Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Dr. RUPERT NEUDECK: Sống thanh đạm, hoạt động cao cả


"Dr. Rupert Neudeck ra đi với nhiều ước mơ chưa trọn vẹn. Ông ước mơ một thế giới an bình không chết chóc chiến tranh. Ông ước mơ tiếp tục cứu giúp người tỵ nạn trên thế giới. …."

Dr. RUPERT NEUDECK: Sống thanh đạm, hoạt động cao cả

Rất nhiều người đã cho rằng: Chúa Giêsu và triết gia người Pháp Albert Camus (1913-1960†) là hai thần tượng của Dr. Rupert Neudeck, xuyên qua dụ ngôn „Người Samirita nhân hậu“ trong Kinh Thánh và „huyền thoại Sisyphos“ của Albert Camus, người đoạt giải Nobel văn học qua các sáng tác của ông đã đưa ra ánh sáng những vấn đề phải đặt ra cho lương tâm loài người trong thời đại này. 77 năm trên dương thế của Dr. Neudeck đều được tóm gọn trong niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa với lòng nhân hậu cứu độ tha nhân, bất chấp bất cứ chống đối nghịch cảnh nào, không khác gì một Sisyphos nhỏ bé phải lăn một tảng đá tròn khổng lồ lên đỉnh một ngọn núi dốc cao chót vót. Suốt cuộc đời hành sự nhân đạo cứu người của ông đều được phát xuất từ tinh thần bác ái Thiên Chúa Giáo, cộng với ý tưởng nhân bản qua lời của Albert Camus : „ Con người không phải xấu hổ khi mình đang được hưởng hạnh phúc, nhưng họ sẽ phải xấu hổ khi chỉ biết giữ lấy hạnh phúc đó cho riêng mình.“

Tôi may mắn – có thể nói là một diễm phúc - lần đầu tiên được hội ngộ với Dr. Rupert Neudeck vào tháng 4 năm 1980, khi ông dẫn đầu phái đoàn của Ủy Ban Cap Anamur có ông Hans Voss (chủ tàu Cap Anamur - người đã hiến tặng tàu này để vớt thuyền nhân VN trong 3 năm mà không nhận tiền thuê mướn) và bà bác sĩ Bärbel Krumme, đến trại tỵ nạn Singapore thăm các thuyền nhân tỵ nạn VN được tàu Cap Anamur cứu vớt. Ông linh hoạt, nhanh nhẹn, áo chemise trắng, quần jean, vai đeo lủng lẳng túi xách màu xám lòng thòng dây nhợ từ cái máy thu băng và tươi cười hỏi thăm từng thuyền nhân ông gặp. Cái tên „Rupert Neudeck“ thật rất lạ và chẳng có ý nghĩa gì cho lắm đối với một thuyền nhân tỵ nạn vô danh vừa được tàu Cap Anamur cứu sống trước đó chỉ một tháng. Không thể ngờ rằng, từ hôm đó cho đến ngày ông lìa đời, tôi được theo chân ông và cùng với ủy ban Cap Anamur và Hội Mũ Xanh (cả hai đều do ông sáng lập), đã có những liên hệ mật thiết, từ các công tác thiện nguyện cứu người đến những sinh hoạt bình thường cá nhân, từ những chuyến công tác xa xôi đến những sợi dây vô hình gắn bó giữa hai gia đình thành một đại gia đình. 34 năm làm việc với gia đình ông, tôi đã học được rất nhiều điều cần phải học; 34 năm cùng chung niềm vui mỗi khi công tác hoàn thành như ý; 34 năm được ông hướng dẫn để vượt qua những khó khăn trong nhiều dự án….và 34 năm cũng là thời gian đủ để hiểu rõ con người ông, cá tính của ông và cả những ước vọng của ông.

Sống nhân đức, khổ hạnh, tự nghiêm khắc với mình, rất giản dị, hiền hoà và có đầu óc khôi hài dí dỏm, nhưng lại có những suy nghĩ táo bạo khác người, bướng bỉnh, nhiều khi độc đoán, thẳng thắn chỉ trích chống đối, lì lợm và liều mạng, dám nói dám làm những gì mà người khác chưa nghĩ đến hoặc không dám nghĩ đến: đó là 2 con người đối nghịch trong cùng một con người mang tên Rupert Neudeck, nhưng ông lại thành công trong hầu hết những công việc nhân đạo mà ông muốn thực hiện, khiến những kẻ chống đối đả kích ông trước đây, sau này đều phải cảm phục kính trọng ông.

Trong suốt quá trình cứu vớt thuyền nhân tỵ nạn VN từ năm 1979 đến năm 1988, Dr. Rupert Neudeck là người đứng mũi chịu sào trước những chống đối mãnh liệt của hầu hết các chính trị gia trong chính quyền Đức thời đó. Bây giờ, 37 năm đã trôi qua và Dr. Rupert Neudeck cũng không còn nữa, tôi xin kể vài câu chuyện rất ít người biết sau hơn 34 năm học hỏi theo gót chân ông, để tưởng nhớ đến ông và cũng để chúng ta thấy được con người của ông với những táo bạo liều lĩnh và tấm lòng nhân hậu của ông đối với các thuyền nhân tỵ nạn VN cũng như người tỵ nạn trên thế giới nói chung.

Thưở ban đầu, ít ai biết chuyện có nhiều phần tử cực đoan quá khích người Đức đã ném từng gói phân vào nhà ông như một hành động chống đối việc ông đang kêu gọi cứu vớt thuyền nhân VN. Ông không nản lòng và bà thì chỉ thấy tội nghệp cho họ, vì khi họ phải tự gói đóng những thứ này thì chính họ đã phải ngửi trước mùi vị của nó. Nhiều người gọi ông là „tên quái gở“ hay là „kẻ buôn người“.
Dr.Neudeck và tác giả trên Cap Anamur II năm 1986

Ông chỉ trích thẳng thừng chế độ quan liêu cứng ngắc của chính quyền Đức và sự thờ ơ của các chính trị gia Đức thời đó. Mặc dù là người tu xuất theo Dòng Tên (Jesuits), một tín đồ Công Giáo thuần thành, sau này ông vẫn phê bình cả Giáo Hội Công Giáo Đức là quá hoang phí tiền của để sửa sang nhà thờ, trưng bày hoa nến một cách xa hoa, hay chỉ biết ngày đêm cầu nguyện trong phòng kin mà không thực sự bằng hành động cứu giúp tha nhân đang khốn cùng chết chóc, nghèo đói vì chiến tranh hay thiên tai. Ông kêu gọi phải chấm dứt việc này vì theo ý ông, đó chính là Giáo Hội Công Giáo của ngày mai. 

Ông cũng không tán thành việc thu thuế nhà thờ từ các tín đồ Thiên Chúa Giáo mà ông cho rằng đó là một trong những nguyên nhân giới trẻ Đức bỏ đạo. Bù lại, ông vui mừng và hãnh diện là thuyền nhân tỵ nạn VN đã đóng góp cho Giáo Hội Công Giáo Đức hơn 10 vị Linh Mục và nhiều tu sĩ nam nữ, thí dụ chỉ trong một ghe tỵ nạn được cứu vớt vào đầu năm 1982 đã có đến 3 vị Linh Mục, 2 hiện ở Đức và 1 ở Úc. 

Ông còn can đảm công khai chỉ trích và lên án chính sách chà đạp nhân quyền của chính phủ Do Thái đối với người Palestine, một việc mà giới truyền thông Đức không bao giờ dám làm mà chỉ đưa tin và không bao giờ dám phê bình chỉ trích.

Hai lần con tàu Cap Anamur bắt buộc phải chấm dứt trở về cảng Hamburg là hai lần đã cứu vớt đủ số lượng thuyền nhân tỵ nạn VN đã được chính quyền Đức phê chuẩn chấp nhận vào định cư tại Đức. Ông đã liều mạng bất chấp luật lệ và hậu quả, ra lệnh cho chúng tôi mỗi lần trước khi trở về phải kéo dài thêm thời gian tìm cứu người vượt biển và cố gắng vớt thêm được càng nhiều càng tốt. Chính vì thế mà lần thứ nhất, tháng 5 năm 1982, chuyến cuối cùng của tàu Cap Anamur I đã mang theo 178 thuyền nhân tỵ nạn cập cảng Hamburg, trong khi con số được chấp thuận chỉ còn vỏn vẹn vài chục. Rồi đến tàu Cap Anamur II sau hơn 3 tháng hoạt động đã phải trở về Hamburg vào tháng 6 năm 1986 với 357 thuyền nhân, trong khi chỉ còn hơn 100 được chấp thuận trước đó. Ông đã mạo hiểm cố tình đẩy chính quyền Đức lúc bấy giờ vào thế tiến thoái lưỡng nan, bắt buộc phải nhận thêm số người thặng dư này vì cả hai con tàu đều mang quốc tịch Đức và cảng mẹ cũng tại Đức (theo luật tỵ nạn LHQ lúc bấy giờ). Cũng trong thời gian này, chính quyền Đức đã hai lần trao tặng ông Huân Chương Danh Dự (Bundesverdienstkreuz), loại huân chương cao quý nhất của Đức; Hai lần ông đều từ chối và sẵn sàng đổi 2 huy chương đó lấy 2 chuyến tàu tiếp tục đi vớt thuyền nhân tỵ nạn VN.

Năm 1987, nước Đức cương quyết không nhận thêm thuyền nhân VN nữa, ông hợp tác ngay với hội Y Sĩ Thế Giới của Pháp (Médecins du Monde) cho ra con tàu Cap Anamur III, mang quốc tịch Pháp, nước Pháp nhận hết thuyền nhân (905 người) và ủy ban Cap Anamur chịu tất cả mọi phí tổn. Khi các trại tỵ nạn đóng cửa không tiếp nhận thuyền nhân
Dr.Neudeck sinh hoạt văn nghệ với thuyền nhân trên tàu

cùng với chương trình thanh lọc và cưỡng bức hồi hương, thì năm 1989 ông lại âm thầm cho ra khơi liên tiếp 2 con tàu (tháng 6 Cap Anamur IV và tháng 10 Cap Anamur V) với hai mục đích là đánh đuổi bọn hải tặc Thái Lan và giúp đỡ hướng dẫn thuyền nhân VN cập đảo. Đây là một hành động đi ngược lại luật lệ, ngược lại chính sách của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ và các chinh quyền đang có trại tỵ nạn tại Đông Nam Á thời bấy giờ. Mỗi khi phát hiện được ghe vượt biển, chúng tôi đưa họ lên tàu, câu luôn cả chiếc ghe. Các thủy thủ có nhiệm vụ kiểm soát an toàn cho chiếc ghe hoặc sửa chữa máy nếu bị hư hại. Các nhân viên y tế khám sức khỏe, phát thuốc và chúng tôi phân phát lương thực cho mọi người. Tất cả đều được đựng trong những túi nylon hoặc chai bằng nhưa, không nhãn hiệu, không xuất xứ để tránh có thể bị phát hiện sau này. Thuyền trưởng có nhiệm vụ chọn ngày giờ tối đen nhất, không trăng sao, tắt tất cả đèn tàu trên boong, lái tàu tiến vào chỗ gần bờ nhất, rồi câu ghe xuống. Chúng tôi dùng đèn pin đưa từng người xuống ghe, giao tận tay anh tài công 1 búa tạ lớn và 1 súng bắn hỏa pháo, dặn dò khi vào đến bờ phải đập tan nát ghe và máy ghe, rồi bắn hỏa pháo để chúng tôi biết được họ đã an toàn cập bờ. Vừa nhìn thấy hỏa pháo, thuyền trưởng tức khắc cho tàu chạy ra xa, chờ khi trời vừa sáng lại tiến vào chạy ngay bờ quan sát. Không cần ống nhòm chúng tôi cũng thấy được chiếc ghe đen đậm màu vỡ nát trên bờ cát trắng với tiếng reo hò của những thuyền nhân trong trại thức sớm. Cứ thế, hơn một chục chiếc ghe cập bờ với hàng trăm thuyền nhân được bình an do quyết định âm thầm đầy táo bạo và liều lĩnh của Dr.Rupert Neudeck ! Chúng tôi âm thầm ra đi và yên lặng trở về, giới báo chí truyền thông cũng chẳng hay biết gì.

Phải nói rằng, nơi nào trên thế giới chiến tranh khốc liệt nhất, người dân bị đầy đọa khốn cùng nhất, nơi nào không ai dám đến nhưng cần phải được cứu giúp thì đều có mặt Dr. Rupert Neudeck, bất chấp hiểm nguy, bất chấp luật lệ. Vào cuối thập niên 80, Nga Sô xua quân xâm chiếm Afghanistan và tàn sát dã man, khiến hàng trăm ngàn người dân vô tội tỵ nạn phải trốn chạy vào các hang hóc trong những dẫy núi hiểm trở tránh bom đạn, không nước uống, không thực phẩm, không thuốc men….Năm 1986, ông đơn thân độc mã với bộ râu hàm, quấn khăn phủ 
Dr.Neudeck với kháng chiến quân Afghanistan năm 1986

đầu, cưỡi con lừa tả tơi không khác một tín đồ Hồi Giáo đi vào vùng kháng chiến quân Afghanistan (Mudschaheddin) chống quân xâm lăng Nga Sô gần biên giới Pakistan để quan sát và giúp đỡ thực phẩm thuốc men cho họ. Lần đó, đoàn của ông bị trực thăng Nga Sô phát hiện và bắn đuổi bằng súng máy và hỏa tiễn Ông phải trốn chạy hơn 30 tiếng đồng hồ mới thoát qua được biên giới Pakistan. Hai người trúng đạn và 1 con lừa bị đạn. Sau này ông kể lúc đó ông nghĩ mình sẽ không thoát khỏi cái chết nát thây, nhưng ông vững tin vào Thiên Chúa, nhớ về ba người con còn nhỏ dại và như một phép lạ, ông đã thoát chết trở về bình an.

Năm 1987 tại Uganda, nhà độc tài quân phiệt Milton Obote tàn sát tập thể dân chúng khiến họ phải chạy trốn đến biên giới Süd-Sudan, ông cũng có mặt tại đây và bị bọn lính chĩa súng bắt phải uống rượu trước khi chúng thả ông.

Năm 1988 khi đang cứu trợ dân tỵ nạn Eritrea thì hàng loạt máy bay Migs của quân đội Äthiopie thả bom xối xả. Ông theo đoàn tỵ nạn phải trốn lánh trong hầm sâu hàng giờ và ông thoát chết.
Dr.Neudeck in Syrien năm 2011

Năm 2001, khi nước Đức và nhiều quốc gia Âu Châu đang khủng hoảng vì bệnh dịch thịt bò (BSE), dân chúng sợ hãi căn bệnh chết người không dám ăn và hàng trăm ngàn con bò bị thiêu hủy không cần biết chúng có bị nhiễm hay không, trong khi người dân CS Bắc Hàn đang chết đói hàng loạt vì thiếu lương thực. Ông mướn ngay tàu chở theo hàng trăm con bò chưa/ không nhiễm bệnh từ Âu Châu cứu đói người dân CS Bắc Hàn. Cho đến nay, tôi cũng không biết làm cách nào ông được phép mua lại những con bò ấy, tại sao chính quyền Đức cấp giấy phép cho ông và lý do gì một quốc gia CS khắc nghiệt Bắc Hàn lại đồng ý cho một con tàu viện trợ từ một quốc gia Âu Châu cập cảng. Ông chỉ cười và nói rằng, đây là căn bệnh cố hữu của tư bản nhà giàu, họ luôn…sợ chết, mà dân Bắc Hàn có ai chết vì thịt bò ông cứu trợ đâu ?

Tháng 5 năm 2013 trong khi cứu trợ người tỵ nạn tại Syrien, 3 thành viên người Đức của ông trong tổ chức „Hội Mũ Xanh“ bị phiến quân bắt cóc. Ông không sợ hãi hay nản lòng, không yêu cầu chính phủ can thiệp, không thông tin với báo chí mà tự giải quyết với năng lực và sự khôn khéo của mình. Cuối cùng cả 3 thành viên đã tự giải thoát trở về sau gần 3 tháng bị cầm tù.

Những câu chuyện trên cho người ta thấy rõ được con người nhân đạo quyết liệt của Dr.Rupert Neudeck: cứu sống sinh mạng con người phải cấp tốc tức khắc, không chần chừ do dự, không sợ hãi, không ràng buộc luât lệ, không tính toán hơn thiệt, không câu nệ phương thức, không phân biệt màu da, không phân biệt chính kiến…vì theo ông, tất cả đều là con người, và mỗi người đều có trách nhiệm hỗ trợ và cứu giúp lẫn nhau để cùng chung sống an bình.

Người ta vẫn không giải thích được, từ đâu và tại sao, một con người mang tên Dr.Rupert Neudeck, với đôi mắt luôn luôn suy tư, mũi to sần sùi với bộ râu trắng phau quanh hàm, một con người làm việc không ngừng nghỉ bất chấp thời gian và không gian, một con người lặn lội khắp nơi, bất chấp khó khăn hiểm nghèo… lại là một con người có một cuộc sống khổ hạnh, gầy còm, da bọc xương nặng chưa đầy 50 ký, ăn mặc giản dị, luôn luôn với cái túi xách lòng thòng trên vai, nhưng lại làm được những việc mà ít ai có thể làm được. Nhiều người phỏng vấn ông, ông trả lời: "Nói thật lòng, đây là một câu hỏi duy nhất mà tôi không có câu trả lời.“ Nhiều nhà báo đã mô tả ông là „một cụ già trên 70 nhưng mang một thân xác của chàng thanh niên 18….gầy còm ốm đói“.

Tôi không tài nào quên được lần tháp tùng ông về Việt Nam sửa soạn cho hai dự án xây dựng nhân đạo tại Đồng Tháp Mười và U Minh (2006 và 2007) qua đóng góp tài chánh của cựu thuyền nhân VN tại Đức. Ông chọn hãng máy bay thật rẻ, giờ giấc bật tiện và phải chờ đổi chuyến bay rất lâu. Hành trình Frankfurt-Saigon kéo dài đến hai ngày trời vì phải chờ đổi chuyến bay tại xứ CS Bắc Hàn (Pjöngjang-Bình nhưỡng) 10 tiếng đồng

Dr.Neudeck thăm bệnh xá Tân Mỹ do Hội Mũ Xanh xây dựng

hồ, cộng thêm 3 tiếng vì thời tiết xấu. Ông an ủi tôi rằng ít nhất ông có thì giờ yên tĩnh để đọc và viết sách. Ông với tôi gật gù trên hàng ghế vắng tanh, thay phiên nhau canh chừng mấy túi xách tay trước những cặp mắt cú vọ của bọn an ninh Bắc Hàn làm tôi lo sợ không ít. Tôi mua cho ông 1 miếng bánh mì kẹp nhỏ hơn bàn tay và 1 ly cola khoảng 20 ml. Họ đòi 12 US cho miếng bánh mì kẹp và 8 US cho ly coca. Tôi hết hồn ! Ông vứt trả lại hết, miệng lẩm bẩm „Die Kommunisten ! Unglaublich ! „ (Bọn Cộng Sản ! Không thể tưởng tượng nổi !). Ông bỏ đi trước tiếng la hét chửi bới đòi tiền của tên đàn ông bán hàng. Ông mở túi khoe hai ổ bánh mì kẹp của vợ ông gói cho ông đi đường rồi ăn ngon lành. Chúng tôi đến Saigon khoảng 2 giờ sáng, phi trường vắng tanh. Chúng tôi về nhà của một cựu thuyền nhân Cap Anamur tên M., hiện đang làm thương mại tại đây và cũng là đại diện Hội Mũ Xanh tại VN. Bảy giờ sáng ông đã thức giấc đòi chở lên vùng cao nguyên lúc bấy giờ rất sôi động vì giáo dân Tin Lành nổi dậy chống đối sự đàn áp tôn giáo của chính quyền CS. Anh M. sửa soạn ăn sáng, nhưng ông nhất định lôi chiếc bánh mì kẹp còn lại trong túi xách ra ăn. Khi vừa mở bánh mì ra, tôi thấy có mấy …con gì đó lúc nhúc bên trong vì ông quên vẫn để trong túi xách hầm hơi nóng đã hơn 2 ngày. Ông bình thản nhặt từng con ra, rồi nói với chúng tôi rằng, nhiều người trên thế giới đang đói khát không có mà ăn, mình vứt ra rồi ăn có sao đâu, đừng hoang phí; hơn nữa đây là bánh mì mà bà Christel (vợ ông) đã làm cho ông.

Suốt quãng đường Saigon-Kontum-Gia Lai-Saigon ông không ăn, không uống, mà chỉ xem xét, hỏi han và ghi chép, đến nỗi anh tài xế vừa mệt vừa đói không muốn lái xe nữa. Tôi năn nỉ ông cho dừng lại một quán bên đường, ông vẫn ghi chép rồi chau mày hỏi tôi „Cậu cũng phải ăn hay sao ?“. Tất cả chúng tôi mệt lả người và đói khát trong khi ông vẫn…tỉnh bơ, âm thầm ghi chép làm việc. Chỉ 5 ngày ờ VN, ông đi từ vùng cao nguyên xuống tận U Minh qua Rạch Giá, Vũng Tàu và đến cả Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh. Ông muốn nhìn tật mắt những nơi thuyền nhân VN đóng ghe vượt biển năm xưa như Bến Đá, Rạch Dừa, bến Ninh Kiều Cần Thơ, Rạch Giá…Tiếc thay những nơi này không còn như xưa. Tôi chở ông bằng xe gắn máy đi thăm nhà thờ Đức Bà, Chùa Vĩnh Nghiêm…rồi ngồi ghế đẩu uống nước quán vỉa hè rất thoải mái. Đêm cuối cùng trước khi về lại Đức, anh M. có nhã ý mời ông dùng cơm tối trên một chuyến tàu lớn chạy vòng quanh trên sông Saigon. Ông đi với vẻ miễn cưỡng. Sau chuyến đi anh M. hỏi ông nghĩ sao, ông trả lời không nhân nhượng: „Uổng phí 3 tiếng đồng hồ làm việc, dùng số tiền ấy đi giúp người nghèo đói có phải tốt hơn không !“.

Năm 1986, gia đình ông nhận một chú bé thuyền nhân VN không cha mẹ thân nhân làm con nuôi. Ba năm sau thì được tin người cha ruột của chú bé này vừa được định cư tại Hoa Kỳ và có ý muốn nhận lại con. Ông muốn chính mình đưa chú bé giao tận tay cho gia đình (cha nuôi gặp cha ruột - như ông nói).Tôi liên lạc và thu xếp để ông đi. Người Việt tỵ nạn bên Hoa Kỳ muốn tiếp đón ông như
Dr.Neudeck in Somalia/Phi Châu

một đại ân nhân thật trang trọng. Cả một phái đoàn người Việt áo quần chỉnh tề với bó hoa thật đẹp. Máy bay đáp xuống, hành khách lần lượt bước ra gần hết nhưng vẫn không ai thấy ông đâu và ai cũng lo sợ nhầm chuyến bay hoặc khả dĩ liệu ông đổi ý vào giờ chót chăng. Bỗng có người thấy một ông già với bộ râu xồm xoàm, gầy đét, quần jean áo bỏ ngoài đang ngồi trong một góc vắng cười đùa nói chuyện với một chú bé VN. Có người đến hỏi ông, ông mỉm cười tự giới thiệu. Lúc đó cả phái đoàn giật mình, đồng loạt cởi bỏ áo vét và cravattes, ngượng ngùng trao ông bó hoa. Ông từ chối mọi phỏng vấn, từ chối mọi tiếp đón để trao tận tay cậu bé cho người cha ruột. Ông từ chối đến khách sạn đòi nghỉ đêm tại nhà cha ruột của cậu bé và trở về lại Đức ngay sáng hôm sau.

Năm 1987 sau khi con tàu Cap Anamur III về Pháp, nhiều đoàn thể tổ chức người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ (sau này là Úc và Canada), đã nhiều lần mời Dr.Rupert Neudeck và một số vị ân nhân khác của thuyền nhân tỵ nạn VN sang Hoa Kỳ để vinh danh, đồng thời quyên góp cho những công tác cứu người vượt biển của ủy ban Cap Anamur và tổ chức Medicins du Monde của Pháp do ông Bernard Kouchner và Alain Deloche lãnh đạo. Dr.Rupert Neudeck luôn luôn từ chối không tham dự mặc dù tôi cố gắng đốc thúc. Ông suy nghĩ khác, vì theo ông, vinh danh là thừa thãi vô ích, ông không thích được vinh danh và ông muốn tôi nói với người Việt bên Hoa Kỳ rằng, nước Mỹ phải có trách nhiệm với thuyền nhân VN và người Mỹ gốc Việt có dư thừa điều kiện và khả năng sao không vận động cho ra một con tàu như ông để tự cứu chính dân tộc mình !!!

Dr. Rupert Neudeck được rất nhiều đài truyền hình, đài phát thanh hay các tổ chức người Đức mời phỏng vấn hoặc diễn thuyết. Ông yêu cầu chuyển tất cả mọi thù lao vào trương mục của Cap Anamur hay Hôi Mũ Xanh.- Ông từ chối không nghỉ trong khách sạn 5 sao và cũng yêu
Dr.Neudeck tại khu vực người tỵ nạn Kurden

cầu chuyển chi phí khách sạn cho hai tổ chức của ông. Bất cứ đi đâu trong nước Đức ông đều đi xa lửa và có vẻ thích thú khoe với tôi rằng ông có vé xe lửa bớt 50% nên rẻ lắm. 

Mỗi lần có việc lên Hamburg hay vùng Bắc Đức ông đều nghỉ đêm trong nhà tôi. Ngại ông không hợp thức ăn VN, tôi mời ông đến nhà hàng. Không những ông từ chối mà còn không cho vợ tôi nấu nướng gì rồi tự xuống bếp, khi thì chọn hộp xúp gà với nui, khi thì ăn miếng bánh mì lát chấm với súp thịt hộp Gulasch và một ly nước suối, nói chuyện dăm câu rồi đi ngủ. Lần nào ông cũng thức giấc rất sớm, uống vội tách cà phê không đường, đem theo một chai nước suối nhỏ, ít lát bánh mì và một trái táo, đủ làm hành trang cho một ngày của ông. Tôi chở ông đến trạm xe lửa, khi thì đi Bá Linh, khi thì Stuttgart, München hoặc nơi nào đó vì ông liên tiếp có những cuộc hẹn quan trọng. Nhiều lần vào mùa đông, buổi sáng giá rét, ông mượn tôi chiếc áo len để mặc vì vội đi nên quên. Có lần trước khi chở ông đến đài truyền hình ARD, tôi chợt thấy ông choàng chiếc khăn quấn cổ màu xanh của hội đá banh FC Schalke 04. Ông giật mình cởi ra ngay rồi hỏi mượn tôi chiếc khăn khác. Ông bảo có một thanh niên Đức gần nhà ông biết ông là Fan của hội này nên mang đến tặng ông và khi đi ông vơ đại chiếc khăn đó choàng vào cổ. Tôi nghĩ đá banh là sở thích của ông, nhưng ông lại bảo, ông chưa từng đi xem đá banh, kể cả trên truyền hình. Tôi nghĩ sở thích của ông là…“làm việc nhân đạo, cứu giúp người tỵ nạn“.

Một lần khi sửa soạn tổ chức đại hội Cap Anamur tại Troisdorf, ông bảo tôi và một số anh em trong ban tổ chức ghé nhà ông nghỉ đêm. Vì mang sẵn túi ngủ nên chúng tôi xin ngủ trên sàn nhà trong phòng khách. Ông bà và con cái ngủ hết trên lầu. Đang đêm khuya có ai bật đèn, chúng tôi choàng dậy thấy ông mặc quần áo lót trắng cụt ngủn, tay ôm chiếc gối vuông, lum kum lần mò trong ánh sáng ngọn đèn mờ. Ông bảo ông đang tìm chỗ ngủ và nói chúng tôi xích gọn lại cho ông nằm chung, vì tối hôm ấy bà Neudeck cũng rủ một người bạn gái bác sĩ trong Cap Anamur về nhà. Ông bảo ông không thể nằm chung một phòng với cả hai người đàn bà. Trong khi chúng tôi thì thầm với nhau vừa buồn cười vừa thấy kính mến vô vàn một con người nổi tiếng được cả thế giới lại bình thường giản dị đến thế… thì ông đã ngáy khò khò ngủ say bên cạnh từ lúc nào. Chắc các anh em này vẫn không thể quên được đêm hôm ấy.

Cũng có lần tôi hướng dẫn một số anh chị em đến nhà ông để bàn họp. Vợ tôi vì đã quen nhà ông nên rủ vài chị đi pha cà phê và nước trà. Gia đình ông vẫn xử dụng bình pha cà phê thời thập niên 80, cái máy cũ rích kêu rồn rột như vòi nước bị nghẹt. Cả một ngăn tủ ly tách hiệu Ikea thì đủ màu, đủ kiểu, đủ cỡ không có cái nào giống cái nào, cứ như ngoài chợ trời. Một chị khệ nệ bưng khay cà phê vừa đi vừa nói tiếng Việt: „Quý vị coi chừng nhé, uống cà phê phải để ý coi chừng bị rách môi đó“ vì chị thấy nhiều ly tách bị mẻ miệng.

Tuy thế, ông rất vui tính và dí dỏm.
Một nhà báo Đức hỏi ông tại sao mỗi lần ông xuất hiện thì có hàng trăm người VN xếp hàng nối đuôi nhau muốn chụp ảnh với ông, ông trả lời: „Bạn không biết sao ? Tôi là người được chụp ảnh nhiều nhất nước Đức đến nỗi các ông bà chính trị gia phải phát ghen lên đấy!“.

Ông kể cho tôi rằng thuở ban đầu, ông có 2 người bạn chính trị gia kiên quyết ủng hộ ông, đó là ông Dr. Ernst Albrecht († thủ hiến tiểu bang Niedersachsen) và ông Johannes Rau († thủ hiến tiểu bang Nordrhein-Westfalen, sau này là tổng thống Đức) và hai chính trị gia chống đối ông mãnh liệt nhất là ông Franz Josef Strauß († thủ hiến tiểu bang Bayern và ông Holger Börner († thủ hiến tiểu bang Hessen). Ông dí dỏm đại ý rằng, cứ để 2 phe cấu xé nhau đi, mình ở giữa, làm… ngư ông hưởng lợi. Và „cái lợi“ đó chính là 11.300 thuyền nhân VN tỵ nạn đã được cứu sống – ông nói.

Khoảng 15 năm trước, trong một lần ghé thăm gia đình ông, bà Christel Neudeck bới trong đống cây cỏ héo ngoài góc vườn nhỏ chỉ cho chúng tôi một đầu người được đúc bằng đồng rất nặng. Một điêu khắc gia nổi tiếng tại Đức vì cảm phục và quý mến ông nên đã khắc và đúc tượng đầu của Dr.Rupert Neudeck và chính tay mang đến tặng gia đình ông bà và bà miễn cưỡng phải nhận. Bức tượng rất đẹp
Dr.Neudeck với chim hòa bình tại Afghanistan

và rất giống ông. Bà Neudeck cũng …dị đoan, thắc mắc nói với chúng tôi rằng, chồng bà vẫn còn sống, sao lại có người mang đến tặng như thế, nên bà đem ra dấu ở góc vườn dưới đám lá khô. Bà bảo chúng tôi mang về nhà và phải hứa khi hữu sự thì phải mang trả lại cho ông…Nhưng thật lòng chúng tôi không bao giờ muốn trả lại cho ông !

Cách đây vài năm ông bị mổ tim lần thứ nhất. Khi tỉnh dậy ông mới biết vị bác sĩ mổ tim cứu sống ông lại là một thuyền nhân VN được tàu Cap Anamur cứu sống gia đình anh, khi anh mới được 3 tuổi. Ông nắm tay vị bác sĩ này và nói : „Năm xưa tôi cứu sống anh và người VN, năm nay anh cứu sống tôi, như thế người Việt tỵ nạn và tôi huề với nhau, chúng ta không ai còn nợ nần ai nữa !“.

Ông nhiều lần kể cho tôi những chuyện thật hy hữu với khuôn mặt rạng rỡ thích thú rằng, một lần sau khi dự hội nghị về người tỵ nạn thế giới của Cao Ủy Liên HIệp Quốc (UNHCR) tại Hoa Thịnh Đốn, ông gọi một chiếc taxi. Anh tài xế vừa lái vừa ngoảnh cổ nhìn ông hỏi: „Ông có biết ông Neudeck ở bên Đức không?“, ông cười và trả lời „Ông ta là ai? Tôi không biết“. Anh taxi hơi ngượng nói lại: „Tôi nhìn ông sao giống ông Neudeck quá, ông ấy cứu vớt tôi từ ngoài biển đấy!“. Cả hai cùng cười…để rồi anh taxi nhất định không nhận tiền ông. Ông nói với tôi : „Thì ra cuốc xe này đáng giá cả một mạng người.“

Một lần khác trên phố Manhattan/New York khi ông đang lững thững đi bộ qua toà nhà World Trade Center (cũ), chợt có một chị từ trong tòa nhà bước ra ôm chầm lấy ông la lớn: „Ông là ông Neudeck-Cap Anamur phải không ? Tôi là Cap Anamur 6 đây, ông nhớ không ?“. Lại một anh khác chạy đến nắm tay ông nói :“Kính chào ông Neudeck, tôi Cap Anamur 12 đây“…. Ông chẳng hiểu Cap Anamur 6 hay Cap Anamur 12 là gì nhưng vẫn tươi cười trả lời: „Tôi nhớ chứ ! Tôi nhớ chứ !“…. Ông kể cho tôi rồi hỏi: „Không nhẽ tôi nổi tiếng đến thế sao ?“.

Tháng giêng năm 2014, một phụ nữ VN được chọn tham dự chương trình „Wer wird Millionär ?“ của Günther Jauch và thắng được 125.000 Euro. Cô tên là Đinh Quỳnh Anh Rohm, cô và gia đình được tàu Cap Anamur cứu sống năm 1982 khi cô mới 5 tuổi. Dr. Rupert Neudeck vui và hãnh diện lắm. Ông đến thăm vợ chồng cô và đích thân mời gia đình cô đến tham dự lễ kỷ niệm 35 năm con tàu Cap

Ông bà Neudeck và thủ tướng Đức Angela Merkel (2006)

Anamur ngày 09 tháng 8 năm 2014 tại cảng Hamburg. Ông bảo đó là chính là nguồn an ủi nhất của ông và gia đình khi ông đã khổ công tranh đấu đem những người tỵ nạn VN này vào nước Đức và ngày nay, họ là những „nhà vô địch thế giới về sự hội nhập“, thành công trên tất cả mọi lãnh vực trong xã hội Đức này.

Có lẽ trong thời gian cuối đời, niềm an ủi thảnh thơi nhất của ông là quây quần đùa nghịch với 5 đứa cháu nội ngoại. Ông không muốn bất cứ ai quấy rầy ông trong thời gian đàn cháu nội ngoại đến thăm ông. Tôi đã từng chứng kiến cảnh tượng một ông già gầy tong teo gập chân quỳ xuống bò rạp trên sàn làm con ngựa già để đứa cháu 3 tuổi cưỡi quanh nhà. Chính đứa cháu này đã muốn hóa phép cho ông sống lại nhưng không tìm được cây đũa thần – như bà Neudeck rưng rưng kể lại.

Ít người biết được là ông bà Dr.Rupert Neudeck có những liên hệ mật thiết với rất nhiều nhân vật quan trọng và chính trị gia nhiều quyền lực khi xưa và đương thời. Có ai biết rằng sau hai lần tái nhiệm chức vụ thủ tướng nước Đức (2009-2013 và 2013-2017), bà Angela Merkel đều mời ông bà Dr.Rupert Neudeck đến tư gia trò chuyện. Các vị cựu chủ tịch quốc hội Đức như bà Rita Süssmuth và ông Wolfgang Thierse, cựu Tổng Thống Đức ông Johannes Rau (†75), đương kim bộ trưởng tài chánh Đức ông Dr. Wolfgang Schäuble, cựu chủ tịch đảng SPD cũng là cựu phó thủ tướng Đức ông Franz Müntefering, cựu phó chủ tịch liên đảng CDU/CSU tại quốc hội Đức ông Arnold Vaatz, cựu giám đốc cơ quan tình báo và bộ trưởng ngoại giao Đức ông Klaus Kinkel… nhiều thống đốc tiểu bang hay cựu bộ trưởng liên bang Đức như ông Dr.Ernst Albrecht (†84), bà Sabine Leutheusse-Schnarrenberger, ông Gerhard Rudolf Baum, ôngDr.Norbert Blüm…. và rất nhiều vị khác kể không hết, trong đó phải nhắc đến bà Marion Gräfin Dönhoff (†93 sáng lập tuần báo Die Zeit) và ông Karl-Heinz Böhm (†86 tài tử điện ảnh Áo, với nhiều hoạt động nhân đạo tại Phi Châu). Tất cả đều là bạn bè thân hữu sát cánh bên ông. Ông coi cựu phó tổng thống Đức gốc Việt Philipp Rösler như một người con và rất thích thú khi ông này biết và hiểu rất rành mạch về thuyền nhân tỵ nạn VN. Ông Peter Scholl-Latour(†90,nhà báo nổi tiếng, trước đây ủng hộ việc gởi con tàu „Cap Anamur“ cứu vớt thuyền nhân VN của Dr. Rupert Neudeck, sau này lại hỗ trợ ông qua mục đích nhân đạo của „Hội Mũ Xanh“), hay ông Günter Grass (†88, văn hào với giải Nobel văn chương) cho đến khi qua đời vào tháng 4 năm 2015 cũng đều là bạn đồng hành với ông. Ngay đến ông Aiman A. Mazyek (chủ tịch hội đồng trung ương Muslime tại CHLB Đức) và ông Musa Ataman (chủ tịch cộng đồng Kurden tại Bonn) cũng đã từng cộng tác và ủng hộ ông.

Tôi hẹn gặp lại ông nhân dịp lễ trao giải „Erich Fromm Preis 2016“ ngày 06 tháng 4 năm 2016 tại Stuttgart. Đây là lần đầu tiên giải này được trao tặng cho một đôi vợ chồng là ông Rupert Neudeck và bà Christel Neudeck. Ai có ngờ đâu, đây là lần cuối cùng tôi gặp ông. Sức khỏe ông suy sụp thấy rõ. Trong phần diễn thuyết ngày hôm đó, tôi thấy ông ngập ngừng qua dấu hiệu quên 

trước quên sau. Ông mệt mỏi đi xuống và nói tôi lấy cho ông một ly nước suối. Bà Christel Neudeck thay ông trả lời phỏng vấn của giới truyền thông hoặc cám ơn quan khách đến chia vui cùng ông bà. Trước đó, ngày 30 tháng 01 năm 2016, ông tham dự ngày hội Tết Nguyên Đán Bính Thân của người Việt tỵ nạn tại Bielefeld. Ông cảm thấy mỏi mệt, tức ngực và khó thở nên đi ra khỏi phòng và yêu cầu tôi chở ông về, trong khi chương trình vẫn còn đang tiếp tục. Chính bà Christel Neudeck đã nhiều lần lo lắng và cảnh cáo ông, nhưng ông vẫn nói mình còn rất nhiều việc phải làm.
Nụ hôn khi nhận giải „Erich Fromm Preis“ tháng 4 năm 2016

Dr.Rupert Neudeck lần đầu tiên bị mổ tuyến tiền liệt (Prostata) khoảng 2 tuần trước lễ khánh thành bia ty nạn thuyền nhân VN ngày 28 tháng 4 năm 2007 tại Troisdorf, nơi gia đình ông cư trú. Ông gắng gượng lững thững một mình lái xe đạp đến tham dự và tuyên bố rằng: „Troisdorf chính là thủ đô của người Việt tỵ nạn tại Đức“.

Cũng hai tuần trước đại hội Công Giáo VN tại Đức kỳ thứ 40 tại Aschaffenburg từ 14 đến 16 tháng 5 năm 2016, ông phải nhập viện mổ tim lần thứ 3 chỉ trong vòng 4 năm sau này. Lần này ông không đến tham dự được và nằm hôn mê trên giường bệnh cho đến khi lìa đời lúc 8 giờ sáng ngày 31 tháng 5 năm 2016, hưởng thọ 77 tuổi (*1939-†2016). Có những lúc ngón tay ông đã cử động, cũng có những lúc ông đã mở mắt nhìn vợ và con cháu mình và gật đầu khi được hỏi ông có muốn nghe nhạc Mozart không. Những niềm hy vọng chợt lóe lên trong sự mong đợi khát khao của gia đình, nhưng ai ngờ đâu đó chỉ như ngọn nến chợt bừng sáng trước khi thật sự lịm tắt. Ông đã thật sự vĩnh viễn ra đi.

Lễ mai táng ông được tổ chức âm thầm và giản dị trong gia đình và thân hữu vỏn vẹn chưa đến 30 người vào ngày 08 tháng 6 năm 2016. Quan tài dành cho ông là 6 miếng ván gỗ thô, không sơn màu, không chạm trổ, không hoa không nến, nằm cô đơn dưới bậc thềm Cung Thánh trong ngôi nhà thờ nhỏ gần nhà ông. Con cái và thân nhân ông tự khiêng ông đến nơi an nghỉ cuối cùng trong một nghĩa địa nhỏ tại Troisdorf.

Người thân vĩnh biệt ông với từng nắm đất và những cánh hoa dại mọc bên đường. Giữ đúng lời hứa với bà Christel Neudeck trước kia, tôi kính cẩn đặt tượng đồng khắc đầu ông trên mộ. 


Nơi an nghỉ cuối cùng của một con người suốt đời xả thân cứu giúp đồng loại.

Một tuần sau, ngày 14 tháng 6 năm 2016, Toà Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Koeln và tang quyến tổ chức Thánh Lễ tưởng niệm ông tại Vương Cung Thánh Đường St.Aposteln do Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki chủ tế cùng với 12 Linh Mục Việt Nam (đa số đều được tàu Cap Anamur cứu sống trước đây). Gần 2.000 người tham dự, hầu hết là thuyền nhân Việt Nam đến từ các nơi trong nước Đức và các quốc gia lân cận.

Hầu hết các Chùa Việt Nam và các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trên toàn nước Đức đồng loạt tổ chức lễ tưởng niệm và cầu hồn cho ông như một nghĩa cử cám ơn và thương tiếc vị ân nhân đã cứu sống họ và gia đình.

Ngày 25 tháng 6 năm 2016, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức cũng tổ chức Thánh Lễ cầu nguyện cho linh hồn ông tại Thánh Đường St. Hippolitus trong thành phố Troisdorf, nơi gia đình ông cư ngụ, với 9 Linh mục Việt Nam và hơn 500 giáo dân.
Không những người Việt tỵ nạn thương tiếc ông mà người dân Đức cũng bày tỏ lòng quý mến một con người đã thay đổi được bộ mặt của nước Đức qua nhiều hành động khác nhau. Trên một chuyến xe lửa trong thành phố Koeln ngay trong ngày lễ tưởng niệm ông (14.6.2016) có người đã viết trên 1 toa xe dòng chữ „R.I.P. Rupert Neudeck“ (Rest In Peace - Rupert Neudeck – Yên Nghỉ Trong An Bình).

Một tấm hình khác xuất hiện trên Internet cho thấy hình con tàu nhân đạo Cap Anamur được xâm trên đùi một thanh niên Việt Nam như một ghi nhớ con tàu này đã cứu sống anh. 


Dr. Rupert Neudeck ra đi với nhiều ước mơ chưa trọn vẹn. Ông ước mơ một thế giới an bình không chết chóc chiến tranh. Ông ước mơ tiếp tục cứu giúp người tỵ nạn trên thế giới. Ông ước mơ ngày nào đó sẽ chạy Marathon trên suốt giải Gaza tại Palestine. Ông ước mơ đi trên chuyến xe lửa xuyên hết đất nước Sudan. Ông ước mơ học tiếng Việt và tiếng Á Rập và ông ước mơ mình sẽ sống tại Phi Châu trong những tháng năm cuối đời….

Kính thưa ông Dr.Rupert Neudeck,

cho dù bây giờ ông có thể sống tại Phi Châu hay Palestine, hay trên bất cứ đất nước nào như trong mơ ước của ông, nhưng có một điều chắc chắn rằng, ông vẫn còn sống mãi trong lòng những người tỵ nạn VN chúng tôi và tất cả mọi người trên thế giới.

Nguyễn Hữu Huấn
Để tưởng nhớ Dr.Rupert Neudeck

Hamburg, tháng 7 năm 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét