(Ngô Đình Diệm thực không giống như chúng ta đọc trong sách của một phía. Em đã gặp những nhà trí thức của "phía bên kia", và biết thêm về ông như một chí sĩ yêu nước. Ông rất đẹp phải không? Nhìn cái cách ông bắt tay tiếp đón người Mỹ mà thấy ông là người có tính nhân văn cao. Tìm hiểu về ông cũng là điều đáng làm, vì cuộc đời ông gắn liền với lịch sử VN. Mời bạn đọc bài viết rất hay cua linh mục Vĩnh Sang, nguyên văn đầu đề là "Một Con Người Lịch Sử".)
Hôm qua, một người bạn nhắc tôi đi thăm mộ Cụ Ngô Đình Diệm, tôi chợt nhớ đã gần đến ngày giỗ của Cụ, nhanh thật, 52 năm rồi, từ năm 1963 xa tắp đến bây giờ, thời gian qua nhanh, nhiều thay đổi, thời gian quá dài đủ để trắng đen tỏ bày trong lịch sử công minh.
Nhớ những năm xưa, hai ngôi mộ lạnh lùng trong nghĩa trang rộng mênh mông giữa lòng thành phố, người ta còn bảo tên khắc trên mộ không đúng như vậy, dưới phần mộ Huynh là Đệ, dưới phần mộ Đệ là Huynh ! Chết rồi vẫn chưa yên mồ mả, hận thù và gian ác thật khủng khiếp. Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi “ban” cho thành phố một khoảng trời thinh lặng, nhẹ nhàng mênh mang và sâu lắng, bầu khí nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi mang lại cho con người khung trời sống hồi tâm. Tuổi trẻ Sàigòn chúng tôi vẫn tìm đến mỗi khi mỏi mệt với những quay cuồng của thế sự, suy ngẫm và trải lòng cùng cỏ cây mây gió, cảm giác nhẹ nhàng và bình an sau những giây phút dạo chơi trên con đường già nua giữa nghĩa trang im ắng, lá vàng không ngừng rơi rụng dưới những bước chân lạnh lùng.
Năm mươi hai năm qua rồi, thời gian đủ để phơi bày khá nhiều sự, lịch sử nhân loại cũng như lịch sử đất nước này đảo lộn nhanh đến chóng mặt, nhiều điều bất ngờ nhưng cũng có nhiều điều tất yếu, chẳng cần bàn đến chuyện công-tội, đã có lịch sử làm rõ cuộc đời. Nhớ đến Cụ trong ngày giỗ sắp tới, những điều rút ra được cho bài học làm người nhất là làm người Kitô hữu thật cần thiết cho mỗi người chúng ta, bậc tiến bối cũng như kẻ hậu sinh.
Con người có nhân cách
Nhiều tài liệu dần dần được bạch hóa, xóa vĩnh viễn nhưng câu chuyện đàm tiếu, đơm đặt, vu khống một cách thô lỗ về con người Ngô Đình Diệm. Từ cách ăn mặc, cách tiếp xúc, cách ứng xử với người thân trong gia đình, với người cộng tác, đến chương trình sống và làm việc mỗi ngày của Cụ, tất cả cho chúng ta thấy Cụ là một con người có nhân cách.
Những câu chuyện dựng đứng về đời tư của Cụ chỉ cần 50 năm thôi đã trở thành những trò hoàn toàn bịa đặt một cách độc ác và hèn hạ. Cho đến nay, không một tài liệu nào có thể dẫn chứng về bất kỳ một mối quan hệ bất xứng nào của Cụ với người khác. Với cô em dâu, bà Ngô Đình Nhu, hơn 50 năm sống âm thầm im lặng không một điều tiếng, bà mất đi mang theo những hình ảnh thật đẹp về con người Bà và về người anh đáng kính của chồng Bà. Thời gian thật nhiệm mầu.
Cái cách của Cụ Diệm đã sống, yêu thương và bao bọc mọi người, lấy sự sống phồn thịnh của người dân làm mục đích, lấy sự độc lập của dân tộc làm kim chỉ nam, lấy sự bình an và mạng sống của nhiều người làm tôn chỉ, và nhất là những quyết định của Cụ trong những giờ phút cuối đời để không phải đổ máu nhiều người, càng làm nổi bật những nét nhân cách này.
Con người có đạo đức
Tài liệu để lại về Cụ cho thấy rõ Cụ là con người rất đạo đức, những tấm ảnh chụp mỗi sáng Cụ vào Nhà Nguyện để dâng Thánh Lễ và quỳ cầu nguyện lâu giờ như một thầy tu. Những lần xuất ngoại công tác, Cụ không ở trong nhà khách với các tiện nghi sang trọng dành cho quốc khách, Cụ tạm trú trong một Tu Viện gần nơi làm việc, vẫn tiếp tục dành giờ để cầu nguyện riêng trong bầu khí thánh thiêng.
Trong ngày cuối cùng của cuộc đời nhân thế, nơi Cụ chọn để tạm trú lại cũng là một ngôi Nhà Thờ, Nhà Thờ Cha Tam trong Chợ Lớn. Cụ đã dành những giờ phút đầy nhiễu nhương tao loạn cuối đời cho việc cầu nguyện trước khi gọi điện nộp mình cho những người sẽ sát hại Cụ. Có kẻ độc miệng cho rằng Cụ đóng kịch, vậy ai đó hãy cứ thử đóng kịch được như vậy ?
Con người bị phản bội
Bên cạnh những tia sáng nhân đức trong đạo ngoài đời như thế, bóng tối của sự phản bội vẫn hung hăng kéo một phần ba tinh tú trên trời xuống đất. Có thể nói, tất cả những kẻ đóng những vai chủ chốt trong cuộc chính biến 1.11.1963 toàn là những kẻ đã được chính Cụ yêu thương, cất nhắc, và thậm chí được Cụ nhận làm… con nuôi ! Đau đớn là như vậy. Hàng tướng lãnh bất tài, háo danh, kiêu ngạo, mê quyền lực và nhất là có tâm địa và hành động phản trắc hèn hạ đã đẩy miền Nam và đẩy cả đất nước này lao đao cả nửa thế kỷ vừa qua. Sự Dữ đã hoành hành như muốn nhận chìm tất cả…
Con Chiên chịu sát tế
Hôm qua tôi có dịp dùng cơm với một vị Giám Mục đáng kính, ngồi giữa 4 anh em Linh Mục thân hữu như con cái của ngài, ngài bộc bạch suy tư: “Chúa Giêsu sinh ngoài đồng, sống ngoài đường, chết ngoài đồi, Chúng ta sẽ không có cách sống nào khác ngoài cách sống ấy”.
Cụ Ngô Đình Diệm đã chọn sống cho người khác, sống kết thân với Chúa và sống đối đầu với Sự Ác, Cụ không có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi, quả thật Cụ đã bị sát tế nên giống như Thầy Chí Thánh của mình.
Là Kitô hữu, chúng ta có hiểu và chấp nhận điều đó không ? Hay lại tìm sự thỏa hiệp và từ chối thập giá ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 24.10.2014
Nguồn: www.chuacuuthe.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét