Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Nhận Định về Bài Viết Lý Do cuộc Đảo chánh 1. 11. 1963 của Sử Gia Trần Gia Phụng

Lê Bình

-Phần 1-

Đề tài thật sự cuốn hút tôi, vì tôi nghĩ một nhà nghiên cứu sử như ông viết về một biến cố đã xảy ra cách đây 46 năm, chắc chắn ông đã có nhiều thì giờ để nghiên cứu, đối chiếu các tài liệu để đưa ra một nhận định công tâm, khách quan và khoa học hơn về những biến cố một thời đã gây ra nhiều tranh cãi và vẫn còn những âm hưởng không tốt đẹp đến ngày nay, đặc biệt là giữa đồng bào Công giáo và Phật Giáo. Nhưng khi đọc xong bài viết của một người được gọi là sử gia như ông, thú thật với ông, tôi vô cùng thất vọng, vì những lý do sau đây:

I.                   Phương Pháp Sử

1. Ông dùng toàn là những tài liệu loại hai, tài liệu thứ cấp (secondary sources), nghĩa là những tài liệu đã được những người khác đọc rồi, cắt xén, sắp xếp, đẻo gọt theo quan điểm một chiều, nên giá trị khách quan về sử liệu và khoa học khó có thể chấp nhận. Để dễ hiểu hơn, tôi xin lỗi, vì không được lịch sự với ông, khi trích cách dùng chữ của ông Đinh Từ Thức trả lời cho ông Lữ Phương trước đây. Ông Thức gọi đó là loại tài liệu Cứt chồn, nghĩa là giống như con chồn, nó ăn những hạt cà phê, rồi nó ịa ra và người ta lượm về để xay ra và uống. Lương tâm của một người viết sử, như ông phải biết, nếu ông đã tự nhận mình là nhà viết sử, không cho phép ông dùng những tài liệu kém giá trị, đáng nghi ngờ, mà không kiểm chứng với bản gốc. Trong khi đó, trong những thập niên gần đây, vô số những tài liệu mật đã được bạch hoá, thì ông có vẻ như không bao giờ biết đến. Điều này đã khiến cho nhãn quan và nhận định của ông trở nên hạn định và sai lầm chăng?

2. Thứ đến, ông là người viết sử, nhưng lại cũng có vẻ như không biết những nguyên tắc căn bản của phương pháp sử học, nghĩa là khi muốn đưa ra một phán đoán, một nhận định về một sự kiện lịch sử, là phải đặt nó vào trong bối cảnh lịch sử, chính trị, pháp lý, xã hội của thời đó mà phê phán.

Ví dụ, muốn phê phán một hành động của Vua Gia Long, thì phải đặt nó vào trong khung cảnh pháp lý, chính trị và xã hội của Việt Nam đầu thế kỷ thứ 19 mà nhận định, chứ không thể dùng quan niệm dân chủ Tây Phương ngày nay để thẩm định việc làm của thời đó.

Tương tự như vậy, Tổng Thống Diệm chấp chánh  ở Việt Nam trong thời kỳ 1954-1963, đó là một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh, phải đối đẩu với những cuộc bạo loạn từ bên trong và một cuộc chiến tranh du kích, phá hoại và khuynh đảo đột nhập từ miền Bắc vào. Không thể sử dụng những tiêu chuẩn pháp lý của một quốc gia dân chủ thời bình như Hoa Kỳ vào thời điểm đó để phán xét sinh hoạt chính trị của Chính Quyền Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là việc làm sai lạc đáng chê trách của những nhà báo thiếu lương thiện như David Halberstam, Neil Sheehan, Malcolm Browne và của Đại Sứ Cabot Lodge thời đó. Và họ đã thực hiện những sự việc đó chỉ vì mục tiêu chính trị nước họ hay quyền lợi ích kỷ cá nhân của họ. Còn ông, ông là người viết sử, lương tâm và phương pháp sử, không cho phép ông lập lại những luận điệu sai lầm tệ hại và ấu trỉ đó.

3. Tệ hại hơn nữa, là ông trưng dẫn những tài liệu của những người mà chính họ chưa bao giờ đọc những văn kiện đó, như chú thích số 2, về Đạo Dụ số 10 chẳng hạn. Những người đó đã bịa đặt ra những điều khoản về Đạo Dụ này, để viết vì mục tiêu chính trị có lợi cho đảng phái hay phe nhóm của họ. Trong những tài liệu này, có những sai lầm căn bản về phương diện pháp lý, nếu một người có chút kiến thức tối thiểu về luật học, họ cũng đều nhận ra ngay và không thể chép lại một cách hồ đồ như vậy. Ông là một người viết sử, hẳn ông đã hiểu, trách nhiệm của người viết sử là phải phân tích văn kiện mình trích dẫn, đối chiếu với chứng từ gốc, nếu mình chưa đủ hiểu biết về chuyên môn, đòi buộc mình phải tìm hiểu, học hỏi thêm, trước khi đưa ra một nhận định công tâm về một sự kiện lịch sử. Chứ đâu phải chỉ việc cóp nhặt một cách cẩu thả những lập luận bịa đặt đầy thiên kiến, để rồi đưa ra những kết luận vô trách nhiệm và bất công như ông đã làm.

4. Nhưng điều tệ hại nhất, là ông đã hoàn toàn đánh mất sự liêm khiết tối thiểu của người cầm bút và lương tâm chức nghiệp của một người viết sử. Đó là việc ông chưa đọc một văn kiện pháp lý, như Đạo Dụ số 10, mà ông viết như là ông đã đọc rồi, điều nầy thể hiện qua câu ông viết

Dụ này cũng qui định các tôn giáo và hội đoàn chỉ được treo cờ trong khuôn viên nơi thờ phượng

Nhưng thực tế, không có một câu nào trong Đạo Dụ số 10, đề cập đến vấn đề này. Tôi xin nhắc lại, trách nhiệm tinh thần của người viết sử là phải nói đúng sự thật về các sự kiện lịch sử, là sự liêm khiết trí thức, chứ không phải chưa hề đọc mà nói đọc rồi, nhằm mục đích bóp méo hay xuyên tạc sự thật. Đó là sự thật đáng trách nhất trong giới trí thức mà chỉ có ông và ông Chính Đao mới dám làm.

Kế đó, có lẽ để củng cố cho lập luận thiếu khả tín của mình, ông kê tên một tác giả khá nổi tiếng như Mark Moyar, để đánh lừa độc giả. Đó là trường hợp ông đề cập đến việc ông Nhu bí mật gặp gở Phạm Hùng ở rừng Tánh Linh để bàn việc trung lập hoá Việt Nam… Trong chú thich số 13, ông ghi rằng theo Mark Moyar, tr. 128. Nhưng khi tôi giở sách của Moyar ra, đúng trang sách đã dẫn 128, chẳng thấy có một câu nào viết về sự kiện này. Tôi nghĩ rằng đây là một sự lương lẹo trí thức khác thêm vào những gian lận trí thức mà ông đã phạm phải.

Điều này gây cho tôi một cảm giác thật sự đau buồn. Vì tôi trộm nghĩ trong đời sống thường nhật, một người ăn cắp của cải vật chất, sẽ bị tòa án kết tội là những phạm nhân hình sự và rồi dư luận công chúng lên án và xem thường họ như thế nào? Còn đối với một nhân chứng trước toà án, chuyện không có mà nói có, chuyện chưa đọc mà nói đọc rồi, nếu tòa khám phá ra, họ sẽ bị ghép vào tội hình sự và bị tống giam. Đối với giới cầm bút và quan trọng hơn nữa là một nhà viết sử, thì sự gian lận trí thức phải được đánh giá như thế nào đây? Ông phải trả lời làm sao trước học trò của ông và trước công luận. Thật sự, tôi không dám suy nghĩ tiếp. Để ông tự vấn lương tâm của chính mình.

II.  Vị trí Của Người Viết

Nhưng trước khi chính thức đưa ra những nhận định từng điểm một về bài viết của ông, tôi xin trình bày sơ lược đôi dòng về gia đình tôi, để tránh trường hợp, khi các ông không còn tìm được lý lẽ để thảo luận nữa, các ông lại quay ra bảo tôi nhận tiền của đồ đệ nhà Ngô để phục hận …hay là những tên Việt Cộng bêu xấu những nhà viết sử quốc gia.

Tôi là một sinh viên mới đến Mỹ từ năm 1995, mới tốt nghiệp tại Đại Học thuộc miền Nam California ban Nhăn Văn, được 4 năm, vì khi đến định cư tại miền đất này, tôi chỉ hơn 12 tuổi, nên tiếng Việt của tôi không được khá lắm, còn tiếng Anh thì đến nay vẫn còn tệ hại hơn nữa. Nhưng trong thời gian qua, mỗi ngày tôi vẫn cố gắng học thêm tiếng Việt và tiếng Anh của tôi. Do đó, tôi viết bài này chắc chắn có nhiều sai sót, mong được quí vị thứ lỗi cho.

Trước đây, ông Ngoại tôi sống ở khu vực Bến Ngự, thành phố Huế, lúc đó, ông tôi chỉ là một tuỳ phái ở Toà Khâm Sứ vào đầu thập niên 1930, nhưng vì nghe danh Cụ Phan Bội Châu, lúc đó cũng bị Pháp bắt an trí ở Bến Ngự, nên thỉnh thoảng lại đến xin gặp cụ Phan. Ông tôi nghe cụ Phan khen cụ Diệm đáo để về đức liêm khiết, chính trực, một lòng vì dân vì nước, đã không màn công danh phú quí, dám từ chức Thượng Thư Bộ Lại để thách thức cả chính quyền Thực Dân Pháp thời bấy giờ. Đó là một con người nghĩa khí hiếm có. Nên sau này, khi cụ Diệm về chấp chánh, ông tôi cũng là một công chức nhỏ, nhưng lúc nào cũng kính phục cụ Diệm. Đến năm 1963, biến cố Phật Giáo bùng nổ ở Huế. Ông tôi theo Đạo Ông Bà, không bao giờ tới chùa. Nhưng bà ngoại tôi là một Phật Tử thuần thành rất siêng năng đi chùa. Theo hiểu biết nông cạn của tôi, bà theo Đạo Phật, nhưng không thực hành theo giáo lý nhà Phật, là mình phải tu thân theo một con đường Phật dạy tự cứu thoát mình ra khỏi kiếp luân hồi, để sau này được vào cỏi Niết Bàn. Bà tôi tin Phật như một ông Trời biết thưởng cho những người sống ngay lành và phạt những người làm việc ác đức. Và bà thường đến chùa dâng cúng tiền bạc nơi thùng Phước Sương, để mua phước đức cho con cháu.

Sau này, tôi nghe mẹ tôi kể lại, là trong những ngày Mồng Một và Rằm, bà tôi và mẹ tôi thường lên Chùa Từ Đàm để cúng Phật và nghe thuyết pháp. Vào những ngày tháng 7 và đầu tháng 8, 1963, bà và mẹ tôi thường lên Chùa, mỗi đêm, bà thường nghe các thầy bảo hôm nay trong Đà Nẵng, có nhiều ni cô bị mật vụ hãm hiếp và rồi bỏ vào bao bố đem đi thả sông, ngày khác bảo ở Phan Thiết các Sa Di bị mật vụ tra tấn và bỏ đói đến chết trong nhà lao… Nghe vậy, về nhà, bà tôi khóc nức nở. Ông tôi cự nự trách mắng bà tôi. Tổng Thống Diệm là người Nho Học lấy đức Nhân làm đầu, làm sao lại đi làm những chuyện ác đức như vậy được. Bà tôi và mẹ tôi không dám cãi lại ông tôi, nhưng vẫn tiếp tục đi chùa.

Rồi đến khi tôi từ giã ông ngoại tôi để qua Mỹ, Ông tôi dặn dò tôi: con lớn lên cố tìm hiểu dùm cho ông. Làm sao Cụ Diệm, một người hiền đức, quang minh chính trực như vậy, thế mà chỉ trong vòng có mấy tháng trong mùa Hè năm 1963, trở thành một người xấu xa, đê hèn không thề nào tả hết được… Vì món nợ tinh thần với ông tôi, nên khi qua Mỹ tôi đã cố gắng đọc sách và tìm hiểu về biến cố 1963. Từ những lý do đó, nên khi đọc nhan đề bài viết của ông, tôi mừng khấp khởi, vì tôi nghĩ rằng đây là bài viết của một sử gia chắc hẳn phải là những nhận định có giá trị sâu sắc và công minh về biến cố lịch sử này, để tôi có thể đem lên cúng trước bàn thờ của ông Ngoại tôi.. Nhưng kết quả, tôi cảm thấy thất vọng não nề khi đọc bài viết của một người được gọi là sử gia như ông.

Theo tôi được biết, Ông đã tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa Sử Địa và là giáo viên sử học, của một trường trung học cấp 3 nào đó ở Việt Nam. Nên tôi xin tạm dùng những tiêu chuẩn của phương pháp sử học, để thẩm định bài viết của ông. Tôi xin lỗi ông trước về sự thất lễ này.

III. Bối Cảnh Lịch Sử

1. Ngay trong phần mở đầu, ông đã viết:

Chính phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ổn định tình hình…,tổ chức Trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, truất phế Bảo Đại, tự tuyên bố thành lập nền Cộng Hòa và tự tuyên bố trở thành tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.(1)

Rồi trong phần chú thích 1, ông giải thích thêm như sau:

(1) Hai câu của cuộc trưng cầu dân ý chỉ hỏi truất phế hay không truất phế Bảo Đại và chấp thuận hay không chấp thuận Ngô Đình Diệm làm quốc trưởng để đặt nền móng dân chủ, chứ không nói đến việc thành lập nền cộng hòa và nhất là không nói đến việc chọn Ngô Đình Diệm làm tổng thống.

 
Điều này chứng tỏ ông đã không đọc kỷ về phiếu Trưng Cầu Dân Ý thời đó, mà chính ông đã trưng dẫn, hoặc ông không đủ hiểu biết về khía cạnh pháp lý của vấn đề, hoặc vì thành kiến ông đã cố tình nói sai sự thật. Tôi xin chép lại câu 2 của phiếu Trưng Cầu Ý Kiến thời đó mà ông đã trưng dẫn trên đây:

Chấp thuận hay không chấp thuận Ngô Dình Diệm làm Quốc Trưởng để đặt nền móng dân chủ.

Rồi ông viết chứ không nói đến việc thành lập nền Cộng Hòa và nhất là không nói đến việc chọn Ngô Đình Diệm làm tổng thống. Thực sự, tôi không hiểu ông muốn nói gì! Theo một người có chút hiểu biết về thể chế chính trị dân chủ, hiện nay trên thế giới chỉ có 2 hình thức, đó là chế độ đại nghị và chế độ tổng thống. Như vậy theo ông, thể chế cộng hoà và chế độ tổng thống, không phải là những cơ cấu dân chủ? Tôi chỉ đặt câu hỏi, để ông tự tìm câu trả lời khách quan cho mình.

Còn đối với tôi, cũng như những người có trí óc bình thường khác đều hiểu rằng, khi có kết quả cuộc Trưng Cầu Dân Ý với đa số áp đảo, gồm 98% số phiếu bầu cho ông Diệm, nghĩa là toàn dân đã uỷ thác cho ông nhiệm vụ phải xây dựng nền móng Dân Chủ, thì ông có quyền chọn lựa bất cứ một thể chế chính trị dân chủ nào thích hợp cho hoàn cảnh của đất nước lúc đó để mang lại lợi ích tối đa cho quốc gia. Đó là việc làm đứng đắn, chính danh, hợp lý và hợp pháp, vì đó là theo nguyện vọng mà đa số dân chúng đã ủy thác cho ông qua cuộc Trưng Cầu Dân Ý.

Ví thế, trong bản Tuyên Cáo đọc trước quốc dân ngày 26. 10. 1955, ông Ngô Đình Diệm tuyên bố:

Thể theo nguyện vọng mà đồng bào đã bày tỏ qua lá phiếu trong cuộc Trưng Cầu Dân Ý, ngày 23. 10 vừa qua, tôilong trọng tuyên bố Quốc Gia Việt Nam là một nước Cộng Hoà

Và tiếp theo trong Hiến Ước tạm thời số 1 cũng ban hành trong ngày 26. 10. 1955, Ông Diệm đã xác dịnh rõ:

          Từ nay, Quốc Trưởng sẽ kiêm nhiệm chức vụ Thủ Tướng, được gọi là Tổng   Thống

Rồi sau đó, vào ngày 4.3.1956, chính phủ đã tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến, để chọn 123 dân biểu đại diện cho toàn thể đồng bào trên toàn quốc, để soạn thảo hiến pháp.
Quốc Hội Lập Hiến khai mạc ngày 15. 3. 1956,

Và tiếp theo, ngày 18. 4. 1956, Quốc Hội đề cử Uỷ Ban soạn thảo Hiến Pháp gồm 15 dân biểu, trong đó có những nhà luật học tên tuổi như Vũ Quốc Thông, Nguyễn Hữu Châu, Trần Chánh Thành, Hà Như Chi và Nguyễn Phương Thiệp.

Rồi sau đó, Quốc Hội Lập Hiến đã bỏ phiếu chung quyết để chấp thuận bản Bản Hiến Pháp cùng với những điều khoản căn bản như sau:

·        Việt Nam là nước Cộng Hoà, Độc Lập, Thống Nhất, lãnh thổ bất khả phân.           (điều 1 )
·        Quốc Hội Dân Cử ngày 4. 3. 1956, sẽ là Quốc Hội Lập Pháp đầu tiên theo Hiến Pháp VNCH. (điều 95)
·        Đương kim Tổng Thống được nhân dân uỷ nhiệm thiết lập nền dân chủ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23. 10. 1955, sẽ là Tổng Thống đầu tiên theo Hiến Pháp VN CH (điều 96)
·        Trong khoá họp thứ nhứt của Quốc Hội Lập Pháp đầu tiên, đương kim Tổng Thống sẽ chỉ định Phó Tổng Thống đầu tiên. Sự chỉ định này sẽ thành nhất định nếu được Quốc Hội chấp nhận. (điều 97).[1]

Những sự kiện và thủ tục pháp lý trên đây chứng nhận rằng Ông Diệm đã được toàn dân ủy thác để xây dựng một nền móng cho cơ chế dân chủ của Việt Nam. Và để thi hành ý nguyện của toàn dân giao phó, ngày 26. 10. 1955, ông đã long trọng tuyên cáo Việt Nam là một nước Cộng Hòa và từ nay Quốc Trưởng sẽ kiêm nhiệm chức vụ Thủ Tướng được gọi là Tổng Thống. Và 2 điều căn bản trong bản Tuyên Cáo này, sau đó đã được toàn thể 123 vị dân biểu, đai diện cho toàn thể đồng bào trên toàn quốc, long trọng biểu quyết chấp thuận trong bản Hiến Pháp, được Tổng Thống Diệm chính thức ban hành vào ngày 26. 10. 1956

Như vậy, việc ông Ngô Đình Diệm thành lập chính thể Cộng Hoà và trở thành Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam là việc làm hợp lý, chính danh, hợp pháp và hợp hiến. Không biết ông Phụng có thể dẫn chứng một nguyên tắc nào trong Luật Hiến Pháp và điều khoản nào trong bản hiến pháp của Đệ I CHVN, cho biết việc làm của ông Diệm là sai luật, để rồi ông phải đặt những nhận định ngớ ngẩn như thế. Như vậy đứng về phương diện sử học, ông đã có 2 điểm sai lầm (sai lầm 1 &2)

Xin lỗi ông, người xưa có câu “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ.” Khi viết những dòng chữ này, tôi liên tưởng đến trường hợp của tướng Đỗ Mậu, trong tác phẩm Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi.  Theo thiển nghĩ của tôi, trình độ học vấn của ông Mậu chưa qua khỏi bậc tiểu học, nên khi đọc Hiến Pháp Đệ I CHVN, vì không hiểu nổi thuật ngữ chuyên môn Quốc Dân, (ở điều 3) và việc biểu quyết thông qua một đạo luật ở Quốc Hội, (điều 69), nên ông Mậu lên tiếng chê các nhà luật học tên tuổi mà tôi dẫn chứng ở trên như Gs Vũ Quốc Thông, Trần Chánh Thành…là không biết luật.. Thật là mỉa mai và nghich lý, một học sinh chưa đổ tiểu học mà đi dạy luật pháp cho các giáo sư luật học nổi tiếng. Đó là trường hợp hợm mình đến trơ trẽn, mất tư cách mà không biết xấu hổ của ông Đỗ Mậu. Và tôi ước mong rằng, ông không ở trong trường hợp đó.

2. Tản quyền cho các Đại Biểu Chính Phủ

Qua phần kế tiếp, ông viết:
Tuy nền Cộng hòa được phân nhiệm rõ ràng, chính phủ trung ương gồm nhiều bộ trưởng điều hành việc nước, đồng thời tản quyền cho các tòa đại biểu tại các vùng (Trung nguyên Trung phần, Cao nguyên Trung phần, Miền Đông Nam phần, Miền Tây Nam phần),
Xin ông đọc lại Hiến Pháp Đệ I Cộng Hòa, Thiên Thứ Ba về Tổng Thống, từ điều 30 đến điều 47, có chỗ nào nói về việc Tổng Thống phải chia quyền cho các ông Đại Biểu Chính Phủ?  Tiếp đến, ông là người viết sử, chắc ông phải biết điều kiện tiên quyết, trước khi ông Diệm nhận lời mời của Quốc Trưởng Bảo Đại về nước chấp chánh là phải giao cho Ông toàn quyền hành động về hành chánh và quân sự.

Tại sao vậy? Vì trước đây Quốc Trưởng Bảo Đại thường qua mặt Thủ Tướng để ra lệnh trực tiếp cho các Thủ Hiến. Lúc đó Ông Diệm cần có một chính quyền mạnh, tập trung quyền hành về trung ương để đối phó với một tình thế vô cùng nghiêm trọng, như Tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tư Lệnh quân đội, đang thách thức quyền hành lãnh đạo của Thủ Tướng, Bình Xuyên, đang nắm Lực Lượng Công An & Cảnh Sát tại Đô Thành, đe doạ trực tiếp Dinh Độc Lập, rồi Bảy Viễn liên kết với các giáo phái Cao Đài & Hoà Hảo, gởi tối hậu thư đòi hỏi chính phủ phải cải tổ nội các trong vòng 5 ngày[2] và sau cùng là sự phá rối cùa CS. Lúc đó, Thủ Tướng Diệm cần phải có một chính phủ trung ương  với quyền lực mạnh, để có thể mang lại trật tự và an ninh cho một vùng đất loạn lạc sau nhiều năm chiến tranh, để khần cấp định cư cho gần 1 triệu người di cư từ miền Bắc vào Nam.. Tiếp đó khi Quốc Trưởng Bảo Đại bị truất phế. Tổng Thống Diệm đã ban hành Dụ 57a, ngày 24. 10. 1956, bãi bỏ các Phần trong cơ cấu hành chánh Việt Nam và ấn định rõ ràng quyền hạn của các Đại Biểu Chính Phủ.

Như vậy việc Tổng Thống Diệm không tản quyền cho các ông đại biểu chinh phủ là việc làm hợp lý, hợp pháp và phù hợp với thực tại chính trị Miền Nam lúc đó. Tại sao một sử gia như ông, lại có những câu phê bình về cơ cấu hành chánh của một chính quyền mà lại hoàn toàn thiếu cơ sở luật học đến tệ hại như vậy (sai lầm 3)

Khi đọc những nhận định của ông sử gia, tôi có cảm tưởng rõ ràng rằng ông không có chút kiến thức tối thiểu về luật học, ông lại không cần bận tâm đọc bản Hiến Pháp của VNCH cũng như bất cứ một văn kiện lập qui nào cả, nhưng ông rất thích nói về luật pháp. Đó là điều một người viết sử còn chút tư trọng nên tránh.  Vì theo tôi, uy tín của một sử gia được xây dựng trên sự liêm khiết trí thức và vốn kiến thức uyên thâm của mình, chứ không phải qua lối khoa trương gian lận về kiến thức. Vì sự gian dối trí thức thế nào cũng bị bại lộ, lúc đó không những uy tín của mình, nếu có, sẽ bị sụp đổ thảm hại, mà còn thể hiện phẩm cách thấp kém của mình.

3. Độc Tài & Gia Đình Trị

Rồi ông viết tiếp:
nhưng ngoài tổng thống Diệm, quyền hành nằm trong tay một số người là các ông bà Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, và một số ít người thân tín. Tổng giám mục Ngô Đình Thục không chính thức giữ một chức vụ hành chánh hay chính trị nào, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến Tổng Thống Diệm, đến các bộ trưởng trong chính phủ và các viên chức địa phương. Lúc đó, dư luận cho rằng Tổng Thống Diệm chủ trương độc tài và gia đình trị.
Trong một đoạn khác ông lại viết:
Dư luận nầy còn thêm rằng ông Thục trình với Tòa thánh Vatican rằng số tín đồ trong tổng giáo phận Huế, lúc đó gồm hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, do ông cai quản chiếm 80% dân số khu vực. Tháng 5-1963, Tòa thánh cử một phái đoàn điều tra đến Huế, thì dân chúng Phật tử đang treo cờ mừng Phật Đản. Kết luận sơ khởi của phái đoàn là chỉ có 20% dân chúng địa phận Huế theo Ky-Tô giáo chứ không phải 80.

Một nhà viết sử, đối với một sự kiện xảy ra cách đây hơn 46 năm rồi, không thể viết lúc đó, dư luận cho rằng, tôi xin nhắc lại, bổn phận của một sử gia là đủ kiến thức về sự thật và thực tại (factual knowledge), kế đến là biết đưa ra những nhận định, phán đoán về giá trị của sự việc (judgments of value). Thưa ông, ngay cả đến một người ký giả thường họ cũng không thể viết một cách cẩu thả như vậy được,  mà họ thường thêm vào câu như thế này Vì đây là một tin tức chưa được kiểm chứng, chúng tôi xin phổ biến sự việc này với tất cả sự dè dặt và thận trọng thường lệ. Vì nếu viết cẩu thả như ông, họ sẽ bị đưa ra toà vì tội vu cáo và mạ lỵ (defamation) người khác. Ông viết ông Thục trình với Toà Thánh. Ngay điều căn bản này ông đã viết sai, vì tôi vừa điện thoại để hỏi một vị giáo sư về giáo luật của Đại Chủng Viện St. Patrick ở California này. Linh mục này cho biết, không có nguyên tắc tự đề cử mình hay tự xin để trở thành giám mục hay hồng y trong Giáo Hội Công Giáo. Và ngay cả những ứng viên đã được đề cử (nominated candidate) mà đi vận động thêm cho mình, cũng sẽ bị loại bỏ (disqualified) ngay. Như vậy, ông Thục là một giám mục, là một người đã tốt nghiệp tiến sĩ giáo luật, ông sẽ không làm chuyện ngớ ngẩn như vậy. Tôi không ngờ một người viết sử như ông lại viết một cách thiếu trách nhiệm như vậy.

Thêm vào đó, ông là sử gia thì ông phải biết điều tra, thu góp tài liệu từ nhiều phía, rồi phân tích tổng hợp để đưa ra một nhận định giá trị, khách quan và vô tư về một sự kiện lịch sử. Ông không thể trốn chạy trách nhiệm trong việc kết tội, lên án người khác một cách bất công, thiếu cơ sở, thiếu chứng cớ bằng cách nói lập lờ, lấp liếm với lối dùng chữ dư luận cho rằng…Vì lương tâm đạo đức của người viết sử là sự liêm khiết, phán đoán khách quan, không được bóp méo hay xuyên tạc lịch sử và sử gia còn có trách nhiệm phải nói lên sự thật lịch sử không những cho những người còn sống mà cả cho những người đã khuất. (sai lầm 4 và 5 )

4. Vấn dề gia đình trị,

Vì phạm vi hạn hẹp của bài báo, không cho phép tôi trình bày cặn kẽ và chi tiết vấn đề này. Tôi chỉ nói một cách tổng quát về lời cáo buộc gia đình trị của họ Ngô. Trước hết, chỉ có ô. Ngô Đinh Nhu là cố vấn chinh trị chính thức của Tổng Thống Diệm. Ông Ngô Đình Luyện là Đại Sứ Việt Nam ở Anh Quốc.

Còn Bà Ngô Đình Nhu, tức là Trần Lệ Xuân, Dân Biểu Quốc Hội. Bà không có chức vụ và quyền hành nào trong chính quyền. Ô. Ngô Đinh Cẩn là Cố vấn các Đoàn Thể Chính Trị Tại Trung Nguyên và Cao Nguyên Trung Phần, không phải là một chức vụ trong chính quyền.

Giám Mục Ngô Đình Thục, trước là Giám Mục Địa Phận Vĩnh Long, đến tháng 11 năm 1960, là Tổng Giám Mục Địa Phận Huế. Ông giám mục này không có một chức vụ nào trong công quyền. Thì làm sao bảo quyền hành nằm trong tay những người như Ông Cẩn, bà Nhu hay ông Thục được?

Tôi không muốn bênh vực Tổng Thống Diệm hay gia đình của ông. Điều đó không đúng với chủ đích của tôi hôm nay. Tôi chỉ muốn nói với ông khi làm một phán đoán, phải trưng dẫn chứng cớ, tài liệu, chứ không thể đơn thuần đưa ra sự kiện mang tính suy diễn, vì biến cố đó đã xảy ra cách đây đã 46 năm rồi. Tôi muốn trích dẫn quan niệm của những người binh vực cho ông Diệm, họ đã đưa ra chứng cớ, để ông thấy rõ phương pháp của người viết sử cần phải làm. 

Họ vẫn mang tiếng là gia đình trị, bởi vì các công chức cao cấp trong ngành hành chánh, các tướng tá lớn nhỏ trong quân đội không biết tự trọng, chỉ biết nịnh hót,  bợ đở, cậy thần cậy thế mà gây ra nhiều tai tiếng. nếu có trách, phải trách những hạng người vô liêm sĩ này trước,[3]

Và sau đây, tôi xin trưng dẫn tài liệu về Tướng Trân Văn Đôn, như là một trường hợp điển hình:

Theo Trung Tá Minh, lúc Trần Văn Đôn đến nhậm chức Tư lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I, có đến thăm xã giao Ngô Đình Cẩn. Thăm xã giao thì cũng được đi, nhưng sau khi thăm xã giao lại xin chỉ định cho một sĩ quan chánh văn phòng. Thật là một sự yêu cầu nhảm nhí, tự mình phủ nhận quyền hành của mình! Ngô Đình Cẩn đâu phải là Tổng Tham Mưu Trưởng, quản trị tất cả nhân viên quân đội? Văn Phòng Tư Lệnh quân khu là do Tư Lệnh Quân Khu tổ chức, sắp đặt, liên can gì đến Ngô Đình Cẩn mà phải hỏi. Lúc Tổng Thống Ngô Đình Diệm bổ nhiệm Đôn ra Huế, có bắt buộc Đôn phải hành động như vậy không? Chắc chắn là không! Vì đó là vấn đề tiểu tiết, Đôn phải tự mình lo lấy. Nhưng Đôn đã bợ đỡ Ngô Đình Cẩn không phải chỗ và không phải lúc. Vô hình chung, Đôn đã tự tạo ra rồi gán cho Ngô Đình Cẩn là gia đình trị. Người đáng phỉ nhổ trong vụ này là Trần Văn Đôn chứ không phải là Ngô Đình Cẩn.[4]


Tóm lại, về vấn đề này, tôi chỉ xin thử đặt câu hỏi, tại sao Tổng Thống Diệm có ô. Nhu và ô. Luyện trong chính quyền, thì bảo là Gia đình trị? Trong khi Tổng Thống John F. Kennedy có em ruột là ô. Robert Kennedy làm Tổng Trưởng Tư Pháp, ô. Edward Kennedy lọt vào Thượng Viện từ năm 1962, khi J. F. Kennedy còn đang tại chức. Còn Tổng Thống Thiệu có anh ruột là ô. Nguyễn Văn Kiểu, làm đại sứ Đài Bắc, Ông Ngô  Khắc Tỉnh, họ hàng thân tộc của Ông Thiệu làm Tổng trưởng Giáo Dục, và có cháu kêu bằng Cậu là Hoàng Đức Nhã làm Tổng Trưởng Dân Vận. Không ai bảo 2 chính quyền này là gia đình trị cả, phải chăng vì một gia đình là của chính quyền Mỹ, còn một chính quyền là tai sai của Mỹ, nên không bị báo chí Mỹ chỉ trích, nên các sử gia như ông cũng không bao giờ dám chỉ trích? Tôi thấy ông là người viết sử mà lại không có lấy một nhận định khách quan và độc lập, không có một phân tích, một phán đoán thận trọng và hợp lý, mà chỉ chép lại một cách vô trách nhiệm những lời kết án vô bằng chứng, đầy thiên kiến và ác ý của một số ký giả Mỹ thiếu lương tâm chức nghiệp ngày xưa. Nhiều khi tôi tự hỏi: hay là ông đã bỏ quên lương tâm chức nghiệp của người viết sử rồi? (sai lầm 4 &5)


Lê Bình
Nov. 2009




[1] Xem Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hoà, Saigon, 1958. hoặc trong Đặc San Kỷ Niệm Ngày Ban Hành Hiến Pháp Đệ I CHVN26. 10. 1956, (California, 2006), tr. 27-46
[2] Quân Sử Việt Nam Cộng Hoà, (Saigon 1974), Tập IV, tr. 413.
[3] Nguyễn Văn Minh, Dòng Họ Ngô ĐìnhƯớc Mơ Chưa Đạt, tr. 334-335 và Mai Thạch Lê Nguyên Phu, Trong Bóng tối Lịch Sử.., (Gia Nã Đại, 2008), tr. 245-246..
[4] Ibid.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét