Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

LỜI CHÀO MỪNG CỦA ĐẠI DIỆN KHỐI TT NGÔ ĐÌNH DIỆM NGÀY HÚY NHẬT 52


Kính thưa  LM Dr. Phero Nguyễn Trọng Quý
       - Kính thưa LM Giuse Lê Văn Thắng (Tuyên Úy Phong trào Tông Đồ Fatima
         Việt  Nam Hải Ngoại)
       - Kính thưa Quý Vị thân hào nhân Sỹ
       - Kính thưa Quý vị đại Diện các diễn đàn, các Hội đoàn, các tổ chức
       - Kính thưa quý Đồng Hương!

Đại Diện cho Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc, chúng tôi trân trọng chào mừng toàn thể Quý Vị. Cám ơn quý Vị đã bỏ thời giờ quí báu đến đây cùng chúng tôi tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa Vị Quốc Vong Thân.            
Năm nay, cộng đồng người Việt các nơi trên thế giới đều tổ chức tưởng nhớ 40 năm "Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư". vì thế, trong buổi lễ hôm nay, chúng ta cũng dành thời giờ để tưởng niệm ngày đau thương 30.04 của dân tộc.
Thưa Quý vị!
Ngược giòng thời gian, vào tháng 5 năm 1954, khi Pháp thất trận Điện Biên Phủ thì tại Pháp cũng xảy ra việc thay đổi thủ tướng, ông Mendès France lên nắm chính quyền, là người có khuynh hướng ôn hòa, đã chủ trương rút Phủ Toàn Quyền Bảo Hộ ra khỏi "Việt Nam - Lào - Cam Bốt". Nhưng Ông muốn rút ngay và trong danh dự nên tại Genève, Thụy Sĩ đã nhanh chóng tổ chức một hội nghị để bàn về việc đình chiến cho vùng Đông Dương (3 quốc gia kể trên). Kết thúc hội nghị là hiệp định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954, lấy  vĩ tuyến 17 để phân đôi nước Việt Nam thành 2 phần Nam Bắc. Chính phủ Quốc Gia Việt Nam cũng tham dự Hội nghị này mà Trưởng phái đoàn là bộ trưởng ngoại giao Trần Văn Đỗ; Trong hội nghị, Ông Ngoại Trưởng đã phản đối kịch liệt về việc chia đôi đất nước nên đã không ký vào hiệp định này. Trước thảm cảnh đất nước bị chia đôi, thủ tướng Quốc Gia Việt Nam Ngô Đình Diệm đã kêu gọi đồng bào treo cờ rũ.
Sau khi đất nước đã bị chia đôi:
- Tại miền Bắc dưới sự kìm kẹp của chế độ Cộng sản; qua những phong trào đấu tố, quốc hữu hóa tài sản của tư nhân để phục vụ chiến tranh ... cùng với các chủ trương như tam vô, thà giết lầm hơn tha lầm, hay sinh bắc tử nam... cùng những chiêu bài như "nông công vùng dậy diệt cường hào ác bá", "thiếu nhi bác Hồ"... khiến nhiều người phải sống trong lo âu sợ hãi trước những cái chết vô căn cứ, hoặc biến mất trong bí mật.
- Trong khi đó, tại miền Nam, dưới quyền lãnh đạo của thủ tướng Ngô Đình Diệm: Quyền lợi của người dân được tôn trọng - Những đổ vỡ trong xã hội dần dần được lành mạnh hóa - Từ nông thôn đến thành thị được phát triển - Đất đai bỏ hoang trên những vùng cao nguyên hay nơi những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu vùng đồng bằng sông Cửu Long được khai thác để phân chia cho đồng bào - Các tôn giáo được tự do, Nhà Thờ, Thánh Thất, Chùa Chiền được trùng tu và mở mang thêm; Phật Giáo là tôn giáo chính và lớn tại VN nên đã được Tổng Thống giúp đỡ đặc biệt (theo cụ Mai Thọ Truyền, là một cư sĩ Phật Giáo được kính trọng, viết trong cuốn "Phật Giáo tại Việt Nam"cho biết sau khi ông Diệm bị lật đổ thì số ngôi Chùa đếm được là 4776 so với con số 2206 ngôi Chùa khi ông Diệm lên cầm quyền) - Nền giáo dục được chú trọng đặc biệt, trường học được xây cất thêm khắp nơi từ thành thị đến xóm làng.
Nhờ vậy mà đất nước được phát triển, người dân được sống trong an bình hạnh phúc, nên Saigon đã mau chóng trở thành hòn ngọc của viễn đông; Thủ tướng danh tiếng của Singapore vào thời đó là ông Lý Quang Diệu cũng đã nói lên điều mơ ước là " hy vọng  một ngày nào đó Singapore sẽ được như Sài Gòn!".
Thưa Quý Vị!
Qua bản hiến pháp ngày 26.10.1956, Quốc Gia Việt Nam đã được đổi tên thành VNCH. Được sự kính nể của nhiều quốc gia tại Đông Nam Á và thế giới. Nên vào năm 1957, TT NĐD đã được tổng thống Eisenhauer mời thăm nước Mỹ như một quốc khách, dân Mỹ tụ tập hai bên đường nhiệt liệt đón chào.
Đầu năm 1961, khi đất nước đang được phát triển về mọi mặt, cuộc chiến chống Cộng đang trên đường chiến thắng, thì cũng vào thời điểm này, tình hình nước Mỹ cũng bắt đầu thay đổi. Thượng nghị sĩ John Kennedy được bầu làm tổng thống thay tổng thống Eisenhower. Lên làm tổng thống, ông Kennedy áp dụng ngay học thuyết "giơ cao thanh gươm và cành ô liu cùng một lúc" vào chiến trường Vietnam, có nghĩa là vừa đe vừa đàm. "Giơ cao thanh gươm" có nghĩa là TT Kennedy muốn đem quân Mỹ vào miền Nam trấn đóng và điều khiển cuộc chiến (việc này sẽ làm cho Việt nam mất chính nghĩa) . Đồng thời, vì mặc cảm bị thất bại tại vịnh con heo nên TT Kennedy cũng muốn "giơ cao cành ô liu cùng một lúc" là muốn dàn xếp một cuộc đàm phán để thực hiện giải pháp trung lập hóa nước Lào nhằm việc rút chân ra khỏi vùng đất này. Cả hai việc làm này của Mỹ đều thất lợi cho Việt Nam. Vì để bảo vệ chính nghĩa dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia nên TT Ngô Đ. Diệm đã không bằng lòng. Từ đó, tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Mỹ bị giảm dần!
Nhân cơ hội này, Cộng sản tìm cách đào hố chia rẽ giữa hai quốc gia Việt Mỹ, bằng cách qua con đẻ là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, dùng chiêu bài tôn giáo để gây xáo trộn xã hội miền Nam.
Bị lệch lạc cái nhìn đối với VNCH về phương diện chống Cộng, phần vì tự ái của một cường quốc khi bị một quốc gia đàn em không ủng hộ việc làm của mình, chính quyền Kennedy đã mua chuộc một số tướng tá háo danh tham lợi, dưới quyền điều khiển của tên đao thủ phủ đại sứ Cabot Lodge, để thực hiện cuộc  đảo chánh. Cuộc binh biến đã xảy ra vào ngày 01.11.1963, các tướng tá đảo chánh đã manh tâm sát hại Vị Tổng Tư Lệnh tối cao của quân đội VN và cũng là Vị Tổng Thống dân cử đầu tiên của Nền CHVN, cùng với bào đệ của Ông là ông Ngô đình Nhu.
Cuộc binh biến tạo phản 01.11.63, đã đưa Việt Nam vào giai đoạn hỗn loạn: Nhiều cuộc chỉnh lý, đảo chánh, tranh dành quyền lực xảy ra liên tục  giữa hàng tướng tá. Từ chính quyền quân sự đến chính quyền dân sự, đốt đuốc mỏi mắt cũng không tìm ra được một minh quân để cứu vãn tình thế đất nước đang bị chao đảo trên mọi phương diện.
Từ năm 1965, Mỹ  bắt đầu đưa thêm cố vấn và lính Mỹ ào ạt vào miền Nam, sự việc này đã làm cho VNCH mất dần chính nghĩa trong việc chống cộng, đưa đẩy đất nước đến thảm họa tết Mậu Thân, hiệp định Ba Lê (giữa Mỹ và Bắc Việt cũng như hiệp định Genève giữa Pháp và Bắc Việt), cuối cùng bị Cộng sản cưỡng chiếm vào ngày 30.04.1975, gọi là ngày Quốc Hận 30 tháng 4 đen của dân tộc! Hậu quả hàng triệu đồng bào miền Nam đã lâm cảnh tang thương!
Thưa Quý Vị!  
Sở dĩ tôi phải trình bày dài dòng như vậy là vì tôi muốn nói lên tinh thần  và khả năng lãnh đạo, tình yêu quê hương cũng như tinh thần tự chủ của TT NĐ Diệm,  như 1 tấm gương sáng để lại cho đời sau, cho thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai trong công cuộc chống Cộng cũng như bảo vệ nền độc lập cho xứ sở trước cảnh ngoại xâm.
Để noi gương và vinh danh tổng thống Ngô Đình Diệm, từ năm 2002, mỗi năm chúng tôi đều tổ chức nghi lễ tưởng niệm như hiện chúng và nhiều tổ chức khác hiện đang làm.
Cũng với mục đích để vinh danh cố TT NĐD, hiện nay  tại thành phố lausanne, Thụy Sĩ, ông bà tiến sĩ Hồ Nam Trân đã bỏ công sức để xây dựng một tượng đài cố TT NĐD vào ngày 22.10.2011 để mọi người Việt Nam có dịp đến thăm viếng.
Hy vọng trong tương lai, khi "tinh thần Ngô Đình Diệm" đã được dân tộc công minh thẩm định thì chắc chắn sẽ có một vị trí xứng đáng trong dòng sử Việt, lúc đó sẽ có nhiều tượng đài Ngô Đ Diệm được dựng lên tại những nơi công cộng.
Riêng với chúng tôi, Lực bất tòng tâm! chúng tôi muốn noi gương tiền nhân đem trí lực của mình đóng góp vào cộng đồng để làm được gì đó mang lại chút vẻ vang cho dân tộc. Nhưng thế hệ chúng tôi rồi sẽ mau qua đi, cần có người tiếp nối.  Nên Khối chúng tôi sẽ rất vui mừng khi được đón nhận thêm thành viên mới gia nhập Khối. Một cách đặc biệt, Khối mời gọi các bạn trẻ, các bạn là rường cột của quốc gia, không những có sức mạnh thể chất, giầu kiến thức thời đại, mà còn mang cả một bầu nhiệt huyết nặng tình với Quê Hương Dân Tộc.
Chân thành cám ơn toàn thể Quý Vị đã theo dõi bài chia sẻ và nguyện vọng của chúng tôi. Trân trọng kính chúc Quý Vị và thân quyến luôn được dồi dào sức khỏe  và nhiều may mắn.
Kính chào Quý Vị



Lẽ ra bài viết này có thể mang tựa đề : Những ý kiến do Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát biểu. Tuy nhiên nếu đặt đầu đề một cách bàng quan như thế thì chúng ta vô hình trung biểu lộ tình cảm khách quan hầu như lãnh đạm, vô tâm khi đề cập đến vị lãnh đạo quốc gia Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà nhân ngày giỗ lần thứ 52 của Người;
mà đó không phải là tâm trạng của những thành viên cộng đồng tỵ nạn hiện diện hôm nay tại Hội trường này. Chúng ta gặp nhau tại đây để tưởng nhớ với tất cả lòng kính trọng và thương mến Ngô Tổng Thống; cho nên chúng tôi chọn một đầu đề thích nghi, mang nặng tinh thần đại gia đình qui tụ những cựu công dân Việt Nam Cộng Hoà, thần dân của Người. Với nỗi niềm riêng tây như vậy, chúng tôi sẽ lần lượt phân tích đôi ba lời phát biểu của Ngô Tổng Thống do sử sách ghi lại. Đây có thể là một lời nói tự phát khi đối thoại với một nhân vật thứ hai; đây cũng có thể là một lời trần tình mang nặng tính cách ký thác tâm sự; đây cũng có thể là một ý kiến chỉ đạo chiến 
*
“Ông hãy nhìn thẳng vào mặt tôi, tôi có phải là người sợ áp bức hay sợ chết không?

Ngô Tổng Thống đã kể lời nói này với nhiều phóng viên nước ngoài và được họ ghi chép lại, chẳng hạn 1) S. Karnow, Vietnam, Paris, Presses de la Cité, 1984, tr. 122-123; 2) Marguerite Higgins, Our Vietnam Nightmare, Harper & Row, N.Y., 1965, tr. 157-158. 

Khoảng đầu năm 1946, Ông Ngô Đình Diệm có dịp nói chuyện với Ông Hồ Chí Minh ở Hà nội, sau khi những người cộng sản đã hạ sát hai cha con Ông Ngô Đình Khôi tại Huế. Cuộc đối thoại diễn ra giữa một người đang cầm quyền bính tối cao và một người đang lâm cảnh câu thúc thân thể. Ông Hồ lớn tuổi hơn, Ông 55 tuổi. Ông Ngô nhỏ hơn Ông Hồ 10 tuổi. Ông Hồ muốn mời khách tham chính vì vào thời điểm đó Ông cần thành lập một chính phủ liên hiệp theo chủ trương của Sainteny và theo đòi hỏi của các lực lượng võ trang phe quốc gia để đối phó với đám quân Tưởng Giới Thạch đang hiện diện tại Miền Bắc. Không chỉ mong mỏi sự hợp tác của Ông Diệm, Hồ còn ra sức thuyết phục Hoàng đế Bảo Đại tiếp tay xây dựng chính quyền đoàn kết cấp trung ương. Nhưng Hồ gặp phản ứng bất thuận lợi từ phía Ông Diệm. Vị lãnh tụ tương lai của Miền Nam quốc gia thấy rõ dã tâm của kẻ cầm đầu đảng cộng sản nên đã trách cứ đối phương tàn phá đất nước, sát hại nhân tài và giam giữ bản thân mình. Ông Ngô Đình Diệm thẳng thắn dõng dạc vạch ra rằng các luận điệu của Hồ Chí Minh là thiếu thành thật. Lãnh tụ phe quốc gia tương lai tự mô tả là mình vì dân tộc mà hành động bất chấp mọi hình thức đàn áp. Tuy đang lâm cảnh cá chậu chim lồng, Ngô Đình Diệm vẫn hiên ngang xác quyết : “Tôi là người tự do“. Tư cách bình tĩnh, thái độ bất khuất khiến đối phương ngưỡng mộ và đành để cho Ông Ngô Đình Diệm từ biệt mình để ra đi. Tất nhiên họ Hồ không dám thủ tiêu người đối thoại vì lúc bấy giờ còn có tai mắt của người ngoại quốc, còn có sự hiện diện của nhiều chính khách quen biết Ông Ngô Đình Diệm cũng như còn có Đức Giám mục Lê Hữu Từ. Không có một vị thế độc đáo trên chính trường gắn liền với quá khứ phụng sự đất nước, không có một hậu thuẫn hùng mạnh từ hàng chức sắc tôn giáo, không có một uy tín và một danh vọng trong giới hoạt động chính trị, một nhân vật của thời cuộc mới 45 tuổi khó lòng sống sót trong nanh vuốt của kẻ thù vốn bản chất cực kỳ tàn bạo nham hiểm. Nhưng có lẽ còn có sự phù hộ độ trì của một lực lượng huyền diệu thiêng liêng. Từ biệt Hồ Chí Minh một cách an toàn, Ông Ngô Đình Diệm sẽ tham gia nhóm các chính khách theo khuynh hướng quốc gia chống cộng. Ông Trần Văn Lý, hồi ấy phụ trách chức vụ Chủ tịch Hội đồng Chấp chánh Trung Việt, đã yểm trợ tài chánh để Ông Ngô Đình Diệm tiêu pha thường nhật và chi phí những vụ di chuyển kể cả ra nước ngoài như sang Hương cảng triều kiến cựu hoàng Bảo Đại. Thật vậy, thời thế biến chuyển, khoảng một năm sau, cao ủy Pháp Bollaert nhận chỉ thị của nội các Schumann bên Pháp để đứng ra thương thuyết với Bảo Đại đang sống lưu vong ở Hương cảng, dứt khoát bỏ rơi Hồ Chí Minh. Vua Bảo Đại sẽ mời một số nhân sĩ có uy vọng sang Hồng Kông tham khảo ý kiến, trong số có Ông Ngô Đình Diệm. 

“(...) Tôi tiến thì theo tôi, tôi lùi thì giết tôi, tôi chết thì hãy nối chí tôi...

Đây là lời tâm tình của Ngô Tổng Thống nhân ngày Quốc khánh 26.10 năm 1963 vào dịp tiếp các nhân sĩ độc lập và các đại biểu đoàn thể, được một số nhân chứng tự nhận là hiện diện tại buổi lễ tường thuật lại với ít nhiều chi tiết khác nhau (Đoàn Thêm, Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng Thống, Những ngày chưa quên, tập hai, Nam Chi Tùng Thư xuất bản tại Sàigòn năm 1969, trang 205; Cao Văn Chiểu, Dân biểu; Đại uý Lê Châu Lộc, Sĩ quan Tùy viên của Ngô Tổng Thống). Từ ngày 08.05.1963, vụ Phật giáo chống đối bùng nổ, đưa đến một loạt biến chuyển dồn dập, gây nên một cục diện hầu như vượt quá sự kiểm soát của sức người. Vì lời phát biểu của Ngô Tổng Thống có ít nhất là ba dị bản nên chúng tôi chọn lời tường thuật của Đại úy Lê Châu Lộc kết hợp với lời ghi chép của Ông Đoàn Thêm : “Chế độ này tuy còn nhiều khuyết điểm nhưng cũng còn hơn nhiều chế độ khác. Người ta chê là độc tài nhưng chỉ ngại là còn những thứ độc tài khủng khiếp hơn...Nếu tôi tiến, anh em tiến theo tôi; Nếu tôi lùi, anh em cứ giết tôi; Nếu tôi chết, anh em hãy nối chí tôi...“. Thác ngôn của Tổng Thống rồi ra 

Trước hết, lời của Người đã thành chân lý lịch sử. Chế độ Đệ nhất Cộng hoà dẫu còn non trẻ, tuy mới phôi thai nhưng đã mang vô số thành tố tích cực và tiến bộ mà chính kẻ thù cũng phải thừa nhận. Đối với chúng ta, những người có mặt hôm nay tại đây để tiến hành nghi thức thờ phụng Tổng Thống trong hoàn cảnh cuộc sống ly hương tỵ nạn, sự so sánh giữa chế độ cộng hoà và các chế độ khác nhất là chế độ cộng sản, đã trở thành động cơ và động lực cho kiếp sống lưu vong. (Trong thực tế, nhiều đầu óc bệnh hoạn đã không học được bài học tỷ giảo của lời Ngô Tổng Thống và biết bao kẻ u mê ngu xuẩn đã hoang tưởng tin theo những luận cứ lừa bịp vào loại “thiên đường cộng sản“ hay “con người mới xã hội chủ nghĩa“ chẳng hạn, để chỉ kể một hai kiến giải quen thuộc điển hình.)

Thứ nữa, nhắc lại câu nói của một nhân vật lịch sử nước ngoài, Ngô Tổng Thống vừa tỏ ra uyên bác về kiến thức vừa tỏ ra thâm thúy về suy tư. Nguyên câu nói cuối của đoạn văn do tác giả Đoàn Thêm trần thuật vốn là lời của một anh hùng vị quốc vong thân người Pháp, Henri de la Rochejaquelein (1772-1794). Nguyên văn câu đó như sau : “Si j'avance, suivez-moi; si je meurs, vengez-moi; si je recule, tuez-moi.“ Trong cuộc cách mệnh Pháp năm 1789, lực lượng bảo hoàng chống lại phe cách mạng và Henri de la Rochejaquelein là một thủ lãnh quân đội rất trẻ. Lịch sử Pháp xem Henri là một biểu tượng của tinh thần vì nước quên mình, coi quyền lợi tổ quốc là tối thượng. Phỏng theo lời của một tâm hồn thương nước – nhiều người thông thạo tiếng Pháp biết câu nói này – Ngô Tổng Thống thác ngụ vào di ngôn gốc ngoại ngữ mấy lời ký chú đinh ninh (Truyện Kiều, câu 2789). Người căn dặn rằng trong chiến đấu phải tiến lên và đi hàng đầu để cho tha nhân theo gót, không được chùn chân dừng lại đừng nói gì thoái lui, vì quay trở lại phía sau chỉ xứng với án tử hình. Khi không may lãnh tụ hy sinh thì phải biến mối thù báo phục thành quyết tâm nối chí lãnh tụ. Ngô Tổng Thống không kêu gọi báo oán, Người chỉ dặn dò đừng quên cựu hiềm để theo gương người quá cố. Đó là nghĩa vụ phải nhớ, devoir de mémoire, mà chúng ta nghe nhân loại hiện thời nhắn nhủ hằng ngày để khuyên bảo hậu thế không được quên lãng dĩ vãng.

Chưa đến mười ngày sau khi phát ngôn lời trị mệnh, Ngô Tổng Thống và bào đệ hy sinh. Ông Đoàn Thêm kể thêm là lúc bấy giờ, dẫu Ngô Tổng Thống chỉ nhắc lại và phỏng theo lời “của một người Âu thời trước“ song nhiều bạn bè và cá nhân Ông Đoàn Thêm cũng nghe hơi rợn. 

Hơn nửa thế kỷ đã qua. Chúng ta ghi nhận tâm trạng của môi trường nhân sự xung quanh Ngô Tổng Thống thuở bấy giờ, chúng ta hiểu được phần nào Mentalität của đội ngũ cộng tác viên của Người vào thời điểm lịch sử sắp sang trang. Chúng ta tưởng niệm Ngô Tổng Thống hôm nay tại đây với tất cả lòng lân tuất sâu xa đối với Người. Chúng ta cùng nghĩ mà cùng hết sức động lòng thương cảm trước cảnh ngộ mà Người đã trải.

“(...) đạo đức thắng tội ác, sự thật thắng gian trá và tình thương thắng oán thù(...)“ 

Theo thư tịch lịch sử thì Ngô Tổng Thống phát biểu nhận định này bằng Anh ngữ. Tại Hội nghị lần thứ ba của Liên minh các Dân tộc chống cộng họp tại Sàigòn với sự tham dự của nhiều quốc gia (Thái lan, Đài loan, Hương cảng, Nam Hàn, Ma cao, Mã lai á, Phi luật tân, Tân gia ba, Nam dương, Thổ nhĩ kỳ, Hy lạp, Hung gia lợi, Tiệp khắc, Pakistan), Ngô Tổng Thống đã chính thức gửi Thông điệp bằng Anh ngữ cho các tham dự viên. Thông điệp từ Phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà viết nguyên văn :

“To the hatred preached by the communists, let us oppose love. (…) Sooner or later virtue will triumph over vice, truth over lies, love over hatred, (...)“. [Address by the President of the Republic on the occasion of the reception honouring the delegates to the third Assembly of the Asian Peoples Anti-Communist League (Saigon 29.03.1957), Wilson Center Digital Archive]

[Chúng ta đưa tình thương ra đối phó với hận thù do người cộng sản gieo rắc. (…) Sớm hay muộn thì đức tánh sẽ thắng thói xấu, sự thật sẽ thắng dối trá, tình thương sẽ thắng hận thù Ngô Tổng Thống là tín đồ Thiên chúa giáo. Quan niệm về lòng bác ái của Người thấm nhuần chủ nghĩa duy linh. Tình thương do Ngô Tổng Thống đề cao là tình thương giữa người với người xét từ nhiều đối tượng, chẳng hạn tình thương tha nhân, tình yêu đồng loại, tính nhân đức, lòng từ thiện, nghĩa phu thê, đức hiếu hạnh v.v.. Xã hội xây dựng trên nền tảng luân lý đạo đức vừa trình bày là khắc tinh của xã hội ma quỉ cộng sản coi việc bà con hàng xóm rình mò theo dõi nhau, vợ chồng tố cáo nhau, con cái phanh phui việc làm của cha mẹ v.v..là “giác ngộ đạo đức cách mạng“; trong khi môn học công dân giáo dục dưới mái trường của chế độ cộng hoà hướng dẫn trẻ thơ cung cách trau dồi đức hạnh, trọng lễ nghi, giữ lễ tiết.

Đặt đối lập giữa virtue và vice vẫn trong khuôn khổ giáo đức (Christian virtue), Ngô Tổng Thống ký thác niềm tin của người tín đồ thuần thành vào bốn đức tính căn bản (the four cardinal virtues) là thận trọng, can đảm, tiết độ, công bình cùng với ba đức tính đối thần (the three theologal virtues) là lòng tin, hy vọng và lòng nhân. Xã hội thường có xu hướng tha hoá con người, đưa đẩy con người đến chỗ phạm vào vice như tham nhũng trong quan trường, lường gạt trong thương trường v.v..

Thượng tôn sự thật chống lại dối trá trong đời thường, tin tưởng rằng chân lý cuối cùng sẽ tất thắng, đó là nội dung chủ yếu của kiến giải truth will triump over lies.

Ngô Tổng Thống chống cộng qua một văn bản ngoại giao gửi cho quan khách quốc tế. Ngô Tổng Thống chống cộng qua sử dụng ngôn từ mang tính tư duy hình tượng và đẫm chất tín ngưỡng. Đó là phong cách chống cộng của bậc lãnh tụ.

*
Lời Ngô Tổng Thống : Lời Lãnh Tụ 

Lời Ngô Tổng Thống là tiếng nói của quyền lực. Lời lãnh tụ đang nắm quyền phải có tính thuyết phục, phải gây được niềm tin nơi người nghe, phải xây dựng được ý chí của quần chúng để quần chúng đi theo và đi tiếp những bước đi của bậc chỉ đường. Cho nên trong nhiều tình huống, lời phát biểu của lãnh tụ mang tính chất của thể văn nghị luận, giàu tính hùng biện. Những câu trả lời ngắn ngủi và đơn giản của Ngô Tổng Thống phúc đáp Hồ Chí Minh tuy chỉ vận dụng ngôn ngữ thường nhật nhưng vẫn mang chất lý luận đanh thép, sắc bén; chúng hàm chứa một tư tưởng chính trị quang minh chính đại, một quan niệm đạo đức luân lý hết sức nhân bản. Đặc tính này càng rõ rệt hơn nữa trong Thông điệp gửi Liên minh các Dân tộc chống cộng vì văn kiện liên hệ là một tuyên cáo vạch rõ chủ trương đường lối của chủ nghĩa quốc gia và nêu cao chính nghĩa dân tộc theo lý thuyết duy linh tố cộng nói riêng, tố cáo cái ác nói chung. Thông điệp tổng kết chủ trương xã hội mà lãnh tụ theo đuổi, dẫu rằng được soạn thảo dưới hình thức một văn bản hành chánh của nhà nước nhưng đồng thời cũng vạch đường chính trị cho dân chúng biết.

Vượt lên trên tất cả, bàng bạc ở khắp nơi là chữ tín. Ngô Tổng Thống vận dụng tín nhằm đấu lý với kẻ thù nham hiểm ở một tình huống cụ thể. Không phải Người chỉ nói để mà nói mà thực ra ẩn tàng sau ngôn ngữ đối thoại là một mối quan tâm sâu sắc, nó vốn nằm trong hệ thống suy nghĩ thường nhật và thường lệ của bậc chính nhân. Bởi vì điều tín là biểu hiện của đạo đức làm người, nên Ngô Tổng Thống, trong tư cách một nhân vật có trách nhiệm với quần chúng, với tập thể, với cộng đồng, với dân tộc, với xã hội, càng biết rõ là phải tôn trọng nó một cách nghiêm túc. Giữa lãnh đạo với dân chúng, khi lòng tin cậy được bảo đảm thì nghĩa phấn khởi tự khắc tràn trề.

Tưởng niệm Ngô Tổng Thống qua cố gắng phân tích ngôn từ, chúng ta có dịp tốt nhìn thẳng vào thảm trạng của đất nước đang sống dưới ách lường gạt lừa dối cả bảy chục năm qua; đồng thời, cũng có cơ hội thừa nhận tất cả nỗi khó khăn của công việc đi tìm một lãnh tụ cho khối đồng bào tỵ nạn tại hải ngoại trong cục diện hiện thời.

Trần Văn Tích

[Bài nói chuyện tại Mönchengladbach ngày 31.10.2015 (Nhóm Tinh thần Ngô Đình Diệm tổ chức)]

Đọc thêm



ĐỨC QUỐC: THÁNH LẼ VÀ TƯỞNG NIỆM HÚY NHẬT THỨ 52 CỦA CỐ TT NGÔ ĐÌNH DIỆM...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét