Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc chân thành kính chúc Qúy Độc Giả an bình và hạnh phúc

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Chứng Nhân Vô Tình Hèn Mọn của Lịch Sử (Tình Hoài Hương)


Chân thành cám ơn tác giả Tình Hoài Hương đã đóng góp bài viết này cho BVCV để độc giả có thêm một tài liệu về những chuyện đã xảy ra sau khi anh em Cố T.T Ngô Đình Diệm bị thảm sát.

Đôi dòng giới thiệu tác giả THH :

Tình Hoài Hương là bút hiệu của Bà Trần-Ngô Thị Hoài-Hương.


Trước 1975 bà đã:
– Làm việc tại phòng Tâm Lý Chiến- Sư đoàn 2. Đà Nẵng.
– Trưởng-phòng Hành Chánh/Kế-toán Khu phố 1 – Đà Lạt.
– Phó-ban Văn-thư, Văn-nghệ – Ty Thông-tin Đà Lạt/Tuyên Đức
– Trưởng-ban biên tập ĐS Hồn Nước
– Chủ bút ĐS Xây Dựng Học-vụ.
– Trưởng-phòng Học-vụ Ty Giáo-dục Tuyên-Đức.
– Dạy 3 trường Công-lập Tuyên-Đức & Đà Lạt – Từ 1964 > 1975.
Sau 1975 : dân chài.
1993: Gia đình định cư tại Hoa Kỳ.
Sách tác giả xuất bản: (CHỈ ĐỂ BIẾU TẶNG, KHÔNG BÁN)
– Giữa Hai Lằn Đạn (2000).
Tham gia vào NHIỀU DIỄN ĐÀN HẢI NGOẠI

Chứng Nhân Vô Tình Hèn Mọn của Lịch Sử

::: Tác giả: Tình Hoài Hương

Sau những chấn động kinh khủng xảy từ vụ hăng say hoạt động cách mạng, chống đối, xuống đường biểu tình biểu tọt liên miên bùng nổ, thì lúc nầy tình hình chính trị tại miền Nam Việt Nam càng ở vào giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng”. Tôi nghiệm thấy đằng sau hậu trường có bóng dáng những tay “mưu đồ chuyên nghiệp”. Họ đã giựt dây ngầm tạo ra vô tổ chức về sự bạo loạn. Có tình trạng hơi “hỗn quân hỗn quan”, hầu lợi dụng thời cơ… thừa nước đục thả câu.

Nói chung, tình hình lúc đó quả thật là một xã hội đang trôi bồng bềnh trên biển cả, giống như một chiếc tàu không người lái. Mặc ai muốn làm gì thì làm. Luật pháp bị xô ngã. Nhường bước cho sức mạnh bạo lực lên nắm chính quyền điều hành. Vì Dân dạo ấy tuy còn trẻ, chỉ là sinh viên năm thứ Hai Văn Khoa, nhưng nàng cũng có nhiều băn khoăn, đắn đo, bâng khuâng suy nghĩ về khả năng và tài đức của những vị “lãnh đạo cách mạng” nầy. Thêm vào đó có một vài sự kiện xảy ra, khiến nó mất đi tất cả lý tưởng tin yêu vào cuộc đấu tranh. Vì Dân cảm thấy nó nhạt nhẽo vô bổ từ đó. Hơn nữa, nàng thấy chuyện chính trị hoàn toàn không phù hợp với quan niệm, hoài bão, lập trường của Vì Dân. Dân muốn tìm riêng cho mình sự thảnh thơi bình lặng trong đời sống, và giữ tinh thần trong sáng, tìm một lối thoát hiền hoà ôn nhu, tìm về cuộc sống vô tư lự, thanh thản hữu hiệu, thật sự đáng sống để góp một phần nho nhỏ mà giúp ích trong cuộc đời hơn. Vì Dân muốn sống một cuộc đời thực sự bình dị. Ôn hoà. An lành. Có nghĩa có tình! Như mọi công dân hiền hậu khác. Không oán ghét, chẳng vò xé hận thù. Không vướng mắc mọi ưu tư trong lòng. Một tuần lễ công tác trong Tổng-hội sinh- viên Việt Nam ở Huế, đã gây cho Vì Dân bao điều băn khoăn nghẹn ngào xót xa quá cay đắng. Khi cùng làm việc với Vì Dân trong tuần lễ đó, có một anh sinh viên rất qúy mến bạn. Anh ta ngầm ngầm báo với Vì Dân là:

– Hãy hết sức cẩn thận. Đề phòng. Tính mạng của các anh chị, hiện đang nằm gọn trong tay “họ”.

Thú thật, cô nàng Vì Dân không hiểu mình đã làm gì sai? Và, khi anh ta nhấn mạnh ở điều nầy, thì nàng chẳng thể hiểu biết ra sao. Nàng không hình dung nỗi “Họ” đây, là anh ta muốn “ám chỉ” về ai? Bởi vậy, ban ngày Vì Dân và các bạn lo ghi tên ở khách sạn. Ban đêm cùng nhau đi ẩn nấp chui rúc nơi bờ bụi như lũ chuột, khi ngủ chỗ nầy, khi ngủ dưới ghe bà Nẫm, đến khuya lại cho ghe neo đi chỗ khác. Lúc thì lên gần gầm cầu Bạch Hổ, khi chạy về khu Gia Hội.

Đồng thời, Dân rất buồn vì chuyện tình yêu giữa “chàng và nàng” bị đổ vỡ vô cớ. Kèm theo chuyện chính trị náo loạn dị kỳ. Dân không muốn mọi thứ ấy luôn thọc mũi dùi vào đời sống sinh viên, quấy rối lòng mình nữa! bởi vì; (tất nhiên trong đó có cả các anh bạn và, nhất là có người yêu dấu của Vì Dân):

Vì Dân cảm nhận ra rằng ở tại miền Trung bấy giờ hoàn toàn do nhóm sinh viên sừng sỏ hùng hậu chi phối. Đấy là dấu hiệu “loạn” đã lên cao độ rồi. Cái nền độc lập tự do dân chủ vừa mới sơ sinh mà như thế nầy, thì… tương lai đất nước sẽ còn tối đen như đêm ba mươi Tết. Thanh niên là rường cột của quốc gia đang giống như con dao hai lưỡi. Rồi mọi chuyện sẽ đến đâu? đi về đâu? Vì Dân cảm thấy chán nản tột đỉnh. Cúi đầu nhanh nhẹn quay gót lo thụt lùi lui xa chính trường, Vì Dân không hề dám ngoảnh lại liếc nhìn…
* * *

Bởi, Vì Dân còn nhớ rất rõ: Buổi chiều đó, một buổi chiều có mây trắng bồng bềnh bay bay trên lưng trời, có nắng nhạt nhè nhẹ rót xuống thế trần bình thường như bao buổi chiều khác. Có khác chăng là một tí nữa đây Vì Dân và hai anh bạn sẽ được vinh dự trở thành ít người hiếm hoi, tận mắt chứng kiến một sự việc đặt biệt ghi đậm nét như một dấu ấn lịch sử: Từ đầu đến cuối sự kiện trọng đại nầy: đã có nhiều dư luận, có nhiều lý thuyết, có nhiều phán đoán, có nhiều nghi vấn. Nhưng “trăm nghe không bằng mắt thấy” về những nhân vật trọng đại liên hệ đến lịch sử. Đó là một buổi chiều định mệnh… vô cùng đớn đau bi thảm vào đầu tháng 11 năm 1963.

Đúng hơn là buổi sáng đó, ông Trần Trung Dung nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng, (dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm). Ông Dung đã gọi phone đến nhà. Anh bạn và Vì Dân ngồi gần bàn làm việc. Nên anh ta bắt phone và chuyển sang cho ông Ba chủ trại hòm Tobia. Sau một hồi trao đổi, giọng ông Ba trở nên lo lắng. Bối rối. Quắt quay. Bồn chồn. Như có điều gì bức rức lắm. Cuối cùng ông Ba thở dài, buông phone xuống, e dè nhìn mọi người hiện diện, đôi mắt rướm lệ rồi ngập ngừng nói nhỏ:

– Tổng Thống, và ông Cố Vấn Nhu đã chết trong chiếc thiết vận xa M113 mang số 80.989, bởi lệnh của ông Dương văn Minh, sát thủ là Nguyễn văn Nhung rồi.

Sửng sốt. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, cùng túc trực trong phòngkhách mở radio lên nghe. Hội đồng tướng lãnh do Trung-tướng Dương Văn Minh đứng đầu đảo chánh đã thành công. Ông Minh tuyên bố: “Tạm thời lãnh đạo quốc gia”. Đài Phát Thanh Sài Gòn chỉ mở nhạc hoà tấu, luônluôn nói đi nói lại là: “Anh em ông Diệm đang ẩn nấp, hoặc tẩu thoát đâu đó”….

Chẳng nói chẳng rằng, ông Ba vội vã kiếm người đi gọi đạo tỳ đến xưởng hòm để chuẩn bị “hậu sự” cho Tổng Thống và ông Cố-vấn. Ở nhà kho của ông có nhiều hòm tuy đẹp, đắt tiền. Nhưng không mấy xuất sắc. Chỉ còn một cái hòm tốt nhất bằng gỗ gia tỵ, là loại gỗ rất quý hiếm, có bọc sẵn thêm cái hòm kẽm ở bên trong. Ý ông Ba muốn để cái hòm nầy cho ông cố vấn Nhu. Ngoài ra, còn một cái hòm nhôm mới toanh láng cón của quân đội Mỹ. Chiếc quan tài nầy rất đẹp, làm bằng nhôm nhẹ, hai lớp. Bên ngoài mạ lớp sơn bóng loáng, bên trong bọc một lớp đệm nhung mỏng, êm ái như tấm đệm giường ngủ. Nắp mở ra đóng vào bằng kính dễ dàng, có chốt cài bên hông. Có thể lộ cả khuôn mặt người quá cố cho mình nhìn tiễn biệt phút cuối cùng. Nếu là xác đã ướp lạnh, có thể để lộ hẳn ra ngoài. Ở Việt Nam chưa xuất hiện loại hòm tân thời như thế. Lẽ ra là chiếc hòm rất sang trọng đẹp đẽ qúy hiếm nầy sẽ đựng thi hài một viên Tá người Mỹ đã từ trần tại Việt Nam. Nhưng không hiểu sao họ mang vứt bỏ chiếc quan tài ở bên hông nhà ướp lạnh trong phi trường Tân Sơn Nhất. Tình cờ ông Ba đi làm việc đã thấy. Tiếc quá, nên ông Ba nài nỉ, thương lượng với tên quản lý nhà xác, và đã mua lại. Ông Ba đem về trưng bày trong tiệm cuả mình coi chơi. Ai đến mua giá cao cỡ nào, ông cũng không bán. Thế là ông Ba quyết định:

– Chỉ có Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới xứng đáng nằm an nghỉ trong đó thôi.

Cả hai khuôn hòm được mang ra lau chùi bóng loáng, sát trùng sạch sẽ, họ chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh. Gần 11 giờ trưa phone của ông Trần Trung Dung gọi báo:

– Nhờ ông vui lòng mang khuôn hòm đến nhà xác bệnh viện Saint Paul. Ở đường Tú Xương. Tuyệt đối không cho ai lạ tháp tùng. Xe chỉ chở một lần một quan tài đến đó trước.

Ông Ba nêu ý kiến:

– Có nên lấy thêm một xe nữa. Đi theo phía sau xa xa. Hay không?

– Chở từng cái một. Mang cái “đầu tiên” trước.

Ông Ba tuân lệnh. Đem cái hòm đặc biệt “đầu tiên” đi. (ý họ muốn nói đến cái đầu tiên, là khuôn hòm của Tổng-thống Diệm, người sẽ liệm trước tiên). Chiếc xe tang từ từ lăn bánh. Trên xe có Bà chủ tiệm hòm, Năm con trai bà chủ, Vì Dân, Trung, cộng thêm bốn người đạo tỳ. Xe lao vào đường phố vắng tanh, như đi trong thành phố chết, hoặc đang vào giờ giới nghiêm, thiết quân luật vậy. Đến đường Tú Xương, Vì Dân mới thấy họ đã cho cảnh sát, quân cảnh đứng các chốt. Xe jeep chận ngang ngỏ vào nhà xác. Ngoài các anh: Năm, Trung, Vì Dân, bà chủ tiệm và bốn đạo tỳ ra, còn có hai soeur có lẽ ở bệnh viện nầy. Thêm vợ chồng cháu rể của Tổng Thống đang lăm le chiếc máy ảnh trong tay. Khi xe tang vào tới bên trong, thì một soeur nhìn trước ngó sau, coi có vẻ gian và sợ sệt lén lút làm chuyện mờ ám gì, chả biết (hình như soeur có lệnh trước) đã vội vàng kéo cánh cửa đóng ập lại liền. Trong nhà xác chỉ có một ngọn đèn vàng lù mù leo lét treo lơ lửng tòn ten trên trần.

Bốn đạo tỳ mang quan tài đặt trên bệ đá cẩm thạch trong nhà xác. Họ đợi khoảng hai mươi phút sau, thì có một chiếc xe hồng thập tự, kiểu Dodge nhà binh, (màu cứt ngựa) thắng lết bánh, đỗ xịch lại. Bà soeur canh cổng kia lại mở cánh cửa nhà xác ra. Từ trên xe có bốn quân nhân phóc xuống vội vội vàng vàng khiêng băng ca nhún nhảy đi lắc lư. Trên đó có một người nằm, cũng nhún nhảy lắc lư theo nhịp bước mau. Họ mang băng ca vào để xuống dưới đất. Chả buồn nhìn ai hay nói câu nào, họ cúi đầu vội vã quay trở ra, leo tọt lên xe. Chiếc xe Dodge rít lên nghe rợn tóc gáy vút đi trong sự im lặng hãi hùng…

Lúc bấy giờ cả nhóm đông trong phòng liền bước tới đứng sát bên băng ca. Người nằm trên băng ca là vị Tổng Thống kính mến Đệ Nhất Cộ̣ng Hòa của miền Nam Việt Nam. Ngài mặc bộ veston màu xanh rêu, thắt cà vạt xanh đậm có chấm trắng. Dưới chân ngài mang một chiếc giày màu đen, bên chân kia chỉ có một chiếc tất trắng. Cả bộ comple chìm trong màu máu, trên đầu Tổng-thống có một vết thương sâu từ dưới ót trổ lên đỉnh đầu, bê bết máu. Ngài nằm đó thản nhiên im lặng, dường như Tổng Thống say chìm trong giấc ngủ ngàn thu bình an không muộn phiền, chẳng khổ đau… Ánh sáng vụt loé lên. Thì ra ông cháu rể ngoại quốc kia đã bấm được vài ba tấm ảnh. Chả hiểu ông cháu nầy lúng túng, run rẩy sợ hãi, lo lắng hay sao, mà ông lại vội cất dấu máy hình, không chụp thêm, mà lại ngưng? Hay ông thấy cảnh máu me lan tràn như thế thật đau lòng. Nên ông không cầm nỗi cơn nghẹn ngào xúc động đau đớn dâng tràn bờ mi?!

Đạo tỳ khiêng xác Ngài lên, đặt trên một bệ đá cẩm thạch có lót hai lớp vải trắng. Bà chủ tiệm nói với Năm, Trung, Vì Dân, hai soeur:

– Nhờ lấy bông gòn và compresse nhúng đầy alcohol, lau nhẹ nhàng, lau sạch sẽ, lau rất cẩn thận các vết máu.

Họ lộ vẻ kính cẩn, ân cần, chu đáo sửa sang áo quần Tổng-thống Diệm chỉnh tề, ngay ngắn. Bốn đạo tỳ chăm chỉ cắm cúi lo tẫn liệm ngài đàng hoàng. Bà chủ tiệm hòm lâm râm đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Bà nhét vào tay Tổng-thống xâu chuỗi hột mân côi. Hình như Tổng Thống Diệm vừa mới chết, cho nên hai bàn tay ông đã dễ dàng khép lại, nhẹ nhàng giữ xâu chuỗi như ông đang lim dim đọc kinh lần hạt. Mọi người hiện diện nín thở có cảm tưởng tim đập thiếu nhịp. Thở hụt hơi. Nghẹn ngào. Ngậm ngùi. Cay đắng. Xao động. Đau xót kinh khủng. Thương tiếc sâu sa. Buồn mênh mông cho kiếp phù sinh bạc mệnh. Ngắn ngủi. Bẽ bàng!
Họ chưa kịp đậy nắp hòm thì chiếc xe hồng thập tự lúc nãy trờ đến. Cánh cửa lớn do bà soeur kia lum khum hé mở ra. Đám lính lật đật bưng cái xác thứ hai vào. Bà soeur vội vàng khép nhanh cánh cửa ngay. Đó là ông Cố-vấn Ngô đình Nhu mặc áo sơ mi trắng cụt tay đẫm máu. Áo bỏ trong quần màu nâu hơi xộc xệch chút, thắt dây lưng da. Mang đôi giày màu kem. Gương mặt ông Nhu có vẻ oán hận, bất bình điều gì, vầng trán thật cao cau lại nhiều nếp nhăn. Đôi môi ông mím chặt nghiêm nghị, không thấy nét thanh thản bình an (như gương mặt của người anh). Ông nằm hơi nghiêng qua một bên. Họ thấy ông bị nhiều vết đâm sau lưng. Loại dao bayonet của quân đội. Máu vẫn ứa ra từ các vết thương đó. Trên đầu, ngay thái dương có hai vết thủng. Đó là dấu đạn đi từ bên nầy xuyên sang bên kia.

Công việc tẩn liệm cũng tuần tự diễn ra. Cẩn thận nhưng hơi vội vàng như lần trước. Không khí lúc nầy quả thực nặng nề kinh khủng! Im lặng hoàn toàn. Hình như ai ai cũng thở rất nhẹ. Vì họ sợ mỗi tiếng động, làm dấy lên từ đáy lòng mình tiếng nấc, mà họ đã kềm sâu trong lòng khóc thương một kiếp người phù sinh khi đứng trên đỉnh danh vọng cao sang dường bao, ấy thế mà lúc lìa đời thì quá ư bẽ bàng bạc phận!? Hoặc sẽ làm hỏng không khí kính cẩn tôn nghiêm; nơi con người thực sự đã bước chân vào cõi vô cùng hư vô? Quả đúng là phân giới giữa sự sống và cõi chết chỉ ngăn cách bằng một sợi tóc dài lê thê và mỏng tanh, bởi một bức màn sô vô hình tầm thường mong manh. Nhưng, kiếp người ở hai phân giới ấy đã không thể làm gì khác hơn. Người ở biên giới nầy không thể va mặt chạm tay vào biên giới vô hình kinh khủng bên kia, và càng không thể biết thêm gì nhau hơn! Đó là hình ảnh nhỏ nhoi tầm thường rất cô độc của con người hiện hữu đối mặt trước sự siêu hình cao cả của sự sống và sự chết. Quả thật không là gì cả khi thân xác ấy trở thành bất động, lung linh như ảo ảnh hư vô mà vô cùng sống động thực tế và quá đỗi thương tâm. Vì Dân sẽ không bao giờ quên, không bao giờ phai mờ trong trí óc. Vì, rất thật. Quá thật tình cờ… vô tình mình làm chứng nhân một sự kiện lịch sử trong thế kỷ. Ý thức nhận rõ ràng: Cuộc sống sao quá mỏng manh như một bóng mây trắng hờ hững bay giữa lưng trời rám bạc. Như cành cây oằn thân trong bão khi gió muốn lặng, mà dễ đâu nào!

Vì Dân cảm thấy mệt lả, nhịp tim rung lên từng cơn run rẩy, nghẹn nghẽn nỗi đau trong cổ, nàng vội kéo Năm, Trung, bước ra thềm nhà đi về hướng Phan Thanh Giản, mong cho dễ thở hơn. Ngay lúc đó, Vì Dân thấy một đoàn biểu tình náo nhiệt rầm rộ kéo nhau xuống đường. Họ vừa đi vừa giơ nắm tay hò la hét tướng lên: đả đảo “chế độ gia đình trị họ Ngô”. Họ đi thẳng tới biệt thự đường Phan Thanh Giản của ông Bộ-trưởng Bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương, người đã từng nắm giữ chức vụ “Tổng Ủy-trưởng, Tổng Ủy Di Cư năm 1954”. Họ lao vào nhà ông Lương đập phá, hôi của. Tất cả mọi thứ trong nhà thoáng chốc biến sạch hết ra đường. Thậm chí Vì Dân còn thấy có mấy người bưng hai con chó Nhật sợ hãi nhìn quanh, như nó đang muốn tìm chủ. Đám biểu tình bắt đầu xúm lại nổi lửa trong sân. Rất may, lúc đó có toán Cảnh-sát Dã-chiến đến. Họ can thiệp kịp thời. Ôi! Cuộc Cách Mạng đã thành công rồi đó. Toàn dân bấy giờ đã thoát ra khỏi chế độ “gia đình trị Họ Ngô”. Nhưng, rồi đây sẽ đến phiên ai đi tới đi lui đi lên và đi xuống? Sẽ ra sao? Xin nhường câu trả lời cho lịch sử những tháng năm sau nầy phán xét.

Nghe tiếng bà chủ gọi, các anh, chị, vội chạy trở về nhà xác khi hai chiếc xe hồng thập tự đã đến lấy quan tài hai anh em họ Ngô vừa đi khỏi. Họ nói vì lý do an ninh, nên Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chuyển hai xác anh em Tổng thống vào Bộ Tổng Tham Mưu, an táng trong khuôn viên trại Trần Hưng Đạo, cạnh chùa An Quốc. Hiện diện làm việc cấp tốc trong đêm khuya có vị linh mục người Pháp, ông bà Trần Trung Dung, Trung-tá Nguyễn Văn Luông (Trưởng ban mai táng), một số ít quân nhân ở Tổng Tham Mưu.

Tiếp theo sau mấy cuộc đảo chánh. Chỉnh lý. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đương nhiệm nghe lời ông thầy địa lý nói:

– Vì hai huyệt kia đã chôn nhằm “long huyệt”. Cho nên đất nước đã xảy ra lộn xộn liên tục. Muốn cho yên ổn. Phải cho dời ngay đi.

Thế là sau ngày đảo chánh ít lâu, bên phòng mai táng ở quân đội miền Nam Việt Nam Cộng Hòa lại cho mời ông Ba đến bàn trước tính sau. Họ nhờ ông Ba làm hai cái kim tĩnh xây gạch, tráng xi măng trước. Ông Ba lại cho người lên bộ Tổng Tham Mưu lén lút hì hục đào bới cả hai anh em cố Tổng Thống vào ban đêm. Đạo tỳ làm việc bù đầu suốt canh thâu; từ tối đến gần sáng mới xong.

* * *

Ông Ba đem hai thi thể: ông Diệm và ông Nhu về chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Khi hạ rồng rồi, ông Ba có lệnh chỉ được phép lóng cát phủ lên mặt mộ bằng phẳng cho đầy. Bên trên mặt được lấp ba tấm ván sơ sài. Trông rất hèn mọn, quá tầm thường. Tuyệt đối ông Ba không được phép ghi tên tuổi, ngày tháng bia trên mộ gì cả. Dù chung quanh đó có những ngôi mộ cẩm thạch bóng loáng, vinh sang hào nhoáng lộng lẫy khác. Vì “họ” sợ dân biết, sẽ đến cầu nguyện và ngưỡng mộ. (!?) Nhưng Làm sao mà che được tai mắt dân lành? Không biết do đâu “rò rỉ ra” nguồn tin:

– Chính hai ngôi mộ đơn sơ kia không tên không tuổi không hình bóng nầy: là mộ phần của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Thế là từ đó, mỗi khi ai ai có dịp vào thăm nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Họ liền đi vào cổng chính, đến đoạn giữa “hai ngôi mộ Anh Em”, nằm đối diện với cái tháp tưởng niệm, và ngôi mộ cố Thống Tướng Lê Văn Tỵ to lớn hoành tráng nhìn sang. Có một điều rất khác biệt với những ngôi mộ lộng lẫy sang trọng kia. Thì trên hai ngôi mộ đạm bạc đớn hèn khiêm tốn nầy, luôn luôn có những bó nhang trầm nghi ngút khói, có đóa hoa tươi màu thay đổi mỗi ngày, và có bốn ngọn nến sáng lung linh thắp suốt đêm. Hình như người ta dù sợ hãi người khác thanh trừng, nên chỉ âm thầm lén lút đi thắp nến đốt nhang cầu nguyện. Họ luôn tưởng niệm cho “Ngày dài nhất thế kỷ, buổi chiều định mệnh đó”. Họ là những người dân hiền lương ẩn danh nghèo hèn. Như thầm nói:

– Vĩnh biệt Tổng Thống. Vĩnh biệt ông Cố-vấn. Xin các Ngài cứ bình thản an nghỉ. Vì, đất nước Việt Nam vẫn còn là đất nước Việt Nam. Có thay đổi chăng, chỉ là con người, và những con người lãnh đạo mà thôi. Nguyện cầu nhị vị an nhàn bình thản ra đi… hạnh phúc phiêu lãng ngao du sơn thủy. Đi khắp trên mọi miền đất nước Việt Nam, và phù hộ cho dân lành được ấm no hạnh phúc thật sự như qúy vị hằng đợi mong. Xin qúy vị lãng quên cuộc đời bạc bẽo. Quên con người hết sức trắng trợn độc ác tham tàn và… xin hãy tha thứ cho con người rối rắm hèn kém suy nghĩ kia nên đã tàn nhẫn hại mình. Kiếp người ô trọc đảo điên và phù du rồi sẽ cũng khép lại sau đôi mắt hờ hững lặng nhìn.

Vì Dân tôi, một chứng nhân vô tình hèn mọn trong bóng tối lịch sử buông tiếng thở dài sâu lắng trầm buồn trên mỗi phím loa  !!! …

* * *

THH
Tìnhhoàihương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét