Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

DÒNG DÕI YÊU NƯỚC VÀ KÍNH SỢ THIÊN CHÚA



Nhân lễ giỗ ĐHY Nguyễn Văn Thuận: DÒNG DÕI YÊU NƯỚC VÀ KÍNH SỢ THIÊN CHÚA

Ngày 16.09.2015, chúng ta kỷ niệm 12 năm ngày Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vâng lịnh Thiên Chúa rời trần gian để về Nhà Cha hưởng vinh phúc. Ngày 05.07.2013, tiến trình phong Chân Phước cho Vị Tôi Tớ Chúa đã hoàn thành ở Tổng Giáo phận Rôma. Nhân dịp này, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức, được Hội đồng Công lý và Hòa bình mời tham dự lễ ‘Bế mạc phần điều tra tại Giáo phận’, đã bị công an sân bay Nội Bài, Hà nội chặn lại không cho xuất cảnh sang Bangkok (Thái lan) trên đường đi Rôma (Ý đại lợi). Ông Đức kể cho ông Mặc Lâm, phóng viên Đài Á châu Tự do RFA biết : « Khi làm ở Phòng Tôn giáo Bộ Công an, người ta có ‘đối sách’ về Đức Cha vì một tội rất to là cháu của Ngô Đình Diệm và sự về Sài gòn làm Phó Tổng Giám mục là để lót ổ lên Tổng Giám mục nên Người bị chuyển ra Bắc ». Tại sao, với hai ‘tội nặng’ này và bị giam giữ 13 năm, trong có những năm biệt giam, nhưng đảng cộng sản không dám đem Đức Cha ra tòa xét xử ?

I. GIÁO DÂN NGÔ ĐÌNH DIỆM.

A.- Công dân nổi tiếng là thông minh liêm khiết.

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa trường Hậu Bổ, tương đương Học viện Quốc gia Hành chánh, năm 1923, ông Ngô Đình Diệm, 22 tuổi, được bổ nhiệm làm Tri huyện Quảng điền, rồi Tri phủ Hải lăng và Tuần vũ tỉnh Bình thuận, Phan thiết lúc 29 tuổi. Năm 1932, Hoàng đế Bảo Đại chấp chính, thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng, đã mời ông Diệm, 31 tuổi, đảm nhận chức vụ Thượng thư Bộ Lại, đứng đầu Nội các, và kiêm nhiệm Tổng Thư ký Hội đồng Hỗn hợp Pháp-Việt ngày 02.05.1933. Ôâng đề nghị thi hành các kế hoạch canh tân xứ sở, thiết lập Viện Dân biểu (như Quốc hội) để thảo luận những vấn đề quốc sự. Các đề nghị không được Toàn quyền Pasquier chấp thuận, ngày 12.07.1933, ông Diệm đệ đơn lên Bảo Đại xin từ chức, làm chấn động Triều đình Huế và Chính phủ Pháp lúc đó.

Từ bỏ quan trường, ông Diệm lui về nhà làm dân thường, dạy học, nghiên cứu các sách vở và thường xuyên liên lạc với các nhà ái quốc chống Pháp, để mưu cầu dành Độc lập Tự do cho đất nước. Ông hấp thụ những đức tính cao đẹp và lòng yêu nước nồng nàn từ thân phụ và chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền giáo dục Nho giáo và Thiên Chúa giáo. Do đó, nếu Nho giáo đã hun đúc ông thành một công dân thanh liêm, tiết tháo và cương trực, thì nền giáo dục Kitô giáo đã đào tạo ông thành một tín hữu đầy lòng bác ái, vị tha và công chính.

Năm 1939, Toàn quyền Đông dương Jean Decoux ra lệnh cho Khâm sứ Trung kỳ Émille Grandjean, bắt ông Diệm đưa đi an trí tại Xieng khoang, Làoô. Nhưng nhờ có người mật báo để trốn đi Sài gòn lánh nạn. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, ông Diệm trở về Huế thăm mẹ, bị chúng chặn bắt tại Tuy hòa, giải ra Hà nội, rồi đi an trí tại Thái nguyên. Nhờ giới Công Giáo do Đức Cha Lê Hữu Từ phản đối buộc Hồ Chí Minh phải trả tự do cho ông Diệm. Sau đó, ông Hồ muốn lợi dụng uy tín của ông Diệm để lường gạt các nhà ái quốc khác không cộng sản hầu tiêu diệt các vị này bằng ông Diệm giữ chức Bộ trưởng Nội Vụ. Biết rõ ý đồ ông Hồ dâng Việt Nam cho Quốc tế Cộng sản, ông Diệm đòi hỏi phải biết chương trình hành động sự thật của chính phủ. Ông Hồ che dấu, ông Diệm từ chối. Nhân dịp này, ông Diệm can đảm hỏi về cái chết của anh mình là ông Ngô Đình Khôi, nhưng Hồ Chí Minh đổ tội cho đảng viên thuộc quyền.

Tháng 08.1950, ông Diệm, sau khi cùng anh là Đức Cha Ngô Đình Thục đến Vatican để nhận Ơn Toàn xá Năm Thánh và đến các quốc gia Tây Âu trước khi đến Hoa kỳ để tìm hiểu Tổ chức Công quyền thời hiện đại. Sau cùng, ông Diệm sống tại nước Bĩ, trong đan viện Saint–André de Bruges. Từ nơi này, ông được Quốc trưởng Bảo Đại mời đến gặp Nhà Vua ngày 18.06.1945 tại lâu đài Thorenc (Cannes, Pháp). Quốc trưởng đã thuật lại trong hồi ký ‘Le Dragon d’Annam’ (Con Rồng Việt Nam) :

« …Tôi cho vời Ngô Đình Diệm và bảo ông ta:

– Cứ mỗi khi tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ.

– Thưa Hoàng Thượng, không thể được ạ. Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…

– Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.

Sau một hồi yên lặng cuối cùng ông ta đáp:

– Thưa Hoàng Thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.

Cầm tay ông, tôi kéo sang phòng bên cạnh, nơi có cây thánh giá. Trước thánh giá, tôi bảo ông ta:

–Đây Chúa của ông đây, ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn Cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.

Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên Thánh giá, ông nói với giọng nghẹn ngào:

–Tôi xin thề ».

Trở về nước, ông Ngô Đình Diệm bắt tay ngay vào việc ‘làm chính trị’ bằng hành sử quyền Thủ tướng… Do đó, ông đã dành độc lập về mọi mặt cho Việt Nam. Giáo Hội Công Giáo khuyến khích giáo dân tham gia chính trị để góp phần xây dựng xã hội trên nguyên tắc công bằng, thương người và tôn trọng nhân phẩm. Để bài trừ các tệ đoan xã hội được bảo vệ bởi các nhóm võ trang có chi tiền cho Nhà Vua. Do đó, những chính khách, các lãnh đạo giáo phái và người dân ủng hộ ông Diệm qua cuộc Trương cầu dân ý ngày 23.10.1955 để tín nhiệm ông Diệm vào nhiệm vụ Tổng thống cùng công bố nền Cộng hòa cho Việt Nam ngày 26.10.1955 và Hiến Pháp được ban hành vào ngày 26.10.1956.

Trước những thành quả Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính phủ đạt được, các chính khách ‘salon’ đòi chia quyền. Vì họ không khả năng hay thiếu đạo đức, ông Diệm từ chối thì sang mét với Mỹ là ‘ông Diệm độc tài hay gia đình trị’… Gặp lúc Hoa kỳ cần bán súng đạn, nên đòi gởi quân tham chiến tại Việt Nam. Ông Diệm từ chối vì không muốn để đồng bào thấy lại hình ảnh lính viễn chinh Pháp, Tổ quốc mất độc lập, … Chúng tạo vụ ‘Đàn áp Phật giáo’ để thuê kẻ giết vị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa sáng 2.11.1963. Lúc 14 giờ cùng ngày, ông Hồ Chí Minh, nhận được điện tín loan báo ông Diệm đã chết, vui mừng hét lớn: « Bác cháu sẽ chiến thắng ». Sau đó, ông còn xác nhận : « Ông Ngô Đình Diệm là người yêu nước, theo kiểu của ông ta». Lịnh truyền được ‘Bác’ đưa ra nên ‘chúng cháu’ phải triệt để chống Dòng Dõi Yêu Nước Việt Nam, mà tuân theo Cộng sản quốc tế. Những đau khổ, chết chóc đã xảy ra sau đó đến ngày 30.04.1975 cho quốc gia và dân tộc Việt Nam đã được các cơ quan truyền thông đề cập.

B.- Cuộc tiếp đón và an cư lập nghiệp đồng bào di cư từ Bắc vào Nam.

Vừa nhậm chức Thủ tướng ngày 07.07.1954, ngày 20.07.1954, Hiệp định Geneva, ký giữa Pháp và Việt cộng, để chia Quê hương làm hai Miền đối nghịch nhau, ông Ngô Đình Diệm đã tổ chức, với sự trợ giúp của Hoa kỳ và Pháp, di chuyển, tiếp đón, tạm trú và an cư lập nghiệp cho hơn 800 ngàn đồng bào di cư từ Bắc vào Nam. Ngày 09.08.1954, Phủ Tổng ủy Di cư Tỵ nạn được thành lập để xúc tiến định cư. Thêm vào đó là Uỷ ban Hỗ trợ Định cư, một tổ chức cứu trợ do tư nhân giúp sức. Ông Diệm đặc biệt lưu ý giới sinh viên đại học, nên yêu cầu Bộ Tư lệnh Pháp dành 12 chuyến bay trong hai ngày 12 và 13/08 để đón khoảng 1200 sinh viên từ Bắc vào Nam, tức 2/3 số sinh viên lúc đó chọn di cư.

So với cuộc di cư của người Việt bỏ nước ra đi sau ngày 30.04.1975 mà giới quan sát ước đoán có đến 300 ngàn người chết trên biển và cuộc di cư đến các nước Liên hiệp Âu châu thì cuộc vận chuyển và định cư từ Bắc vào Nam năm 1954-1955 đã thành công mỹ mãn. Tại sao ? Đó là nhờ sự phù trợ của Thánh Odilon, Bổn mạng những người tị nạn, mà ông Ngô Đình Diệm đã chọn cho mình khi tuyên khấn trong bậc oblat tại đan viện dòng Biển Đức Saint–André de Bruges (Vương quốc Bỉ) ngày 01.01.1954. Ngoài ra, Thánh Odilon còn là vị Linh mục đã bắt đầu cử hành Thánh Lễ Cầu cho các Linh hồn ngày 2 tháng 11 mỗi năm và đó cũng chính là ngày ông Diệm qua đời năm 1963.

Ghi chú. Những phê bình khen hay chê ông Ngô Đình Diệm đầy dẫy trên ‘xa lộ thông tin’. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin tưởng vào những dòng chữ của cựu hoàng Bảo Đại, mất ngôi do Trưng cầu Dân ý ngày 23.10.1955, viết trong ‘Le Dragon d’Annam’ về ông Diệm ‘nổi tiếng là thông minh liêm khiết. Đây là một người quốc gia bảo thủ…’. Bàn về cái chết của ông Diệm, cựu hoàng Bảo Đại cho đây là ‘Chết khi thi hành công vụ’.

II./ Hồng Y TÔI TỚ CHÚA P.X. NGUYỄN VĂN THUẬN.

Ngày 24.04.1975, với khẩu hiệu ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ (Gaudium et Spes), tên Hiến chế Mục vụ Công Đồng Vatican II, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sàigòn với quyền kế vị. Ngày 08.05.1975, các Linh mục do Trương bá Cần và Huỳnh công Minh (đảng viên cộng sản) chỉ đạo gởi kiến nghị đến Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình bày tỏ mối lo ngại về việc thuyên chuyển Đức Cha về Sài Gòn trong tình thế hiện nay sẽ không thuận lợi cho Giáo Hội tại Việt Nam. Ngày 27.06.1975, tại Dinh Độc lập, Đức Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp Ủy ban Quân quản cùng các Linh mục và giáo dân tự nhận là ‘Công Giáo yêu nước’. Đối với Chính quyền Cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sài gòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Đế quốc. Để trả lời sự cáo buộc đó, Ngài chỉ xác nhận sự vâng lời của mình đối với Bài Sai của Đức Thánh Cha và bác bỏ lời cáo gian có âm mưu nói trên.

Chiều ngày 15.08.1975, Quân quản mở cuộc họp tại Nhà hát Thành phố để cáo buộc ‘sau lưng’ Đức Cha. Khoảng 350 Giáo sĩ, Tu sĩ được mời buộc phải nghe. Ủy ban vì ‘sợ’ muốn ngừa tránh mọi phản ứng của người dân đối với vụ bắt Ngài. Trước đó, Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình và Đức Cha Thuận được đưa đến Dinh Độc lập lúc 14 giờ. Tại đó, khi đi qua hành lang để đến phòng họp, Đức Cha Bình đi trước, Đức Cha Thuận đi sau. Lúc đó, một tên công an chận Đức Cha Thuận lại và nói: ‘Anh đi lối này’ và lôi Ngài đi mất luôn. Khoảng 30 phút sau, chỉ thấy tướng Trà nói chuyện vu vơ, Đức Cha Bình hỏi : - Thưa Thượng tướng, còn chuyện gì cần nữa không?

Tướng Trà trả lời:

- Thôi! Cụ ra về được rồi.
- Đức Cha phó của tôi đâu mời Ngài cùng về.

- Như cụ thấy, chế độ này là chế độ Cộng sản. Tên Thuận là dòng dõi Ngô Đình Diệm, chúng nó chống Cách mạng từ trong trứng chống ra, nên không thể để nó ở đây được.

Sau đó, Đức Cha Thuận bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm và cuộc phiêu lưu của Ngài bắt đầu… Trong cuộc hành trình, Ngài biết mình đang mất tất cả. Ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt, Đức Cha chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao lo âu ấy, Ngài vẫn thấy có một niềm vui lớn: ‘Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời...’ và Chúa yêu cầu Ngài hãy trở về với điều cốt yếu :

A. Linh mục nuôi Dân Chúa bằng Mình Thánh Đức Kitô.

Không cần một bài sai, nhưng vì hoàn cảnh tang thương của toàn dân Việt, Đức Cha trở thành Tuyên úy chăm sóc những đồng bào sa cơ thất thế, những người tù không bản án. Thánh chức Linh mục nhắc nhở Đức Cha ‘Dân Chúa cần được nuôi phần hồn bằng Mình Thánh Đức Kitô’. Nhưng làm sao để Thánh Thể hiện diện trong nhà tù?

Đức Cha đã kể cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và các Giáo sĩ và nhân viên Giáo triều Rôma nhân dịp giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000 :
« … Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết hết niềm vui lớn lao của tôi : mỗi ngày, với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ. Và đó cũng là bàn thờ, là nhà thờ chính tòa của tôi ! Đó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi : ‘thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sống trong Chúa Giêsu’, như Thánh Ignatio thành Antiokia đã nói. Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay và đóng đinh mình vào thập giá với Chúa Giêsu và cùng Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài với máu của tôi. Đó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi ! Sau đó, Mình Thánh được đụng trong những túi nhỏ làm bằng giấy nylon bọc bao thuốc hút, như thế Chúa Giêsu luôn ở giữa chúng tôi, một sức mạnh nuôi sống Dân Chúa: ‘Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào’ (Ga 10,10). Khi có buổi học tập, giờ xả hơi, các bạn Công Giáo thừa dịp đó mang các túi nylon đựng Mình Thánh đến chia cho bốn đội kia, mỗi người thay nhau mang trong túi áo một ngày… Những người tù biết có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở giữa trại tù với họ an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh thần, thêm can đảm chịu đựng cho họ. »

B. Chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa.

Đêm 01.12.1975, cùng với 1500 bạn tù đói, mệt, chán nản, bị còng tay hai người chung một khóa số 8, bước xuống gầm tàu ‘Hải Phòng’ đậu tại bến Tân cảng gần cầu Xa lộ, để chở ra trại cải tạo Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, trong thung lũng núi Tam Đảo, Đức Cha thuật lại :

Nỗi gian khổ của 9 năm biệt giam một mình với hai người gác, không bạn bè, không có việc làm, tôi ở trong một sự trống rỗng tuyệt đối, đến mức có thể điên đi được. Tôi đi lại suốt ngày trong buồng giam, để vận động cơ thể kẻo nằm luôn thì tôi sẽ chết vì thấp khớp, viêm phổi. Nhiều lúc một mình, tôi bị đau khổ giày vò, tại sao đang lúc mình 48 tuổi, trưởng thành và khỏe mạnh, sau tám năm Giám mục tôi đã có nhiều kinh nghiệm mục vụ, lại phải vào phòng biệt giam, xa giáo phận những 1700 km?

Một đêm thanh vắng, một tiếng từ đáy lòng nhắc nhở tôi: ‘Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo... tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần; Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!’. Tôi luôn học tập làm theo ý Chúa. Nhưng ánh sáng này mang lại cho tôi một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ của tôi, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi ‘một sự bình an mà thế gian không cho được’ ».

Nhân ngày giổ vị Hồng Y Tôi Tớ Chúa, chúng tôi vừa trình bày hai trường hợp những Kitô hữu đã hoàn thành nhiệm vụ đúng cấp bực mình trong Giáo Hội Công Giáo như Tin Mừng Chúa Giêsu dạy và đang được Đức Thánh Cha Phanxicô thuyết giảng qua Tông huấn ‘Niềm Vui Phúc Âm’. Nhiều người Công Giáo trong chúng ta, vì không biết hay vì quá biết mà cứ làm càng, ý nghĩa ‘làm chính trị’ để không hoàn thành nhiệm vụ ‘người Công Giáo tốt là người công dân tốt’.

Hà Minh Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét