Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

ĐẦU TƯ

Đầu tư là công việc của một người trưởng thành, có khả năng và có đầu óc vươn lên. Thông thường nghĩ tới đầu tư là người ta nghĩ tới cách tăng lợi nhuận, thêm tài sản, tiền bạc để bảo đảm cho cuộc đời mình và cho con cháu mình sau này. Nhưng cũng có những người có tư tưởng lớn hơn, họ đầu tư vào những lợi ích xã hội, lợi ích cho đất nước : họ đầu tư về con người. Mỗi phương diện đầu tư đều có những kết quả khác biệt.

Muốn đầu tư tiền bạc chắc chắn người ta phải có vốn. Muốn có vốn thì phải đi làm, nhưng làm sao để dành được tiền là cả một vấn đề then chốt, trong khi cuộc sống thì có quá nhiều nhu cầu cần phải chi dụng. Một ông lão đã khuyên nhủ một em bé đánh giầy vất vả hàng ngày mà không đủ ăn như sau : Nếu con muốn ngày nào cũng có cơm ăn thì khi con đánh giầy được $1, con chỉ tiêu 90 cents thôi, để dành cho ngày con không có khách. Nếu con muốn có tiền để khỏi phải đánh giầy về sau này thì cứ $1 con kiếm được, con hãy để dành 20 cents. Nói như thế thì việc muốn có tiền dư giả, không hệ tại nhiều ở việc kiếm được nhiều tiền hay ít, nhưng là cách phải dùng tiền ra sao, như Kiyosaki đã viết : ' It's not how much money you make, but how much money you keep'.

Và để làm giầu nhanh chóng, người ta thường chia ra làm ba phương cách khác nhau. Phương cách thứ nhất là dùng chính sức lao động của mình để kiếm tiền. Cách này là thông thường nhất của đại đa số quần chúng, và họ được nhiều tiền hay ít lệ thuộc vào sức khỏe, thời gian làm việc. Càng bỏ sức lao động nhiều thì càng kiếm được nhiều tiền và ngược lại. Phương cách thứ hai là dùng sức lao động của người khác để kiếm tiền. Vì dùng sức lao động của chính mình thì giới hạn, do đó tiền kiếm được cũng không nhiều, nhưng sử dụng sức lao động của nhiều người, chắc chắn tài sản sẽ tăng nhanh chóng hơn, như các chủ công ty chẳng hạn. Phương cách thứ ba cao hơn cả là không dùng sức lao động là chính yếu nữa mà dùng chính tiền để sinh lợi ra tiền như các chủ nhà băng, cổ phần các công ty.

Mặc dù đầu tư về tiền bạc chỉ mang lại lợi ích cá nhân nhiều hơn, nhưng không phải ai cũng đều có kết quả khả quan, vì nó đòi hỏi sự thông minh, sự can đảm, sự kiên nhẫn và tất nhiên là sự may mắn nữa. Nhưng có một cuộc đầu tư lớn hơn, lợi ích hơn, lâu dài hơn mà chúng ta cần nói tới đó là đầu tư về con người. Loại đầu tư này thì không bao giờ bị thua lỗ nếu người đầu tư có một tấm lòng vì lợi ích tha nhân. Những người có lý tưởng, những người quan tâm đến vận mạng đất nước, có tình yêu đối với dân tộc, những người có tham vọng lãnh đạo quốc gia luôn đặc biệt chú ý đến cuộc đầu tư này. Xét trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước, thì cuộc đầu tư này là tối cần thiết, nếu không muốn cho đất nước VN bị mất tên trên bản đồ, và cuộc đầu tư này là tối khẩn cấp nếu không muốn cho dân tộc VN từng lẫy lừng trong lịch sử bị tiêu diệt!

Đầu tư về con người là một chiến lược lớn để thay đổi và phát triển đất nước. Trong thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, chính phủ Đại hàn đã đưa ra sách lược là bỏ ra ít nhất 30 năm để đầu tư về con người với mục tiêu là đuổi kịp Nhật bản trong mọi lãnh vực từ kinh tế, khoa học, y tế v.v… Họ đã không ngần ngại bỏ ra một số tiền khổng lồ để đưa sinh viên đi khắp nơi trên thế giới mong thâu thập được các kiến thức hiện đại, hầu mang về áp dụng tại đất nước của họ... Do đó, hiện nay chúng ta đều thấy kết qủa của họ như một phép lạ : từ nghèo nàn lạc hậu thua sút VN đã vượt hẳn lên trên, vươn tới nền kinh tế thứ 8 của thế giới !

Đầu tư về con người còn là một chiến lược lớn để giữ gìn giang sơn đất nước. Có người nói : nếu một quốc gia bị mất đi do ngoại xâm, mà tinh thần dân tộc còn, tinh thần đồng bào còn, thì sẽ có ngày họ lấy lại được. Nhưng ngược lại, nếu đất nước còn mà tinh thần dân tộc mất, tình đồng bào đã hết, thì chẳng bao lâu đất nước đó cũng sẽ bị mất vào tay ngoại bang mà không thể nào lấy lại được. Lịch sử hơn 4000 năm của VN là một bằng chứng hùng hồn cho tiền đề thứ nhất ở trên.

Quản Trọng là Tể tướng nước Tề đã nói : 'Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc. Thập niên chi kế mạc như thụ mộc. Bách niên chi kế mạc như thụ nhơn. Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã. Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã. Nhứt thu bách hoạch giả, nhơn dã'. Tạm dịch : Kế một năm, chi bằng trồng lúa. Kế 10 năm, chi bằng trồng cây. Kế trọn đời (100 năm), chi bằng trồng người. Trồng một, gặt một, ấy là lúa. Trồng một, gặt mười, ấy là cây. Trồng một, gặt trăm, ấy là người. Nói như thế thì việc đầu tư về con người có giá trị trường tồn cho dân tộc vậy.

Nhìn vào bối cảnh hiện nay tại Hải ngoại, linh hồn cho các cuộc tranh đấu vì tự do, nhân quyền VN hầu hết là nằm ở nơi các chiến sỹ, nhân sỹ, các cựu quân nhân của VNCH … nhưng nay phần lớn họ đã lớn tuổi, không còn nhiều thời gian để đi tiếp con đường tranh đấu này nữa, họ thật cần những người thừa kế, không khác gì một gia tộc dòng họ mong ngóng có đứa con nối giòng khi tuổi cha mẹ đã về già ! Sự thừa kế này lẽ ra phải được các thế hệ cha anh chuẩn bị từ lâu có tính chiến lược và trình tự thời gian mới là hợp lý. Tuy nhiên, may mắn thay, hiện nay nhiều lớp trẻ hải ngoại đã tự động đứng lên, can đảm gánh vác trọng trách này. Vậy các bậc cha anh sẽ nhận thức, đón nhận và đóng vai trò như thế nào? Chắc chắn là một niềm vui mừng khôn tả như một đứa con cầu tự lâu ngày mong đợi, như một chưởng môn tìm được một học trò xuất sắc lưu truyền cho môn phái. Chắc chắn các bậc trưởng thượng, các bậc tiền bối, các bậc cha anh sẽ chung tay nuôi dưỡng tiếp sức để các bạn trẻ thêm hiểu biết, thêm sức mạnh qua những lời khuyên dạy, qua những cuộc lạc quyên, đóng góp cho các phong trào giới trẻ một ngày một lớn mạnh. Tình thương mà các bậc cha anh dành cho giới trẻ phải không khác gì tình thương mà họ dành cho đứa con yêu trong gia đình của chính mình, nhất là nó lại là 'con nhà Tông', đang tiếp nối dòng máu VN của mình ! Là lý tưởng tự do, nhân quyền, tình yêu dân tộc những vang bóng của một thời Việt Nam Cộng Hoà xưa.

Ngoài ra, giới trẻ VN hải ngoại được cả thế giới thán phục qua những thành công vượt bực trên nhiều lãnh vực từ kinh tế, tài chánh, khoa học, thương mại, chính trị v.v… Đó là số vốn lớn lao để bất cứ ai có cao vọng thèm muốn, nhất là cho những người có lý tưởng muốn khôi phục và phát triển đất nước VN sau này. Chẳng thế mà một nhà lãnh tụ lớn thời thế chiến thứ hai đã từng tuyên bố và thực hiện thành công câu nói để đời của ông :“He alone, who owns the youth, gains the future.” Tạm dịch : Ai nắm được giới trẻ, là nắm được tương lai (tương lai của dân tộc, của thế giới, tức là nắm được thế giới !) Thật là một cuộc đầu tư rất ít tốn kém, nhưng lời thì vô hạn.

Hiện nay, bức tranh nước Việt thật đầy u ám : đạo đức, văn hoá suy đồi, kinh tế khoa học tụt hậu, đất nước, biển đảo đang mất dần vào tay ngoại bang !… Tương lai nước Việt, tương lai Dân tộc Việt lệ thuộc rất lớn vào sự nhận thức tầm chiến lược và đầu tư nghiêm túc cho sự khai sinh, nuôi dưỡng những người trẻ đã hy sinh rất nhiều để quyết dấn thân cho lý tưởng Việt Nam này ! Và đây chính là vinh dự nhưng cũng là trọng trách của các bậc tiền bối, các bậc cha anh trước tiền đồ của tổ quốc VN vậy.

Ban Thông Tin
PTGTTGVNQ
Adelaide 2/2/17

FB: Trần Kiều Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét