Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc chân thành kính chúc Qúy Độc Giả an bình và hạnh phúc

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Hai Tổng Thống Công Giáo và việc leo thang chiến tranh Việt Nam

Tác giả: Vũ Văn An

Sáng sớm ngày 2 tháng Mười Một năm 1963, Tổng Thống Việt Nam lúc ấy, Ngô Đình Diệm và em trai ông, Nhu, vừa dự Thánh Lễ tại một nhà thờ ở ngoại ô Sài Gòn. Họ đã chạy tới đó vào tối hôm trước vì nghe tin có đảo chánh quân sự. Sau Thánh Lễ, hai anh em còn rán ở lại, thầm thĩ cầu nguyện rất sốt sắng. Đối với Ông Diệm, không có gì là bất thường trong việc này cả. Ông vẫn là người rước lễ hàng ngày hầu như suốt đời, và thói quen dự Thánh Lễ sáng sớm và cầu nguyện riêng đã trở thành một phần không thể thiếu của đời ông và quả tình của thời gian ông làm tổng thống. Tuy nhiên, buổi sáng hôm đó, có khác.
Chẳng bao lâu sau, vọng tới tiếng nhiều xe Jeep Mỹ và một chiếc xe bọc thép do binh sĩ Việt Nam không còn trung thành với vị nguyên thủ quốc gia lái. Họ thấy vị tổng thống của họ, cùng với em trai của ông, vẫn còn đang qùy trước ảnh Đức Mẹ. Cả hai người bị bắt và bị nhét vào phía sau chiếc xe bọc thép. Đứng chờ ở đấy là một người lính rút sẵn lưỡi lê cắt đứt túi mật của ông. Khi cuộc tra tấn này chấm dứt, hai anh em Ông đã bị bắn ngay tức khắc.

Tại sao tên tướng phản loạn lại muốn ông Diệm và ông Nhu, em trai và là cố vấn thân cận của ông, phải chết? Một trong các tướng lãnh sau này cho biết: “Họ phải bị giết. Không thể để Ông Diệm sống vì ông được đám dân cả tin ngây thơ ở miền quê kính trọng hết mực, nhất là những người Công Giáo và người di cư từ miền Bắc Việt Nam”. Hơn 10 năm sau, vị tổng thống gần sau chót của Nam Việt Nam, Ông Trần Văn Hương, đành phải thừa nhận khi xứ sở ông đang sắp sửa rơi vào tay Việt Cộng: “Các ông tướng biết rất rõ điều này: không tài cán, không đức hạnh, không được bất cứ sự ủng hộ chính trị nào, họ không thể ngăn cản việc trở lại ngoạn mục của ông Diệm” nếu còn để ông sống.


Một cuốn sách mới do Nhà Ignatius xuất bản tựa là The Lost Mandate Of Heaven: The American Betrayal of Ngo Dinh Diem, President of Vietnam (Mệnh Trời Đã Mất: Người Mỹ Phản Bội Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Việt Nam) của Geoffrey Shaw, đã khảo sát các biến cố trên đây, đặt việc ám sát gây ngỡ ngàng hai anh em Nhà Ngô Đình vào ngữ cảnh lịch sử của nó. Vai trò của chính sách ngoại giao Mỹ cũng được mổ xẻ trong tác phẩm này. Ngoài ra, và còn gây ngỡ ngàng hơn nữa, cuốn sách còn vạch trần việc đồng loã trong các vụ sát nhân này không hẳn của những nhóm bóng tối, làm việc bên ngoài quyền kiểm soát chính trị hợp pháp, mà là của chính Tổng Thống Hoa Kỳ, một người đồng đạo Công Giáo với Ông Diệm, Ông John Kennedy.

Từ Hà Nội ở Miền Bắc, lãnh tụ Cộng Sản Hồ Chí Minh cũng phải thốt lên khi nghe tin ám sát: “Tôi ít khi tin được rằng người Mỹ lại ngu đần đến thế”. Tuy nhiên, điều vừa diễn ra không hẳn chỉ là một sự ngu đần ngắn hạn vì những gì do các cuộc sát nhân này gây ra đã đem tới cho Việt Nam và các nước láng giềng Cambodia và Laos, có khi cả Hoa Kỳ nữa, một cơn ác mộng kéo dài mãi tới tận ngày nay.

The Lost Mandate of Heaven là một tác phẩm uyên bác đáng nể. Ông Shaw đã không còn ngõ ngách nào không đào xới để gom lại với nhau những ngày cuối cùng và cuộc phản bội Ông Diệm lần sau hết bởi các tướng lãnh Việt Nam và các cộng tác viên Hoa Kỳ của họ. Nếu muốn duy trì một cái nhìn nhân ái nào đó đối với chính sách ngoại giao Mỹ, có lẽ tốt nhất là đừng đọc thêm dòng nào cả. Tuy nhiên, đối với những ai không ngạc nhiên trước các mưu đồ chính trị dẫn tới việc sát hại một người công chính, thì trình thuật này chỉ có tác dụng củng cố niềm tin của họvào bản chất thế giới sa đọa này trong đó các nền chính trị hoàn cầu và quốc gia chỉ phản ảnh những gì có sẵn trong trái tim con người.

Sinh ngày 3 tháng 1, năm 1901, Ông Diệm được dưỡng dục trong đức tin Công Giáo. Ông xuất thân từ một gia đình và một hậu cảnh biết phối hợp đức tin Công Giáo cũng như học thuyết xã hội Công Giáo với các lý tưởng phục vụ công ích của Khổng Giáo. Điều này đã chứng minh được sự phối hợp đáng nể trong sự nghiệp chính trị của ông. Ông Diệm được coi là người lãnh “mệnh Trời” theo quan điểm Khổng Giáo, phối hợp được hai thẩm quyền luân lý và chính trị, như nhiều đồng bào của ông thừa nhận. Ngay từ đầu, ông đã là một nhà ái quốc nhất định không chịu làm bù nhìn cho cả thực dân Pháp lúc ấy cũng như Nhật Bản sau này. Sau khi giành được nền độc lập khó kiếm và chỉ bán phần cho quốc gia, vì Miền Bắc vẫn còn lệ thuộc ách Cộng Sản, Ông Diệm tự chứng tỏ ông là một nhà lãnh đạo mà lòng trung thành không hẳn là hướng về việc tự đề cao mình mà là đề cao quê hương. Ông phụng sự nhân dân Việt Nam, chứ không phải bất cứ phe nhóm nào trong đất nước này. Ông là bảo vật trong chính trị: một con người liêm chính.

Shaw cho rằng danh tiếng của ông được cả miền Bắc Cộng Sản lẫn miền Nam tự do kính nể. Ông cũng dấn thân đối với một Việt Nam tái thống nhất và thoát quyền can thiệp của ngoại bang y như người Mácxít Hồ Chí Minh. Năm 1945, Ông Diệm bị người Cộng Sản bắt và dẫn tới gặp lãnh tụ Cộng Sản. Hồ Chí Minh cố gắng thuyết phục người đối tác trong tương lai của mình ở miền Nam tin các phúc lợi của chủ nghĩa xã hội đối với mọi công dân, trong đó, có Ông Diệm. Luận điểm của Ông Minh lẽ dĩ nhiên là luận điểm Marx và Lenine. Ông Diệm trả lời bằng một nguồn sâu sắc hơn, tức đức tin Công Giáo. Khỏi cần phải nói, khi cuộc tranh luận kết thúc, trong khi Ông Diệm không bị lung lay bời luận điểm của Ông Minh, thì Ông Minh tỏ ra hết sức bỡ ngỡ. Cảm động vì sự liêm chính của người đối thoại, Ông Minh đã làm một điều hiếm hoi là để Ông Diệm trở lại miền Nam vô hại.

Từ tuổi trẻ, Ông Diệm vốn là người có đức tin sâu xa. Mỗi sáng, Ông đều thức dậy sớm để cầu nguyện và dự Thánh Lễ; sau này, dù đã làm tổng thống, và điều này làm một số quan sát viên Tây Phương khó hiểu, lối sống của ông vẫn rất thanh đạm và không phô trương. Thoạt đầu, giống như Thánh Thomas Moore, quan thầy các chính trị gia, Ông Diệm bị lôi cuốn bởi cuộc sống tu trì như một ơn gọi. Tuy nhiên, không hẳn là đường lối của các Tu Sĩ Dòng Thánh Bruno (Carthusian) lôi cuốn ông mà là Luật Dòng Thánh Bênêđíctô. Nhưng thực ra, ơn gọi của ông ở nơi khác. Tuy thế, ông vẫn thuộc Dòng Ba Bênêđíctô với một cuộc sống thế gian hàng ngày theo nhịp độ đơn tu; ‘nội vi’ (cloister) của ông phải là các hành lang quyền lực, ‘y phục’ của ông là y phục ‘liêm chính’ trong hồ nước thải chính trị, và sự ‘thinh lặng’ của ông là tiếng vang trận tiền từ cuộc nổi loạn xâm lấn của Cộng Sản.

Ông Shaw đánh tan một số huyền thoại về Ông Diệm. Nổi tiếng nhất là việc Ông bị coi là kỳ thị người Phật Giáo và bênh vực người cùng đạo với mình. Tác giả, tuy không phải là người Công Giáo, cho thấy rõ đây chỉ là lời tuyên truyền phần lớn, tuy không phải tất cả, do Cộng Sản xúi giục. Dù sao, như ta đang đọc, các tố cáo này hoàn toàn không phù hợp với cá tính của người xuất hiện trong các trang sách này. Có lẽ điều đáng lưu ý hơn nữa là trong khi các lời tố giác này được đưa ra, một số cơ sở truyền thông Tây Phương, nhất là của Pháp và Mỹ, vì nhiều động lực khác nhau, đã dàn dựng hẳn một chiến dịch nhằm loại trừ Tổng Thống Diệm. Chiến dịch này có tác dụng rõ rệt đối với cách người ngoại quốc nhìn Tổng Thống, nhất là Bộ Ngoại Giao Mỹ.

Trong nhiều năm, Ông Diệm cố gắng phản công, cả về quân sự lẫn chính trị, cuộc nổi loạn do Miền Bắc xúi giục; xét cho cùng Ông Diệm không phản bội nhân dân Miền Nam. Bất chấp quân đội nghĩ hay không nghĩ gì, họ cũng không thể làm được gì nếu không có sự ‘chúc lành’ của siêu cường đang kiểm soát chủ quyền của Nam Việt Nam trước sự gây hấn của Cộng Sản lúc ấy đang đe dọa toàn vùng Đông Nam Á. Qua năm 1963, Tổng Thống Kennedy càng ngày thấy ông càng bận bịu với Việt Nam. Như Shaw đã chứng minh, cố gắng vụng về thương thuyết với Cộng Sản để giải quyết vấn đề Lào khiến Tổng Thống Mỹ bị chỉ trích nặng nề. Ông xem ra yếu ớt, nên nhất định không như thế nữa, nhất là vì cuộc bầu tổng thống sắp diễn ra vào năm sau. Bất cứ điều gì cần thiết giúp ông được người ta coi là mạnh mẽ và do đó bảo đảm tái cử, thì cần phải làm, bất chấp cái giá phải trả.

The Lost Mandate of Heaven xây dựng được luận điểm đầy thuyết phục này là: chính phủ Kennedy không hẳn chỉ là một quan sát viên vô tư đối với nội tình chính trị Nam Việt Nam. Thực thế, Shaw đặt trách nhiệm thực sự của thảm họa sắp xẩy ra ở Phòng Bầu Dục.

Điều lý thú là Phó Tổng Thống Lyndon Johnson có ấn tượng rất lớn khi gặp gỡ ông Diệm. Bởi thế, điều thấm thía là lời trích dẫn sau đây do Shaw tìm được trong một đoạn băng năm 1966, ghi lại cuộc nói chuyện giữa Ông Johnson, lúc ấy là Tổng Thống, với Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthy về cái chết của Ông Diệm trước đó 3 năm: “[Chúng ta] đã giết ông ta. Chúng ta đã kết hợp với nhau và có được một lũ sát nhân trời đánh và chúng ta tiến vào, ám sát ông ta. Bây giờ, ta thực sự không có một chút ổn định chính trị nào từ đó”. Xét vì câu chuyện này diễn ra lúc chiến tranh tại Việt Nam đang leo thang đến cái mức vào năm 1963, không ai dám nghĩ tới, các nhận định này quả nói lên rất nhiều.

Cuối cùng, cuộc đảo chánh năm 1963 tiêu hủy bất cứ sự hòa hợp chính trị nào Nam Việt Nam từng biết đến. Các tướng lãnh âm mưu cuộc đảo chánh chẳng bao lâu sau đó trở thành bất hòa với nhau; máu lại chẩy thêm với những kẻ âm mưu sát hại lẫn nhau. Việc sát hại Ông Diệm đã xổ lồng thần ma quái khắp lãnh thổ; nỗi sợ sệt tồi tệ nhất của quốc gia chẳng bao lâu sẽ thành sự thực trong cuộc chiến tranh toàn diện sắp sửa bùng nổ. Và khi nó diễn ra, không những mạng sống người Việt, mà cả mạng sống người Mỹ, đều bị hy sinh trên bàn thờ cuộc chiến này.

Cựu Đại Sứ Mỹ tại Nam Việt Nam, Ông Frederick Nolting, một người bạn và là người ngưỡng mộ Ông Diệm, người bị mất chức đại sứ chỉ mấy tháng trước khi xẩy ra vụ ám sát, sau này cho hay:

“Có một số sự việc đáng lẽ ông nên làm, nhưng điều Kennedy quyết định làm là những phương cách tồi tệ nhất. Các hậu quả luân lý của cuộc đảo chính còn tệ hại hơn là các hậu quả thực tiễn. Ở đây, tôi không muốn đi vào diễn tiến sự việc vì tôi tin điều rõ ràng là sau cách mạng, sự việc đi từ tệ đến tệ hơn, bất chấp số quân ta đổ vào và bất chấp sự kiện này: chi phí gia tăng thật đáng ngại: 57,000 sinh mạng người Mỹ, 8 năm chia rẽ tại quê hương, các khoản nợ công gia tăng khủng khiếp, và lạm phát ảnh hưởng tới chúng ta suốt thập niên 1970. Các hành động của chính phủ Kennedy đã mở màn cho các thảm họa này”.

Ngày ấy, mồng 2 tháng Mười Một năm 1963, là ngày cuối cùng của Ông Diệm trên cõi đời này. Sáng sớm hôm ấy, sau khi bị lôi ra khỏi buổi cầu nguyện tại một nhà thờ Công Giáo, ông đã bị ám sát một cách dã man trong một chiếc xe quân đội chờ sẵn. Tuy nhiên, trước khi tháng Mười Một ấy kết thúc, một Tổng Thống khác, một tổng thống đang vận động để được tái cử vào chức vụ mầu mỡ này, cũng sẽ bị bắn gục khi chiếc xe chở ông đang lăn bán trên đường phố Dallas trong ánh nắng chiều thu. Cả hai cái chết chưa đến lúc này sẽ phủ một bóng đen dài và lâu trên quê hương liên hệ của họ, và mãi mãi để lại câu hỏi khó trả lời này: Điều gì sẽ xẩy ra nếu?

Tác giả: Vũ Văn An
Nguồn: Thanhlinh.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét