Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

TỪ CÁCH SỐNG TỚI CÁI CHẾT CỦA CỐ TT NGÔ ĐÌNH DIỆM , ĐÃ CHO CHÚNG TA CẢM NHẬN TRIẾT LÝ NHÂN SINH QUAN NÀO (Trần Phong Vũ)

(Bài thuyết trình trong buổi hội thảo nhân tưởng niệm 52 năm biến cố 01-11-1963, tổ chức tại Atlanta, Georgia ngày 01-11-2015 *TTV: Trần Phong Vũ)

Kính thưa quý vị trưởng thượng, thưa quý đồng hương và quý bạn trẻ thân mến,

Cũng ngày này cách đây chẵn 52 năm, một cuộc binh biến xảy ra ở thủ đô Sàigòn dẫn tới cái chết oan khốc của TT Ngô Đình Diệm và bào đệ là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Từ đấy đã kéo theo sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. Nó cũng là tiếng chuông báo trước ngày cộng sản Bắc Việt thôn tính miến Nam, đặt ách thống trị bạo tàn trên toàn lãnh thổ 12 năm sau đó.

Cùng với bốn triệu đồng bào tị nạn khắp nơi trên thế giới, hôm nay, chúng ta tụ họp nơi đây để cùng nhau tưởng niệm một chí sĩ, một nhà cách mạng, một vị Tổng Thống tài năng đức độ đã vị quốc vong thân.

Trong hơn 50 năm qua đã có rất nhiều tác giả Việt Nam cũng như ngoại quốc viết về Ngô TT. Chỉ riêng nhà biên khảo Minh Võ, người bạn thân của cá nhân chúng tôi đã viết ba tác phẩm về cố TT. Tác phẩm thứ nhất “TT NĐD Lời Khen Tiếng Chê”, thứ hai “TT NĐD và Chính Nghĩa Dân Tộc”, thứ ba “TT NĐD và Cuộc Chiến Tranh Quốc Cộng”. Mới đây, nguyên Trung tá Nguyễn Văn Minh vừa cho ra đời tác phẩm thứ hai, đó là cuốn “Dòng Họ Ngô Đình & cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội” mà cá nhân chúng tôi được tác giả ưu ái mời đọc trong buổi ra ở Nam California Chúa nhật tới đây..

Tưởng cần thưa cùng quý vị là ngoài những tác phẩm của Minh Võ, cựu Đại Tá Duệ, cựu Trung Tá Minh, nhà báo Kiều Vĩnh Phúc, nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục, những trang hồi ký của tác giả Huỳnh Văn Lang, những tiết lộ của cụ Cao Xuân Vỹ cũng như một số tác giả người Mỹ viết về biến cố 01-11-63, trong đó có cuốn Retrospect – The Trategy & Lessons of Vietnam của cựu BT Quốc Phòng Mỹ Robert McNamara, kể cà nội dung cuộc phỏng vấn bà Ngô Đình Nhu của một số nhà báo HK năm 1982 đã được chúng tôi dùng làm tư liệu cho bài nói chuyện này.

Trước khi khởi đầu câu chuyện, tôi xin chân thành cám ơn Ban Tổ Chức đã dành cho tôi vinh dự được trình bày trước một cử tọa chọn lọc như hôm nay về một đề tài thật đặc biệt. Đó là: “Từ cách sống tới cái chết của cố TT Ngô Đình Diệm đã cho chúng ta cảm nhận triết lý Nhân Sinh Quan nào?”

Đây quả là một đề tài lớn.

Trước hết, chúng ta cần biết người cha khai sinh ra nền CHVN đã sống như thế nào trong 62 năm tại thế và đã chấp nhận cái chết với thái độ nào trong cuộc binh biến cách đây 52 năm để từ đấy nhận ra triết lý nhân sinh của ông. Vì giới hạn trong vài chục phút phù du, khó có thể nói hết những điều muốn nói. Do đó trong bài chia sẻ này chúng tôi xin chỉ lược qua những nét lớn trong cuộc đời Ngô TT mà thôi.

Cố TT Diệm sinh ngày 01-03-1901, là con trai thứ ba của quan Thượng Thư Ngô Đình Khả. Dù giữ chức vị cao trong triều, nhưng vì chống lại việc người Pháp đày vua Thành Thái nên bị huyền chức, sau đó đến đời vua Duy Tân được phục chức, cuộc sống trong gia đình cụ Ngô Đình Khả vẫn hết sức eo hẹp, nếu không muốn nói là nghèo túng, nguyên do chỉ vì bàn tính thanh liệm, cương trực. Tấm hình chụp gia đình cũ trong tác phẩm mới nhất của cựu Trung Ta Minh cho thấy từ ông Khôi cho đến ông Diệm đều đi chân đất. Riêng ĐC Thục và ông Diệm ăn mặc luộm thuộm, giật gấu và vai như con nhà nông. Chính bối cảnh sống trong gia đình thời thơ ấu cùng với ảnh hưởng của hai nền văn hóa Không Mạnh và Thiên Chúa Giáo đã để lại những dấu ấn sâu đậm về nhân sinh quan nơi Tổng Thống Ngô Đình Diệm sau này.

Quan niệm về Trung, Hiếu, về Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín trong Đạo Nho quyện với tinh thân Bác Ái, Bao Dung, Khiêm Tốn, Vị Tha, Chấp nhận Cảnh ngộ của Kitô giáo đã trở thành khuôn thước trong cách hành sử với đời, với mọi người chung quanh nhất là với chính mình của ông Diệm, kể cả chin năm ở cương vị người lãnh đạo quốc gia.

Sau khi tốt nghiệp trường Hậu Bổ, ông khởi đầu bước vào hoạn lộ lần lượt với chức tri huyện Hương Trà năm 20 tuổi –Tuần Vũ Phan Thiết 9 năm sau. Thượng Thư Bộ Lại (tương đương với chức vụ Thủ Tướng) năm 1933, lúc mới 32 tuổi

Đây chính là cơ hội ông phát lộ tài năng, ý chí, tâm huyết và khí phách của một người trí thức thành tâm yệu nước. Chỉ mấy tháng sau khi nhậm chức, ông đề nghị chính quyền bảo bộ Pháp hai điểm cần tu chính. Một là thống nhất Trung và Bắc Kỳ theo tinh thần Hòa ước Giáp Thân 1884, Hai là cho Viện Nhân dân Đại biểu Trung Kỳ được quyền tự do thảo luận về mọi vấn đề, kể cả vấn đề chính trị. Mục tiêu chính ông nhắm tới ở đề nghị thứ nhất là bãi bỏ hai chức vụ khâm sứ Trung Kỳ và thống sứ Bắc Kỳ do Pháp đặt ra với thâm ý giới hạn quyền làm chủ dất nước của triều đình Việt Nam. Đề nghị thứ hai là để canh tân lề lối cai trị cũ, mở cửa cho các đại biểu nhân dân được bàn tới những vấn đề liên quan tới vận mạng đất nước và dân tộc. 

Vì những đề nghị chính đáng này không được người Pháp chấp nhận, ngày 12 tháng 7 năm 1933, ông khảng khái dũ áo từ bỏ ngôi vị Thượng Thư nhất phẩm triều đình Huế.

Từ đấy, dù bị người Pháp theo dõi, nhưng ông Diệm vẫn chuyên tâm nghiên cứu về chính trị thế giới liên quan tới hoàn cảnh Việt Nam, tiếp xúc với những nhân sĩ trong nước. Khi hay tin ông Diệm từ bỏ quyền cao chức trọng để phản đối người Pháp, chí sĩ Phan Bội Châu đã làm thơ hết lời ca ngợi. Bài thơ của cụ Phan được đang trên báo Tiếng Dân ngày 22-12-1933, bị kiểm duyệt bỏ câu thứ tư, là câu “Ngôi quý xem dường dép nửa đôi”, có lẽ vì đụng chạm tới ngôi vị nhà Vua và các quan trong triều đình thời ấy. Cho đến năm 1953 mới được cụ Phạm Đình Tân trong Tinh Việt Văn Đàn phổ biến đầy đủ với nội dung như sau:

Ai biết trời Nam hãy có người,
Sịch nghe tưởng ngỡ sấm bên tai.
Lông hồng coi nhẹ vàng muôn lượng,
Ngôi quý xem dường dép nửa đôi.
Phơi tỏ cùng trời gan đỏ chói,
Nhá nhem thây kệ mắt đen thui.
Ví chăng kịp lúc làm vai vế,
Sau ngựa Châu xin quất ngọn roi.

Điều đáng nói là qua những tài liệu khả tín, chúng ta biết rằng: kể từ năm 1945, sau khi Việt Minh cướp được chính quyền cho đến năm 1953, hơn một lần chí sĩ Ngô Đình Diệm đã được vua Bảo Đại –kể cà Hồ Chí Minh ngỏ ý muốn mời ông ra thành lập chính phủ nhưng ông đều từ chối. Lý do chỉ vì những yêu cầu tối thiểu ông đặt ra không được đáp ứng. Với họ Hồ, ngoài chuyện không trả lời thỏa đáng trường hợp cha con bào huynh Ngô Đình Khôi của ông bị Việt Minh giết, ông còn yêu cầu được biết rạch ròi chủ trương đường lối của Việt Minh khi ấy, nhưng họ Hồ làm ngơ. Với vua Bảo Đại, ông Diệm không hài lòng về thứ độc lập nửa với mà người Pháp trao cho Việt Nam lúc bấy giờ. 

Cho tới mùa Xuân năm 1954, sau khi quân Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ đưa các phe lâm chiến tới hòa hội Genève, trước tình hình đất nước quá nguy ngập, chỉ sĩ Ngô Đình Diệm mới nhận lời Quốc Trưởng Bảo Đại đứng ra thành lập nội các với điều kiện tiên quyết là ở cương vị Thủ Tướng, ông phải được toàn quyền về mọi mặt, từ quốc phòng, nội trị tới ngoại giao.

Ngày 07-7-1954, chính phủ do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chính thức ra đời trước tình trạng tan hoang của đất nước. Miền Bắc bị Cộng sản núp dưới chiêu bài Việt Minh thống trị. Miền Nam trong cảnh bát nháo của một thứ Thập Nhị Sứ Quân thời đại với sự thao túng của đám thảo khấu Bình Xuyên ngay giữa lòng thủ đô Sàigon dưới tay Bảy Viễn, được sự hỗ trợ của Bảo Đại và cụ thể là tướng Nguyễn Văn Hinh con trai hùm xám Cai Lậy tức cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm, trong khi các tỉnh bị xâu xé bởi những lực lượng vũ trang dưới quyền Năm Lửa, Ba Cụt nhân danh hai giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo. Thách đố lớn nhất cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm khi ấy là mặc dầu trên nguyên tắc đã trả độc lập cho Việt Nam, nhưng với dã tâm muốn trở lại Đông Dương, thực dân Pháp vẫn tìm hết cách để gây khó khăn cho việc điều hành đất nước của tân chính phủ. Hệ thống ngân hàng vẫn do tay chân người Pháp điều hành, quân đội, công an, cảnh sát do tướng Hinh và lực lượng Bình Xuyên nắm giữ.

Trước cảnh tứ bề thọ địch ấy, khi Hiệp Định Genève kết thúc, đất nước bị chia đôi, chính phủ lại phải lo tiếp nhận và ổn định đời sống một triệu đồng bào di cư từ miến Bắc vào miền Nam tránh nạn cộng sản. Nhưng, với lòng yêu nước nhiệt thành, thêm vào một tài năng xuất chúng, một ý chí cương quyết cao độ và với sự trợ giúp của chính phủ Hoa Kỳ cùng sự yểm trợ tinh thần của đồng bào miền Nam và một triệu đồng bào di cư miền bắc, cho đến cuối năm 1955, tình hình một nửa đất nước từ nam vĩ tuyển 17 đến mủi Cà Mau đã dần dần ổn định. Thủ đô Sàigon mang một bộ mặt mới. Tất cả hệ thống sòng bạc Kim Chung và khu Bình khang, Đại Thế Giới do Bảy Viễn thuộc lực lượng Bình Xuyên quản trị được dẹp bỏ. Tình trạng sứ quân bị phá vỡ. Bọn thảo khấu Bình Xuyên bị các lực lượng quân đội quốc gia đánh tan trong khi các nhóm vũ trang của Cao Đài, Hòa Hảo tình nguyện trở về hợp tác với chính phủ.

Giữa lúc ấy. từ Pháp ông Bảo Đại gửi công điện triệu Thủ tướng Diệm qua bá cáo tình hình. Trong khi ông Diệm chuẩn bị lên đường thì một hội nghị khẩn cấp giữa đại diện các tổ chức chính trị bao gồm các giáo phái Cao đài, Hòa Hảo được triệu tập ngay tại Dinh Độc Lập hôm 29-4-1955 dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Bảo Toàn, Bí Thư Đảng Dân Xả (Hòa Hảo) mà chủ đích ban đầu để thảo luận về việc TT Diệm có nên qua Ba Lê theo lệnh của ông Bảo Đại không. Nhưng khi hội nghị bắt đầu thì tình thế xoay sang một chiều hướng hoàn toàn khác hẳn. Những lời phát biểu quyết liệt của ông Nhị Lang đại diện Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến của tướng Trình Minh Thế thuộc giáo phái Cao Đài, được sự hưởng ứng nồng nhiệt của ông Hồ Hán Sơn và ông Nguyễn Bảo Toàn, toàn thể hội nghị đã công khai lên tiếng hài tội Bảo Đại. Theo lời thuật lại trong hồi ký của ông Nhị Lang thì chính ông Vũ Văn Mẫu là người đã hăng hái công kênh ông lên gỡ bỏ khuôn hình Bảo Đại ném xuống nền nhà cho mọi người dày đạp giữa những tiếng hô truất phế.

Sau đó, một nghị quyết với ba điểm chính đã được hội nghị nhất trí thông qua:

1 Truất phế Bảo Đại.
2 Giải tán Chính phủ Ngô Đình Diệm.
3 Ủy nhiệm Chí sĩ Ngô Đình Diệm Thành lập Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời, tổ chúc Tổng Tuyển Cử, tiến tới Chế độ Cộng Hòa.

Biến cố quan trọng này là hệ quả và là khởi điểm dẫn tới cuộc Trưng Cầu Dân Ý ngày 23-10 truất phế Bảo Đại để ba ngày sau –ngày 26-10-1955- trước sự hiện diện của hàng chục ngàn đồng bào nô nức tụ tập tại Bùng Binh chợ Bến Thành Sàigòn, nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam ra đời và chí sĩ Ngô Đình Diệm được suy tôn thành vị Tổng Thống đầu tiên với nhiệm vụ tổ chức bầu cử Quốc Hội, soạn thảo Hiến Pháp để làm nền cho một chế độ Dân Chủ, Tự Do.

Trong vài năm đầu thập niên 60, có dư luận chê trách Ngô TT là người tham quyền cố vị, nhưng mấy ai hiểu được con người thực của ông ngay từ thuở thiếu thời đã nuôi ý đinh vào dòng tu và trong thời gian ở ngôi vi TT, hơn một lần ông có ý định dời bõ chức vụ về hưu sớm. Trong những năm bôn ba ở Mỹ để tìm phương giúp nước ông thường chọn các Dòng Chúa Cứu Thế hoặc Dòng Mary Knoll làm nơi cư trú. Thời gian ở Bỉ, ở Pháp vào những năm 53-54 nơi cư ngụ của ông cũng là các nhà Dòng Công Giáo. Những chuyện do đại úy tùy viên Lê Công Hoàn kể lại cũng hé mở cho chúng ta hiểu được phần nào tâm tư và thái độ coi thường danh lợi của TT Diệm. Theo lời đại úy Hoàn thì có những đêm bất chợt chứng kiến TT Diệm rời phản gỗ trong phòng ngủ, khoác áo bước ra ngoài hoa viên. Ông đứng như chôn chân mấy chục phút, ngước nhìn trời mây, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ.. Bỗng dưng có một lúc ông nói hơi lớn nên đại úy Hoàn còn nhớ “Thôi… sang năm mình sẽ xin về… mệt quá… mình xin về phụng dưỡng bà cố…” Tùy viên Đỗ Thọ cũng đã có lần kể lại những kinh nghiệm tương tự. 

Trong bài viết “Gia tài của TT Ngô Đình Diệm & ngôi nhà ông dự định về hưu”, cố Đại Tá Nguyễn Ngọc Duệ đã kể lại nhiêu chi tiết cho thấy cuộc sống đạm bạc và dự tính khi về hưu sẽ dựng một căn nhà nhỏ trong khu gia binh để ở sau khi mãn nhiệm kỳ TT của ông Diệm.

Báo chí và dư luận một thời cũng không ngớt chỉ trích TT Diệm có tinh thần kỳ thị tôn giáo và địa phương khi dùng người. Ý thiên hạ muốn nói ông thường ngả theo khuynh hướng trọng người miền Trung, nhất là người Huế, ghét bỏ người Bắc và người Nam. Ngoài ra vì là tín đồ Thiên Chúa Giáo nên chỉ những người đồng đạo mới được ông trọng dụng, cắt cử vào vị trí tốt. 

Về vấn đề này chỉ cần nhìn vào thành phần những giới chức cao cấp nhất trong quân đội và trong nội các của TT Diệm trong thời gian ông tại vị, ta sẽ có được câu trả lời thật minh bạch. Thí dụ bên quân đội từ Thống Tướng Lê Văn Tỵ, tới các tướng Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim, Dương Ngọc Lễ, kể cả Trần Thiện Khiêm… đêu là Phật tử. Phó TT Nguyễn Ngọc Thơ, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu, Bọ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành một người Nam, hai người Bắc và đều không phải Công Giáo. Riêng các ông Võ Văn Hải, Cao Xuân Vỹ, Tôn Thất Thiện, Bữu Thọ, Ngô Trọng Hiếu… những nhân vật thân cận nhất của TT cùng những tùy viên như Đỗ Thọ, Lê Công Hoàn…lại cũng là Phật Giáo và chưa bao giờ bị thôi thúc cải đạo, như những luận điệu xuyên tạc trong dư luận một thời.

Câu chuyện sau đây cho thấy Tổng Thống Diệm không những không kỳ thị tôn giáo mà còn là người quá mẫn cảm về chuyện này trong khi chọn nhân sự điều hành các bộ. Theo lời thuật lại của bác sĩ Trần Kim Tuyến, trong thời gian tìm kiếm người làm bộ trưởng tư pháp, danh tính và lý lịch hai thẩm phán Trần Minh Tiết và Nguyễn Văn Lương được trình lên TT. Như thường lệ, ông Diệm hỏi ý kiến ông Nhu. Biết tính anh nếu cố ý đề cao người nào quá đáng sẽ bị ông thẳng thay bác bỏ. Vì thế trong thâm tâm ông Nhu quý ông Tiết, nhưng tỏ ý cân nhắc đắn đo rồi nói: giữa hai thẩm phán được đề bạt đều xứng đáng, riêng ông Tiết nghe đâu rất được lòng giới luật gia, hơn nữa ông này trẻ hơn và lại là người miền Nam. Ông Nhu nhấn mạnh tới gốc miền Nam của đương sự vì biết TT thường e ngại khi đề cử một nhân vật miền Trung hoặc miền Bắc. Ấy thế mà cuối cùng TT chọn ông Nguyễn Văn Lương vào vai trò bộ trưởng bộ tư pháp. Khi bác sĩ Tuyến hỏi ông Nhu, ông Nhu nói: ông cụ chọn ông Lương mà không chọn ông Tiết chỉ vì thấy ông Tiết là người Công Giáo.

Riêng chuyện kỳ thị Phật Giáo, tưởng cũng cần nói thêm là chính TT Diệm đã trích quỹ riêng 600 ngàn để giúp xây Chùa Xá Lợi, một ngôi chùa đep nhất trong vùng. Ngoài ra chính phủ còn giúp Giáo Hội Phật Giáo xây trên một ngàn ngôi chùa, chưa kể TT Diệm còn gửi 1300 tấn gạo giúp nhân dân Tây Tạng trong thời gian cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong ở Ấn Độ. Chi tiết này đã được một Phật tử là nhà văn Trần Trung Đạo nêu ra trong một bài viết của ông.

Đề cập cái chết thảm khốc của Ngô TT và bào đệ Ngô Đình Nhu, cho đến nay mọi người chúng ta đều đã rõ, thiết nghĩ tôi không cần phải nhắc lại ở đây. Tài liệu và sách vở đã trình bày quá đủ rồi.

Điều đáng quan tâm là ông đã tiếp nhận cái chết như thế nào? Và quan trọng hơn là tại sao ông lại chọn cho mình thái độ như thế?

Kính thưa quý vị trưởng thượng, thưa quý đồng hương và thưa các bạn trẻ,

Trở lại với đề tài: xuyên qua cung cách hành sử trong đời sống cũng như nhìn lại cái chết của TT Ngô Đình Diệm, hậu thế -trong đó có quý vị, có tôi, có hơn ba triệu đồng bào tị nạn ở hải ngoại và 90 triệu đồng bào trong nước-, chúng ta rút ra được những gì về triết lý nhân sinh quan của người đã hiến trọn cuộc đời cho lý tưởng Quốc Gia?

Hai nền văn hóa Khổng Mạnh và Thiên Chúa Giáo đã nhào nặn ông thành một mẫu người Quân Tử thời đại, một bậc Chính Nhân theo quan niệm Tây Phương, Nói khác đi đấy là một mẫu người tiêu biểu cho Bậc Đại Trượng Phu thời cổ nhưng sống giữa thời đại chúng ta, mẫu người được gán cho những đức tính cao quý: 

“Phú Quý Bất Năng Dâm – Bần Tiện Bất Năng Di – Uy Vũ Bất Năng Khuất”

Ngay từ thời thơ ấu, tuy là con quan những ông Diệm đã chia sẻ thân phận nghèo nàn của đám đông nông dân cùng khổ. Vì thế suốt đời ông, ngay cả khi đã ở địa vị Tổng Thống một nước, ông vẫn giữ nguyên lối sống thanh bạch như thuở nào. Chỉ cần đọc lại những chứng từ của những tùy viên thân cận như Đỗ Thọ, Lê Công Hoàn, nhất là ông giá Ân, người đã ở sát bên, chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho TT Diệm mọi người đều đã rõ.

Là một người bình thường về mọi phương diện, nhưng trọn đời ông sống độc thân. Thâm tâm ông nuôi ý định đi tu, nhưng vì ý thức trách nhiệm của kẻ sĩ trước sự tồn vong của tổ quốc, hạnh phúc của toàn dân, ông đã quên mình dấn thân vào con đường chính trị, không phải bằng bất cứ giá nào để tranh danh đoạt lợi, giành giật quyền uy, chức tước. Sư kiện năm 1933, sau khi được vua Bảo Đại mời vào vị trí Nhất Phẩm Triều Đình nhà Nguyễn là Thượng Thư Bộ Lại, nhưng chỉ mấy tháng sau ông dứt khoát dũ áo từ quan khi nhận ra ác tâm của Pháp. Và kề từ sau năm 1945 đã ba lần ông khảng khái chối từ ý muốn của Quốc Trưởng Bảo Đại, kể cà ông Hồ, muốn mời ông ra thành lập chính phủ. 

Khi được suy tôn vào chức vụ Tổng Thồng VNCH ngày 25-10-55, ông đã chọn Quốc Huy và cũng là phương châm cho đời ông là hình ảnh Khóm Trúc với bốn chữ ghi bên dưới: Tiết Trực Tâm Hư. Hiển nhiên ông tự ví mình như dóng trúc thẳng, bên trong trống rỗng biểu tượng cho tấm lòng cương trực, không ham chuộng hư danh của ông mà chỉ với ý hướng toàn tâm toàn lực dần thân cho đại nghĩa, cho lý tưởng quốc gia.

Chỉ với chi tiết này đã đủ cho công luận thấy rỏ quan niêm trong sáng của cố TT Ngô Đình Diệm về chữ “DANH” như Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ từng bày tỏ qua định nghĩa sau đây: 

“Danh giả hữu Đạo Đức chi Danh, Thực giả hữu Trị Quốc, Huệ Dân chi công Thực dã”.
 
Như thế, chúng ta thấy, cũng như người xưa, quan niệm về công danh, sự nghiệp của Ngô TT có thể nói là vằng vặc như trăng sao. Đấy là thứ “Thực Danh” chứ không phải “Hư Danh”, thứ Công Danh được làm nên bằng Đạo Đức, bằng công lao huyết hãn để đem lại Thịnh Trị cho Quốc Gia, Ân Huệ, Phúc Lợi cho đồng bào, cho dân tộc.

Quan sát những lần cận kề cái chết như lần bị tên đặc công CS Hà Minh Trí ám sár hụt ở Ban Mê Thuột hay khi bị tên phi công phản loạn ném bom vào tư dinh cũng như những giờ khắc căng thẳng cuối đời, Ngô TT vẫn giữ được thần thái bình tĩnh, an nhiên tự tại. 

“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiến hãn thanh”

Là kiếp con người từ cổ chí kim, hỏi răng: có ai mà không chết. Vấn đề là sau khi chết, tấm lòng son sắt của mình có còn ghi dâu tích gì trong lịch sử hay không.

Với ý chí và tâm nguyện thể hiện quan niệm sống như thế, chúng ta sẽ không lạ khi nhìn lại cuộc đời Ngô TT từ lúc chào đời, lớn lên, đi học, làm quan, từ quan, những năm dài tranh đấu, 9 năm trong cương vị người lãnh đạo quốc gia cho tới khi cận kề nỗi chết, tâm tư, thái độ và con người ông trước sau như một, không có gì thay đổi.

Trong hồi ký viết về TT Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa, cố Đại Tá Nguyễn Ngọc Duệ, Lúc ấy mang cấp bậc Thiếu Tá chỉ huy phó Liên Binh Phòng Vệ Phủ TT, đã kể lại rằng: chiều hôm 01-11-63, hai ba lần ông xin lệnh TT cho phép dùng hỏa lực tấn công những đơn vị quân đội phản loạn với dự kiến chắc chắn sẽ phá vỡ âm mưu đảo chánh của đám tướng lãnh bất trung, nhưng TT dứt khoát không cho, với lý do đơn giản là ông không muốn gậy đổ máu, thương vong cho quân đội của mình. Ngoài ra, theo tiết lộ của tùy viên Đỗ Thọ, cũng vào buổi chiều 01-11, khoảng sau 2, 3 giờ, lần thứ hai đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge điện thoại vào dinh nói chuyện riêng với Ngô TT. Bốn sĩ quan tuỳ viên vẫn đứng ngồi bên cạnh. Không ai rõ ông Lodge nói gì ở đầu giạy bên kia mà chỉ nghe Tổng thống Diệm trả lời bằng tiếng Pháp đại ý: “Tôi không chấp nhận… Cảm ơn… Cảm ơn… Là người VN, chúng tôi sẽ tự thu xếp với nhau… Tôi không tin các tướng đòi hỏi như thê. Cảm ơn, tôi không nhận điều kiện nào hết… Ngài biết tôi còn là người lãnh đạo đất nước này!!”. Trước khi buông máy, Tổng thống Diệm nói rất chậm, nhấn mạnh từng tiếng một: “Je vous remercie sincèrement…Je ne quitte jamas mon peuple… Một lần nữa, tôi thành thức cám ơn Ngài… Nhưng tôi không thể rời bỏ dân tôi“.

Như nhiều tài liệu và nhân chứng cho biết khi tình thế nguy ngập, đêm 01-11, TT và ông Ngô Đình Nhu đã rời dinh xuống Chợ Lớn tạm lánh ở nhà ông Mã Tuyên, sáng sớm ngày 02 tới nhà thờ cha Tam, một LM gốc Tàu những có tên Pháp là Jean. Vào giây phút nguy nan nhất cha Jean đã nhiều lần đề nghị đưa TT và ông Cố vấn vào lánh nạn ở tòa ĐS Trung Hoa Dân Quốc hoặc tòa ĐS Pháp, nhưng TT Diệm tỏ lòng cám ơn nhưng vẫn một mực từ chối, Phần ông Nhu đưa ra hai ý kiến, một là cả hai anh em cùng tạm lánh rồi tìm đường ra khỏi nước, hoặc một mình ông ra đi, nhưng ông Diệm vẫn không cho với câu nói bất di dịch “hai anh em sống chết có nhau”.

Kết cuộc bi thảm không một người Việt Nam yêu nước nào chờ đợi là Ngô TT và bào đệ, ông cố vấn Ngô Đình Nhu, một khối óc phi phàm đã chết vào tay phương tục từ.

Điều đáng nói là trong cuộc phỏng vấn của nhóm nhà báo Mỹ năm 1982, khi trả lời câu hỏi là ai đã gây ra cái chết cùa TT Ngô Đình Diệm và chống bà, Bà Trần Lệ Xuân không hề nói tới tên bất cứ tướng lãnh VN nào –kể cà tướng Dương Văn Minh, người mà hầu hết sách báo, tài liệu đều đưa ra những bằng chứng cho rằng ông ta là người đã ra lệnh cho Mai Hữu Xuân và tên Nhung nhúng tay vào máu trong vụ này. Trước sau, bà Nhu đều một mực quy cho ba kẻ thù là Mỹ, Pháp và nhất là CSVN là những thủ phạm chính đã gieo tang tóc cho Dòng Tộc Ngô Đình, đồng thời nhận chìm đất nước, dân tộc Việt Nam vào cảnh ngộ đau thương, tan tác ngày nay.

Kính thưa quý vị,

Kết thúc bải chia sẻ với nhiều thiếu sót này, tôi chợt nhớ tới vài câu nói trong số hàng trăm danh ngôn người sáng lập nền CHVN còn để lại. Một lần ông nói:

“Tôi không phải là thần thánh, tôi chỉ là một người bình thường, tôi chỉ biết thức khuya, dậy sớm làm việc, một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc”

Lần khác, trước những lời ong tiếng ve vào những tháng ngày cuối cùng của chế độ, TT tâm sự:

“Chế độ này tuy còn nhiều khuyết điểm, cũng còn hơn nhiều chế độ khác. Người ta chê là độc tài nhưng chỉ sợ còn những thứ độc tài khủng khiếp hơn. Tôi tiến hãy theo tôi, tôi lui hãy giết tôi, tôi chết hãy nối chí tôi.”

Nơi trang mở đầu Phần Năm tác phẩm biên khảo “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại” do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành năm 2005, tôi đã trích dịch lời Jim Mulligan viết lúc cuối đời vị Thánh Giáo Hoàng Công Giáo này như sau:

“Ngài đã dạy chúng tôi phải sống như thế nào. Ngài đã dạy chúng tôi biết nếm trải sự khổ đau ra sao. Và bây giờ Ngài còn dạy chúng tôi biết chết nữa – He’s taught us how to live, he’s taught us how to suffer, anh now he’s teaching us how to die”

Hôm nay, trước diễn đàn quy tụ những khuôn mặt tuyển chọn này trong Cộng Đồng Người Việt tị nạn tại Atlanta, nhân tưởng niệm 52 năm cái chết của người đã khai sinh Nền Cộng Hòa Việt Nam, tôi muốn mượn ý tưởng của Jim Mulligan để củng quý vị và quý bạn hướng về di ảnh người khai sinh nền Cộng Hòa Việt nam để ngỏ lời anh linh cố TT Ngô Đình Diệm rằng: 


“Dõi theo cuộc đời TT, ngài đã dạy chúng tôi phải sống như thế nào, đã dạy chúng tôi biết chấp nhận nghịch cảnh ra sao. Và hôm nay, 52 năm sau khi ngài nằm xuống, TT còn dạy chúng tôi biết chọn cái chết sao cho xứng là người Việt Nam yêu nước”

Trân trọng kính chào toàn thể quý vị.
( Trần Phong Vũ )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét