng ý với điện văn này. Nhưng sau này Rusk biết rằng Kennedy đã nói ‘tôi sẽ chấp thuận điện văn đó, nếu Rusk và McNamara chấp thuận nó’. Nhung lúc đó, nghĩ rằng sự chấp thuận của Tổng Thống đã giới hạn quyền tự do hành động của tôi … và tôi đã đồng ý. [14]
Như vậy, rõ ràng là Ball đã gọi điện thoại đánh lừa Tổng Thống Kennedy và Ngoại Trưởng Dean Rusk rồi qua mặt Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara để chuyển điện văn này đi, chứ không có việc chuyển điện văn này đến cho Kennedy và Dean Rusk. Rồi hai ông này đồng ý cho gởi điện văn ấy đi như ông đã trình bày. (sai lầm 26)
Sự việc chuyển điện văn một cách gấp rút và không minh bạch này đã khiến Tổng Thống Kennedy tức giận, và McCone, Maxwell Taylor hậm hực vì bị lừa dối. McNamara cũng bất bình không kém
Tổng Thống Kennedy sau này đã nói: Điện văn này đã soạn thảo một cách tồi tệ, và không bao giờ nên gởi đi vảo thứ Bảy. Sau đó, Kennedy thêm rằng ông không nên đồng ý với điện văn này nếu không có một cuộc họp bàn tròn trong đó McNamara và Taylor có thể trình bày quan điểm của mình. [15]
VIII. Ngô Đình Nhu và Trung Lập Hoá Miền Nam
Rồi khi nói về việc ông Ngô Đình Nhu bí mật điều đình với CS Bắc Việt để Trung Lập Hoá Miền Nam, ông lại dùng những tài liệu thứ cấp, hay loại hai (secondary sources), nghĩa là những tài liệu có mức độ khả tín rất thấp. Ông chép lại những mẫu chuyện của nhà biên khảo Minh Võ và của ông Chánh Đạo, thuật lại chuyện Cành Đào ở Dinh Độc Lập, rồi chuyện đi săn của ông Nhu, rồi chuyện ô. Nhu gặp Mieczyslaw Maneli… Từ đó các vị này thêu dệt thêm chuyện ô. Nhu mật đàm với CS Bắc Việt. Nhưng họ đã không đưa ra được một văn kiện, một chứng từ, một tài liệu nào khả tín cả. Toàn bộ câu chuyện chỉ là góp nhặt, chắp nối và tưởng tượng cho thành tuồng, tuồng tích, chẳng có chút giá trị sử liệu nào cả. Rồi ông đi đến kết luận
Hai ông Diệm và Nhu lại có sáng kiến ngoại giao trực tiếp với Bắc Việt để giải quyết chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc với nhau, chẳng những làm cho dư luận Việt hoang mang, mà còn làm cho chính phủ Mỹ nghi ngờ và bất bình, vì người Mỹ bị hai ông đặt ra ngoài cuộc thương thuyết.
Ông viết sử mà ông chỉ sử dụng tài liệu có một phía, ông lo cho người Mỹ không biết âm mưu này rồi ông lo cho người Mỹ bị hai ông Diệm Nhu loại ra khỏi cuộc thương thuyết này. Không biết ông suy nghĩ thế nào, chứ như trí óc nông cạn của tôi, với hệ thống CIA họ cài dày đặc ở Việt Nam, những chuyện đi đêm như vậy của Ô. Nhu làm sao họ không biết được? Trái lại, người Mỹ đã dựng nên chuyện ông Nhu đi đêm với CS Bắc Việt để có lý do thuyết phục các tướng lãnh đảo chánh cũng như để tranh thủ dư luận tại Hoa Kỳ và dư luận tại các nước Á Phi cho cuộc chính biến mà họ đang âm mưu thực hiện tại Saigon.
Theo tài liệu mật mà tôi nghĩ rằng có mức độ đáng tin cậy, có giá trị sử liệu cao được Ts. Pham Văn Lưu trưng dẫn khi trả lời câu hỏi của tôi trong buổi hội luận tại Đài Truyền Hình SBTN ở Westminster vào ngày 26. 10. 2008 trước đây. Tài liệu như sau:
Theo bản tóm lược về Mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến tranh VN của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tháng 9. 1963, lưu trữ tại Thư viện John F. Kennedy. Trong đó Hội Đồng An Ninh Quốc Gia chỉ thị cho cơ quan CIA:
Nguỵ tạo một tài liệu để liên kết Nhu với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nhằm làm mất uy tín của ông ta đối với các tướng lãnh
(Fabric a document linking Nhu with the Democratic Republic of Vietnam thus decrediting him with the generals)
Và để che giấu vai trò chủ mưu trong cuộc đảo chánh ở Saigon đang tiến hành, Ngoại Trưởng Dean Rusk đã phải gởi một điện văn số 674 cho Toà Đại Sứ Mỹ ở Sagion vào ngày 1.11. 1963 lúc 12:04pm giờ Hoa Thịnh Đốn, (khoảng 0:04 phút ngày 2. 11. 1963 giờ Saigon) chỉ thị:
Nếu cuộc đảo chánh thành công, sự chấp nhận và hiểu biết về mục tiêu [cuộc đảo chánh] sẽ gia tăng lớn lao ở đây, nếu các tướng lãnh và những cộng sự viên dân sự của họ tiếp tục khai thác một cách mạnh mẽ và công khai phần kết luận [trong nhật lệnh] đã được đọc một trong những buổi phát thanh của họ trước đây rằng Nhu đã mặc cả với Cộng Sản để phản bội sự nghiệp chống Cộng. Giá trị cao của lập luận này phải được nhấn mạnh cho các tướng lãnh biết trong một cơ hội sớm nhất.
(if the coup succeeds, acceptance and understanding of its purpose here will be greatly increased if generals and their civilian associates continue to develop strongly and publicly the conclusion reported in one of their broadcasts that Nhu was dickering with communists to betray anti-communist cause. High value of this argument should be emphasised to them at earliest opportunity.)
Rồi ngày 7. 11. 1963, Tướng Tôn Thất Đính lúc đó là Tổng Trưởng Bộ An Ninh đã họp báo theo đúng chỉ thị của Đại Sứ Lodge nói rằng tướng lãnh phải đảo chánh vì Diệm Nhu đã điều đình với CS phản bội lại mục tiêu chống CS theo đúng chỉ thị của Mỹ [16].
Vào cuối tháng 7. 1963, khi trả lời một cuộc phỏng vấn của ký giả Joseph Alsop về việc dư luận cho rằng ông Nhu đang điều đình với CS Bắc Việt để trung lập hoá Miền Nam. Ông Nhu chỉ vào cái ghế mà ký giả Alsop đang ngồi và nói:
Một giờ trước đây, đại diện của Bắc Việt cũng ngồi chiếc ghế mà ông đang ngồi đó để điều đình với tôi.
Nếu ông Nhu quả thực có điều đình với CS Bắc Việt, thì đó là một việc tối mật. Ông không thể công khai nói ra như vậy. Do đó ta có thể suy diễn rằng, đó là cách thấu cáy với người Mỹ, nếu ông (người Mỹ) làm khó dễ với tôi quá, tôi sẽ điều đình với Bắc Việt.
Trên đây là phần Ts. Lưu đã trả lời câu hỏi của tôi trong buổi hội luận tại Westminster nói trên.
Ngoài ra, tôi cũng xin nói thêm với ông, vì ông chỉ đọc lại những tài liệu của ông Đỗ Mậu và ông Chính Đạo, nên bị họ dẫn dắt sai lầm. Thực sự, nếu ông đọc chính tác phẩm Mieczyslaw Maneli và ông có chút bình tỉnh và khách quan để thẩm định vấn đề, ông sẽ thấy nhà cầm quyền Cộng Sản Ba Lan đã sợ ông Nhu dùng Maneli, như một dụng cụ tuyên truyền không công cho kế hoạch trung lập giả hiệu của ông Nhu, nên cấm không cho Maneli tiếp xúc với ông Nhu nữa. Chính Maneli đã thú nhận điều này trong tác phẩm War of the Vanquished của ông ta khi viết: Chúng tôi khuyên Ông đừng đến thăm Nhu nữa, Ông ta có thể dùng cuộc viếng thăm của ông vào những ý đồ khiêu khích. (We advised you against paying a visit to Nhu. He may use it for provocative purposes) [17]. Sở dĩ chính quyền CS Ba Lan viết ý đồ khiêu khích, vì trước đó, ông Nhu nói vói Maneli rằng ông chống đối chính sách bành trướng của chủ nghĩa duy vật do Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa lãnh đạo.
Hơn nữa, tôi cũng có tài liệu chứng minh rằng chính Hoa Kỳ đã có ý định điều đình trung lập hoá Miền Nam, để phản bội Việt Nam Cộng Hoà, chứ không phải Ông Nhu, như ông và các người được gọi là sử gia Việt Nam lầm tưởng.
Thực sự, vào khoảng cuối tháng 7.1962, khi Hội Nghị Geneva về Ai Lao sắp kết thúc, Tổng Thống Kennedy đã chỉ thị cho Harriman bí mật gặp riêng các đại biểu của phái đoàn Bắc Việt tại Hội Nghị này để tìm kiếm những cơ hội thảo luận về vần đề Việt Nam, bao gồm việc mở rộng một hội nghị bàn về việc trung lập Việt Nam tương tự như trường hợp Ai Lao. Harriman lúc đó là Trưởng Phái Đoàn của Hoa Kỳ tại Hội Nghị, đã cùng đi với William Sullivan, Phó Phái Đoàn đến khách sạn của Phái Đoàn Miến Điện tham dự hội nghị, ở đây họ đã gặp ngoại trưởng Bắc Việt lúc đó là Ưng Văn Khiêm và một người phụ tá của ông ta. Nhưng cuộc gặp gỡ này không đi đến kết quả. Sau này Sullivan thuật lại: “Chúng tôi hoàn toàn không có lối thoát. Chúng tôi chạm phải một bức tường bằng đá.” (Hồ sơ Lịch Sử Vấn Đáp, Phỏng vấn với William Sullivan ngày 5. 8. 1970, tr. 32, Thư Viện John F. Kennedy).
Những văn kiện trên là những tài liệu văn khố có mức độ khả tín không thể chối cãi được, chứng tỏ rằng người Mỹ trước đây đã nguỵ tạo tài liệu để gây nghi ngờ chia rẽ trong chính trường Việt Nam và xúi giục các tướng lãnh làm đảo chánh lật đổ chế độ Đệ I CHVN để xoa dịu dư luận bất bình tại Mỹ cũng như sự suy sụp tinh thần và mất tin tưởng của các lãnh tụ Á Phi vào chính sách ngoại giao của Mỹ về vụ đảo chánh và ám sát Tổng Thống Diệm.
Điều đáng buồn nhất là ngày xưa, các tướng lãnh đã nghe theo Mỹ, vì sự ít học hay vì quyền lợi cá nhân của họ. Đó không phải là điều tôi muốn bàn ở đây. Trọng tâm tôi muốn nói đến là 46 năm sau ngày biến cố này xảy ra, mà các người viết sử như các ông cũng chưa nhận biết đâu là sự thật đâu là nguỵ tạo? Điều này có thể là do khả năng kém cỏi của ông vì thiếu tìm tòi, tham khảo những văn kiện đầu tay, những tài liệu văn khố (primary sources), mà chỉ đọc một số rất ít sách báo, những tài liệu thứ cấp (secondary sources), mà cách nói nôm na cho dễ hiểu là những tài liệu cứt chồn hoặc giả là vì thành kiến chính trị, ông đã đưa ra những nhận định không công bình nhằm bóp méo và xuyên tạc sự thật lịch sử. Cả hai thái độ đó đều là hành động thiếu hiểu biết, gian lận trí thức, đáng chê cười, không phản ảnh lương tâm cao quí của người viết sử.(sai lầm 27)
IX. Kết Luận
1. Tóm lại, tôi mới đọc một bài viết ngắn của ông về cuộc đảo chánh ngày 1. 11. 1963, tôi cảm thấy đau buồn và thất vọng não nề, vì trong bài viết đó có đến 27 điểm sai lầm về phương pháp viết sử hay nói sai sự thật và ông chỉ tham khảo có 2 quyển hồi ký. Đó là hồi ký của Linh Mục Cao Văn Luận và hồi ký của Tướng Trần Văn Đôn. 8 quyền sách, 3 bài báo, một bài viết của Thầy Trí Quang, Từ Rạch Cát đến toà Đại Sứ , và cuối cùng là 1 tài liệu của Ngô Kỷ. Điều đáng nói là trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 rất nhiều tài liệu văn khố đã được bạch hoá, nên quyển Hồi Ký của Tướng Đôn về biến cố này không còn giá trị nữa, vì trong đó, Tướng Đôn đã nói sai sự thật quá nhiều. Nhưng ông đã dùng tài liệu đó một cách hết sức vô tư, không một chút đắn đo suy nghĩ. Thật đáng tiếc!
2. Trong khi đó, tài liệu văn khố đã được giải mật liên quan đến biến cố này có khoảng 1352 văn kiện gồm những airgrams, telegrams, memoranda, minutes và những reports của CIA đang được lưu giữ ở thư viện John Kennedy ở Boston và ít nhất là 20 Oral History, ghi âm lại các sự kiện liên quan đến các biến cố này, hiện lưu trữ tại 2 thư viện Kennedy và Johnson. Ngoài ra, nếu ông tìm kiếm ở trang mạng của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, ông cũng sẽ thấy có ít nhất là 23 hồi ký liên quan ít nhiều đến biến cố này của những nhân vật cao cấp của Hoa Kỳ, Việt Nam và các cán bộ CS hoạt động tại Miền Nam trước năm 1975 và sau hết có ít nhất 80 quyến sách bằng tiếng Việt, Anh và Pháp Văn viết về giai đoạn lich sử này, có thể nhiều hơn nữa nhưng tôi chưa biết hết. Ngoài ra, còn có những tài liệu căn bản cần phải đọc như bản Hiến Pháp của Đệ I CHVN, Đạo Dụ số 10, cùng những tài liệu khác liên quan đến vấn đề treo cờ, Thông Cáo Chung giữa Uỷ Ban Liên Bộ và Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo, ký ngày 16. 6. 1963, Phúc Trình Điều Tra của LHQ về biến cố Phật Giáo vào năm 1963.
3. Hai sự kiện trên đây chứng tỏ ông chỉ tìm kiếm, tham khảo quá ít trong số rất nhiều tài liệu liên hệ hiện có, lẽ ra ông cần phải đọc, để hiều biết những khía cạnh cần thiết của vấn đề nhằm tìm hiểu những sự thật liên quan đến biến cố lịch sử này. Nói cách khác dễ hiểu hơn, ông như một người mù, chỉ rờ được cái đuôi và hậu môn của con voi, rồi kết luận con vật này dài dài và thúi quá. Tại sao lại thúi? vì đó là vị trí, chỗ đứng mà tự ông đã chọn lựa. Thật vậy, vì ông chỉ chọn những tài liệu nào bêu xấu, vu cáo hay mạ lỵ nhiều khi rất vô liêm sỉ về chế độ này để đọc. Còn những tài liệu nào nói công bình, đứng đắn về chế độ này thì ông từ chối không đọc. Vì thế, tôi xin lỗi đã đưa ví dụ không được lịch sự để diễn tả trường hợp của ông. nhưng đó là sự thật. Nghĩa là ông đã không bận tâm đọc những gì tối thiểu mà mình cần phải đọc, để viết về giai đoạn lịch sử này, ông lại không có những kiến thức căn bản về luật học cần thiết để hiểu được hiến pháp, các đạo luật, sắc lệnh cùng hiểu biết sơ đẳng để đọc và hiểu được đầy đủ một văn thư hành chánh như điện văn 243 ngày 24. 8. 1963 như tôi đã trình bày ở trên. Nhưng thái độ tệ hại nhất đối với một người trí thức, một người nghiên cứu lịch sử là chuyện gian lận trí thức, chuyện chưa đọc một văn kiện pháp lý quan trọng liên quan đến sự kiện chính của vấn đề mà nói là đọc rồi, nhằm bóp méo và xuyên tạc sự thật lịch sử. Ngoài ra, vì những hạn chế khả năng của ông về nhiều phương diện, đáng lẽ bổn phận và trách nhiệm của một người viết sử, đòi hỏi ông phải đi học thêm để hiểu rỏ vấn đề, để có khả năng đưa ra một nhận định, một phán đoán có giá trị về sự kiện lich sử. Đàng này, có lẽ vì chưa ý thức đầy đủ về lương tâm và đạo đức của một người viết sử, ông đã hành động một cách hoàn toàn ngược lại, là lấy kiến thức nông cạn của mình để thẩm định cả một cơ cấu chính quyền suốt 9 năm mà ông chỉ hiểu được một phần rất nhỏ trong đó, vì sự hạn chế về hiểu biết chuyên môn và sự thiếu đọc sách của mình. Nhưng điều mỉa mai, ông lại không ngần ngại làm là phán đoán rất chủ quan, thiên lệch và bất công nhằm mục đích thoá mạ cả chế độ đó theo một thâm ý riêng tư của ông. Tôi không hiểu rõ nguyên nhân tại sao ông làm như vậy? Nhưng khi đọc bài viết của ông, tôi cảm nhận rõ ràng điều ấy. Theo tôi, hành xử như vậy chỉ chứng tỏ sự thiếu phẩm hạnh cần thiết phải có, của một người viết sử, chứ không tăng uy tín cho ông chút nào cả.
4. Rồi đến phương pháp sử, nó đòi buộc người viết sử phải có kiến thức về thực tại, nghĩa là phải biết thâu góp các tài liệu, các dữ kiện, các nhân chứng, vật chứng của tất cả các bên liên hệ, sau đó phải phân tích tổng hợp để tìm ra sự thật, rồi phải đặt nó vào trong bối cảnh lịch sử lúc nó xảy ra, để phán đoán, để thẩm định giá trị của sự kiện lịch sử đó. Chứ đâu phải liệt kê các sự kiện lấy từ quyển sách của Đoàn Thêm, 1945-1964, Việc Từng Ngày chép lại mà không cần tìm hiểu gì cả, rồi vội đưa ra những lời kết án đầy bất công và vô trách nhiệm như ông đã làm. Đó là việc làm của những ký giả thiếu lương thiện, những người được thuê viết mướn thiếu đạo đức, chứ không phải là cách hành xử của một người viết sử có lương tâm và đạo đức cao quí.
5. Tiếp đó là vấn đề nguyên nhân và hậu quả của sự việc, theo cách lập luận của ông và các tướng lãnh trong các quyển hồi ký, chính quyền Ngô Đình Diệm là chính quyền độc tài, gia đình trị, đàn áp Phật giáo, thanh toán các giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo, tiêu diệt đối lập, tham nhũng, hối lộ, thối nát, bất lực, hẹp hòi, tàn ác, thiển cận, ngu dốt và còn nhiều điều tệ hại khác nữa…Nhưng có một điều không ai có thể chối cãi được về thành tích của ông Diệm, trong 9 năm cầm quyền, là đã biến một vùng đất hỗn loạn triền miên vì chiến tranh trở thành một quốc gia ổn định, có kỷ cương và luật pháp. Về chính trị, ông Diệm đã xây dựng thành công một thể chế chính trị dân chủ thực sự, hợp pháp, tiến bộ và đầy hiệu năng, với một bản Hiến Pháp chính danh, vừa phù hợp với trào lưu chính trị thế giới, vừa cứng rắn đủ để đáp ứng nhu cầu chính trị của một quốc gia mới thu hồi độc lập. Về ngoại giao, đã tạo được một uy tín lớn lao trên chính trường quốc tế, với hơn 90(?) quốc gia trên thế giới công nhận Việt Nam Cộng Hòa. Về quân sự, đã kiến tạo được một quân đội có qui củ, có hiệu năng chiến đấu cao, thiết lập đủ mọi quân binh chủng với trang bị vũ khí tối tân, có khả năng tác chiến được xếp hàng đầu, so với các quốc gia Đông Nam Á thời đó; và trên chiến trường, đang giành được những chiến thắng quyết định trên mọi trận địa và gần đạt đến thắng lợi cuối cùng để tận diệt cuộc chiến tranh du kích và khuynh đảo của CS. Về kinh tế, mặc dù phải đối đầu với cuộc chiến tranh, phá hoại khủng khiếp nhất của CS, Việt Nam đã đạt được một chỉ số phát trển kinh tế nhanh nhất và ổn định nhất trong vùng.[18]
6. Ngược lại, theo ông ‘những tướng lãnh là những người tài ba, trong sạch, và những chính trị gia đối lập là những nhân vật có viễn kiến chính trị, đầy tài kinh bang tế thế…’ và tất cả những khuôn mặt xuất chúng này đều có cơ hội ít nhất là một lần tham gia vào cơ cấu chính quyền Việt Nam trong khoảng thời gian 1964-1965, sau khi ông Diệm bị ám sát. Nhưng có một sự thật hơi khó hiểu, các vị này đều tài giỏi như vậy, chỉ cầm quyền trong 18 tháng, họ cũng tạo được một ‘thành tích kỳ vĩ nhất trong lịch sử’, là biến một Việt Nam đang ở trong một tình trạng ồn định chính trị, trên đà chiến thắng du kích quân CS, có hiệu năng phát triển kinh tế cao, rơi vào tình trạng cực kỳ rối loạn về chính trị, hầu như hoàn toàn tuyệt vọng về quân sự, khiến người Mỹ chỉ còn cách là phải chọn 1 trong 2 giải pháp, một là chấp nhận bỏ rơi Miền Nam cho CS thôn tính, hai là phải đem quân đội Mỹ vào trực tiếp tham chiến để bảo vệ Miền Nam.[19] Không biết ông có còn đủ khách quan và vô tư của một người viết sử có chút lương thiện, để nhận ra sự nghịch lý trong lập luận của mình không?
7. Sau hết, tôi cảm thấy ông lúc nào cũng tự nhận mình là người nghiên cứu lịch sử, nhưng, không chịu khó tham khảo tài liệu, lại hạn định về kiến thức, thiếu hiểu biết chuyên môn và không biết sử dụng phương pháp sử học đúng cách, nhưng điều đáng trách nhất là thiếu sự liêm khiết trí thức, gian lận trong cách sử dụng tài liệu, nhưng lại thích phô trương trí thức một cách khéo léo, để lừa dối độc giả, nhưng lại thiếu thận trọng, thiếu công tâm trong cách thẩm định vấn đề. Từ những sai lầm đó, chính ông đã vô tình tự hạ mình xuống thành những người bồi bút, những kẻ đâm thuê chém mướn trên thị trường chữ nghĩa, để mong sách mình bán chạy hơn, hay là mong tìm được một chút hư danh của một sử gia dỏm. Trong khi đó, lịch sử và hậu thế chỉ vinh danh những nhà sử học có học vấn uyên thâm, có lương tâm và đạo đức chức nghiệp cao quí, có khí phách để nói lên sự thật lịch sử.
Lê Bình
California 12. 2009
[1] Xem Report of UN Fact Finding Mission to South Vietnam . Phụ Lục xiv, tr. 2-3
[3] Report of UN Fact Finding Mission to South Vietnam, tr. vi
[4] Ibid., tr. vii
[6] Nhóm chữ này thường dùng để chỉ những nguồn tin của CIA
[7] Kattenburg, là Phó Giám Đốc Văn Phòng Đông Nam Á Sự Vụ, tại Bộ Ngoại Giao Mỹ, lúc đó đang viếng thăm Saigon từ 22-30. 8. 1963
[15] Sally Bedell Smith, Grace and Power, the Private World of the Kennedy White House,(New York, 2005) tr. 421
[16] Xem Đặc San Tân Sinh Hoạt, Lich Sử ngày 1. 11. 1963 và 30. 1. 1964, Saigòn, Bộ Thông Tin, 1964, tr. 52
[18] Phạm Văn Lưu, Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam, (Los Angeles, 2005), tr. 168 và F. Nolting, From Trust to Tragedy, the Political Memoirs of F. Nolting, (New York, 1988), tr. 7.
[19] F. Nolting, From Trust to Tragedy, the Political Memoirs of F. Nolting, (New York, 1988), tr. 135.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét