Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc chân thành kính chúc Qúy Độc Giả an bình và hạnh phúc

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Sự khác biệt giữa cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Đại tá Gadhafi.


Sau khi ông đại tá Gadhafi bị giết chết, cũng đúng vào lúc lễ Tưởng niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Một số người, dĩ nhiên đã từ lâu họ có chủ trương xuyên tạc, bôi bẩn Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thù ghét Công giáo, họ cho rằng "cái chết của hai ông lãnh tụ đều giống nhau". Giống nhau ở điểm hai vị "lãnh tụ đều tàn ác dã man, phải đền tội". Nhưng lập luận của họ đã có chủ trương nên khó lòng thuyết phục. Bài viết dưới đây không dành cho những người đó, mà chỉ muốn gởi đến độc giả hiểu biết để nhìn một sự thật không thể chối cãi.


Tổng Thống Ngô Đình Diệm sinh ngày 03 tháng 01 năm 1901 tại làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm 1918. Lúc mới 17 tuổi, ông đã được mời làm giáo sư Trường Quốc Tử Giám, một trường dành riêng cho con cháu các quan trong triều đình. Đến năm 1919 (18 tuổi), ông đủ tuổi để vào học trường Hậu Bổ, một trường tương tự như Học Viện Quốc Gia Hành Chánh sau này. Năm 1923, lúc 22 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Tri Huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, rồi Tri Phủ Hải Lăng tỉnh Quảng Trị.

Năm 1932, Hoàng Tử Vĩnh Thụy sau thời gian du học tại Pháp trở về nước, lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu Bảo Đại. Để thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng. Nhà vua đã mời ông Ngô Đình Diệm, đang làm Tuần Vũ tỉnh Phan Thiết, đảm nhận chức vụ Thượng Thư Bộ Lại, một chức vụ đứng đầu Nội Các, tương đương Thủ Tướng ngày nay. Lúc đó ông Diệm vừa tròn 33 tuổi.

Ngày 12 tháng 7 năm 1933, ông Diệm đệ đơn lên Hoàng Đế Bảo Đại xin từ chức. Sau này khi được Hoàng Đế Bảo Đại chấp thuận, ông Diệm về dạy học tại trường Providence Huế.

Tháng 8 năm 1950 ông Ngô Đình Diệm cùng người anh là Giám Mục Ngô Đình Thục rời Saigon đi La Mã dự lễ Năm Thánh. Trên đường đi ông Diệm ghé qua Đông Kinh, thủ đô Nhật Bản. Tại đây ông có tiếp xúc với một số người Mỹ, trong đó có Giáo sư Wesley Fishel. Ông Fishel khuyên ông Diệm nên sang thăm Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, ông Ngô Đình Diệm được gặp Đức Hồng Y Francis Spellman, Tổng Giám Mục Nữu Ước, vì Đức Hồng Y Francis Spellman là bạn thân của Giám mục Ngô Đình Thục từ lúc 2 người cùng học tại La Mã. Ông còn giao tiếp với một số nhân vật trong chính giới Mỹ như các ông Mike Mansfield, Clement J. Zablock, J. McCormack, Dân biểu Walter Judd, William Douglas...

Theo ông Robert Amory (phó giám đốc CIA) cho biết, ông đã từng nghe đến tên tuổi ông Diệm, qua thẩm phán Tối Cao Pháp Viện William Douglas trong một buổi tiệc. Sau đó, ông Diệm được Hoa Kỳ ủng hộ, khi ông về Việt Nam làm Thủ Tướng trong chính phủ Bảo Đại, sau Hiệp định Genève, rồi làm Tổng thống Đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam.

Tổng thống Ngô Đình Diệm trở về nước trong một tình huống rất khó khăn về mọi mặt. Sau khi VC và chính phủ Bảo Đại ký hiệp định Geneve 1954, tổng thống Diệm phải thừa hưởng một miền Nam đầy dẫy loạn lạc. Bảo Đại vẫn ngồi “hưởng thụ” bên Pháp, chính quyền của ông hầu hết là những đứa “con nuôi” của Tây để lại. Quân đội do Tây đào tạo nên tướng lãnh và binh sĩ thường được gọi là lính “khố xanh khố đỏ”. Tổng thống Ngô Đình Diệm phải làm lại từ bắt đầu.

Được sự giúp đỡ của Mỹ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bắt tay vào việc thành lập một nền Cộng Hòa mới mẻ từ một thể chế quân chủ đã ăn sâu vào lòng người dân miền Nam qua biết bao thế kỷ. TT Diệm phải đối đầu với đám tướng tá do Tây đào tạo, vì họ vẫn còn ý định tạo phản muốn lật đổ TT Diệm. Đúng như vậy, đám tướng lãnh “khố xanh khố đỏ” nầy thực hiện được giấc mơ có trả tiền 9 năm sau. Mặt khác, chính quyền phải đương dầu với những tổ chức, đoàn thể, giáo phái không chịu phục tòng TT Diệm. Nhóm Bình Xuyên do Bảy Viễn cầm đầu vẫn còn tung hoành và kiểm soát hầu hết Sàigòn. Mặt khác, những chính khách thân Pháp, liên lạc với Bảo Đại để thiết lập một chính phủ thân Pháp. Vì chính phủ không thân Pháp dưới sự lãnh đạo của TT Diệm thì Pháp sẽ mất hết quyền lợi trên đất nước Việt Nam. Bảo Đại vẫn còn tham vọng muốn trở về ngồi trên trên ngai vàng Hoàng Đế, mặc dù ông biết rằng bà Nam Phương Hoàng Hậu, vợ ông, đã nhiều lần dứt khoát nói với ông: “Nếu ngài trở về Việt Nam để sống một cuộc đời thứ dân thì thiếp sẽ về, nhưng ngài về để làm Hoàng Đế thì thiếp không về”. Cuối cùng, vượt qua mọi khó khăn, TT Ngô Đình Diệm cũng thành lập được một thể chế dân chủ, sau nầy chúng ta thường gọi là Việt Nam Cộng Hòa.

Thành quả thứ hai, TTNgô Đình Diệm đã có công mang được gần 1 triệu đồng bào miền Bắc và cực Bắc của miền Trung di chuyển vào Nam vì họ không muốn sống dưới chế độ cộng sản. Ổn định gần một triệu dân trong tình thế chính quyền rất bấp bênh, chưa nói tới sự kỳ thị Bắc Nam có thể xảy ra. Một triệu dân được trải dài từ Đông Hà đến mũi Cà Mâu, qủa thật là một gánh nặng cho TT Diệm lúc bấy giờ. Nhưng TT Diệm đã ổn định để họ thích hợp cuộc sống mới tại miền Nam nhanh chóng và mang tới cho họ một cuộc sống rất yên vui, khi rời bỏ quê cha đất tổ nhưng trong tay không còn một vật gì ngoài bộ áo quần để che nắng che mưa.

Đối với quân đội, tiếp nhận từ tay quân đội Pháp trao lại, họ lại được đào tạo từ người Pháp, TT Ngô Đình Diệm bắt tay ngay vào việc chuyển hóa đoàn quân ô hợp nầy để trở thành một quân lực hùng mạnh đứng 5 thế giới và đứng hàng đầu vùng Đông Nam Á thời đó. Ông cho thành lập những Quân trường để đào tạo cấp chỉ huy trẻ, có học và sau nầy trở thành những tướng lãnh trong quân lực. Những binh chủng cũng được thành hình. Sau nầy từ danh xưng Quân Đội Việt Nam xập xệ đầy vẻ lệ thuộc thực dân Pháp đã trở thành tên mới: Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Sau cùng, không ai có thể phủ nhận suốt thời gian cầm quyền 9 năm (1954-1963), người dân miền Nam được sống trong một không khí rất thanh bình. Quân đội hùng mạnh, kinh tế phát triển, giáo dục được nâng lên tiêu chuẩn hàng đầu, các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành.. nơi nào cũng thấy nhà thờ, chùa chiền mọc lên khắp nơi. Những sinh hoạt tôn giáo rất hài hòa, không có chuyện kỳ thị, giáo dân và tín đồ chung sống thân ái và họ rất trân qúy nhau. Chính quyền được thế giới kính nễ từ vị lãnh đạo xuống đến hàng bộ trưởng, tướng lãnh. Đây là điểm thấy rõ nhất sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chính quyền do các tướng lãnh phản loạn điều hành tệ hại và bết bát đến độ tổng thống Johnson Mỹ phải la lên: đây là “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” (bunch of goddamn thugs).

Bây giờ chúng ta nhìn qua về đại tá Gadhafi từ khi ông bắt đầu lãnh đạo đất nước suốt 41 năm cho đến khi ông bị lật đổ và bị giết chết.

Sau khi lật đổ vua Libya năm 1969, Gadhafi tự phong mình lên làm vua của đất nước Libya. Ông được xem là một lãnh tụ Hồi giáo cực đoan. Từ năm 1972, Gadhafi không còn giữ chức vụ thủ tướng nhưng tự cho mình là “Người hướng dẫn cuộc cách mạng vĩ đại tháng 9 đầu tiên của đại quốc dân xã hội chủ nghĩa Ả rập Libya”. Ông vẫn thích giữ chức tước đại tá không thay đổi, tuy nhiên một vài quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn gọi ông là tổng thống Gahdafi.

Sau cái chết của Omar Bongo của Gabon ngày 6 năm 2009, ông trở thành nhà lãnh đạo lâu đời hàng thứ ba trên thế giới (không tính các vua chúa của vương quốc Ả Rập). Người lãnh đạo Libya có thời gian lâu dài kế ông là Ali Pasha Al Karamanli (1754-1795).

Lúc thiếu thời, ông là con út của một gia đình nông dân. Lớn lên, ông tiếp thu một nền giáo dục tôn giáo truyền thống, theo học ở trường Sebha từ năm 1956-1961. Lúc còn ở trong trường, ông kết hợp với một số bạn bè tính chuyện làm cách mạng để lãnh đạo đất nước. Đây là cảm hứng khơi nguồn cho ông từ tổng thống láng giềng Ai Cập Gamal Abdel Nasser.

Gahdafi vào Viện hàn lâm ở Benghazi năm 1963, nơi đây ông thành lập một nhóm bí mật để định lật đổ chế độ quân chủ ở Libya có khuynh hướng thân Tây phương. Ngày 1 tháng 9 năm 1969, ông thành công trong kế hoạch lật đổ Vua Idris I, lúc đó Gadhafi mới 27 tuổi. Đẹp trai, mộng lớn, ông hủy bỏ chế độ quân chủ và tuyên bố thành lập cộng Hòa Libya Ả Rập mới. Ông có tinh thần chống Tây phương rất cực đoan. Cho nên bất cứ những ai chống Tây phương đều được ông cấp vũ khí. Hành động chống Tây phương đầu tiên là ông ra lệnh dân Ý phải rời khỏi Lybia ngay sau khi ông lên nắm quyền.

Năm 1977, ông tuyên bố thay đổi chính phủ từ cộng hòa sang một chế độ mới Jamahiriya, có nghĩa “chính phủ của nhân dân”, giống như mỹ ngữ “xã hội chủ nghĩa Hồi giáo”. Tuy nhiên trên nguyên tắc, ông không giữ chức vụ nào quan trọng, chỉ là một tổng thư ký, nhưng nhân dân phải hiểu rằng mọi quyền lực quốc gia đều tập trung vào tay Gahdafi và nhóm thân tín của ông.

Ông có một chính sách cai trị tàn ác và rất dã man. Dùng bạo lực để khống chế đối lập. Thành lập những đội quân ám sát trong cũng như ngoài nước, giết hết những kẻ bất đồng chính kiến. Ông ra hạn cho những người không theo ông phải trở về trước ngày 11 tháng 6 năm 1980 hay là bị tàn sát.

Mục tiêu của chính phủ ông là ủng hộ các phong trào giải phóng nổi loạn ở Tây phi. Chế độ nầy hỗ trợ cho các âm mưu phá hoại, khủng bố tại các quốc gia Ả Rập hoặc không Ả Rập. Cung cấp tài chánh cho Phong trào tháng 9 đen, gây ra vụ thảm sát thế vận hội Munich. Ông còn chi tiền cho bọn Carlos the Jackal để bắt cóc bộ trưởng dầu khí Ả Rập. Ông ủng hộ nhóm Palestine, mặt trận Polisario trong cuộc chiến chống thực dân Tay Ban Nha. Vào thời kỳ tổng thống Ronald Reagan, có nhiều cuộc xung đột về quân sự với Gadhafi vì ông ta đã gây nhiều thiệt hại cho phía Hoa Kỳ bằng quân sự. Tổng thống Reagan đã cấm vận Lybia sau vụ ông ta từ chối dẫn độ hai công dân Lybia đánh bom trên chiếc 747, giết chết 270 người, đa số là công dân Mỹ.

Sau những năm tháng dài lãnh đạo sắt máu, đường lối tôn giáo Hồi giáo cực đoan, bỗng dưng Kadhafi thay đổi để trở thành một quốc gia thân thiết với Tây phương. Lybia tuyên bố chống Al-Qaeda, cho phép hội đồng giám sát vũ khí đến Libya để thanh tra vũ khí, trao trả những tên khủng bố đánh bom. Kadhafi cho phóng viên ABC George Atephanopoulos phỏng vấn. Đây là một biệt lệ chưa bao giờ xảy ra trước đây. Kadhafi thân thiết thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Libya ký kết chương trình phát triển năng lượng hạt nhân với Pháp. Thủ tướng Anh Tony Blair đến Lybia và gặp gỡ thân mật Kadhafi và ca ngợi ông ta là một đồng minh trong cuộc chống khủng bố. Hoa Kỳ có bà ngoại trưởng đến Lybia gặp gỡ Kahdafi. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thông báo sẽ tái lập quan hệ ngoại giao bình thường với Lybia.

Sư xoay chiều của Kadhafi là điều tất nhiên, vì ông ta biết rằng tiếp tục lãnh đạo đất nước theo đường lối đó, ông ta sẽ bị lật đổ. Nhưng đã qúa muốn.

Chúng ta không thể so sánh sự độc tài tàn ác của Gadhafi với "độc tài" của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Lối độc tài của Gadhafi là để bảo vệ quyền lực hòng thu tóm hết quốc gia trong tay ông ta để lãnh đạo đất nước suốt đời. Những dã man giết chết thành phần đối lập không chỉ ở trong nước mà kể cả những chính khách sống lưu vong. Kadhafi cũng không ngần ngại gieo rắc tang thương, khủng bố, ám sát với những quốc gia không ủng hộ ông. Chỉ riêng nước Mỹ, Kadhafi đã tấn công ba lần, làm thiệt mạng hầu hết là công dân Mỹ: như vụ đánh bom Lockerbie, đánh bom vũ trường Berlin, đặt bom chuyến bay 772 UTA. Tổng thống Ngô Đình Diệm không ai phủ nhận là không "độc tài". Nhưng với một đất nước vừa tiếp nhận từ một chế độ quân chủ ảnh hưởng in sâu đầu óc thuộc địa, gặp muôn vàn khó khăn; nếu ông Diệm không độc tài thì nền Cộng Hòa mới mẻ của miền Nam chắc chắn không còn tồn tại. Ông Ngô Đình Diệm "độc tài" để bảo vệ chủ quyền và chính thể của đất nước, nhưng Gadhafi độc tài để thu trọn quyền lực trong tay, củng cố lối cai trị hà khắc để bảo vệ chiếc ghế lãnh tụ suốt đời của ông ta.

Về vấn đề tôn giáo. Gadhafi muốn thành lập một quốc gia Hồi giáo dưới danh nghĩa “Chủ nghĩa xã hội Hồi Giáo”. Ông áp đặt một hệ thống của đạo Hồi lên toàn lãnh thổ, xem Hồi giáo như một quốc giáo. Có những việc làm rất ngu xuẫn của ông là muốn cải đạo 500 cô gái xinh đẹp người Ý trở thành những tín đồ Hồi giáo. Những công dân Libya nào phạm tới luật Hồi giáo là coi như cuộc đời bế mạc. Dưới nền Đệ nhất Cộng Hòa, chuyện TT Ngô Đình Diệm có "đàn áp Phật giáo" hay không, chúng tôi không cần thiết phải nhắc lại ở đây. Nhưng TT Ngô Đình Diệm qủa thực chưa đủ khôn ngoan để tránh được mưu đồ muốn “thay ngựa giữa đường” của người Mỹ. Ông Ngô Đình Diệm cũng không ngờ những kẻ phản phúc lại chính là những người ông đặt hết tin tưởng.

Đề tài “gia đình trị” dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã được những người chống đối ông khai thác triệt để. Trong suốt 9 năm cầm quyền, TT Ngô Đình Diệm sắp đặt bào đệ Ngô Đình Nhu làm cố vấn. Đây là chuyện bình thường. Một con người có trình độ hiểu biết về chính trị như ông Nhu, chúng tôi nghĩ nếu có một chính quyền nào không phải là ông Ngô Đình Diệm, cũng cần có những cố vấn chính trị như ông Nhu; ngoại trừ những chính quyền tay sai và dốt nát về chính trị, họ mới không cần tới ông Nhu, và ông Nhu cũng chẳng thèm đi làm cố vấn cho cái loại chính quyền ngu dốt đó. Ở miền Trung, ông Cẩn được đặt trong vai vế cố vấn miền Trung. Chức vụ của ông Cẩn thực chất không liên quan gì tới đường lối của đất nước. Đây chỉ là chức vụ “hữu danh vô thực”, công việc chính của ông Cẩn phải là chuyện lo lắng săn sóc cho thân mẫu, trong lúc hai ông anh phải bận rộn công việc của đất nước. Ông Ngô Đình Luyện làm đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Thịnh Đốn. Giám Mục Ngô Đình Thục là ông anh cả. Chúng tôi không phủ nhận Giám mục Thục có những lúc đi qúa xa bổn phận lo phục vụ cho giáo hội. Ông đôi khi “xía” vào chuyện đất nước của hai ông em. Thêm vào đó, hai người em lại có một sự kính trọng, hầu như là “tuân phục” thái qúa, để mang lại tiếng tăm không tốt cho việc lãnh đạo của TT Ngô Đình Diệm. Bà Trần Thị Lệ Xuân, cô em dâu của Tổng Thống. Một nhân vật nổi tiếng đã phát biểu: dưới thời lịch sử cận đại Việt Nam, hai người đàn bà sĩ khí mà không có người thứ ba là bà Phương Nam Hoàng Hậu (Nguyễn Hữu Thị Lan) và bà Ngô Đình Nhu (Trần Thị Lệ Xuân). Có thể lời nói nầy không sai. Bà Nhu cũng chỉ là một dân biểu do dân bầu. Ngoài ra bà còn là chủ tịch của Hội Phụ Nữ Liên Đới thời bấy giờ. Mặc dù chức vụ không lớn, nhưng qủa thực bà có liên hệ mật thiết nhiều vấn đề về quốc sự. Nhưng những liên hệ của bà bị tai tiếng cũng chỉ vì sự ngay thẳng và sĩ khí của bà. Cuộc sống của bà sau khi nền Đệ nhất Cộng Hòa bị lật đổ, đã nói lên sĩ khí đó. Nói chung Tổng Thống Ngô Đình Diệm chỉ có xử dụng một mình ông Ngô Đình Nhu cho việc cai trị đất nước. Ông xử dụng ông Nhu không phải vì ông Nhu là bào đệ, nhưng vì ông Nhu là một nhân tài để đương đầu với cộng sản miền Bắc thời đó. Vậy thì chuyện “gia đình trị” dưới thời đệ nhất Cộng Hòa không đứng vững.

Ông Kadhafi có gia đình trị không? Trên thực tế, gia đình Gadhafi, nhất là những đứa con của ông, không nắm giữ những chức vụ lớn trong chính quyền, vì đã có những cận thần ông tin tưởng và chuyên nghiệp đảm trách. Các đứa con thường giữ chức vụ nặng về kinh tài tiền bạc cho gia đình ông hơn.

Gaddafi có tám con, bảy người trong số đó là con trai. Con trai lớn nhất của ông, Muhammad-al-Gaddafi, người điều hành Uỷ ban Olympic Libya. Con thứ hai với bà vợ thứ hai là Saif al-Islam Muammar Al-Gaddafi, sinh năm 1972 và là một kiến trúc sư. Ông lãnh đạo một cơ sở từ thiện (GIFCA) đã tham gia vào cuộc đàm phán trả tự do cho các con tin bị các chiến binh Hồi giáo. Năm 2006, sau khi chỉ trích mạnh mẽ chế độ của cha mình, Saif Al Islam đã rời Libya một thời gian ngắn, được cho là để giữ một chức vụ trong lĩnh vực ngân hàng bên ngoài đất nước. Ông quay trở lại Libya ngay sau đó, ông đã tham gia vào các cuộc đàm phán bồi thường với Italia và Hoa Kỳ. Người con thứ ba, Saadi Gaddafi điều hành Liên đoàn Bóng đá Libya và đã ký hợp đồng với nhiều đội bóng chuyên nghiệp gồm cả đội bóng thuộc Serie A Italia U.C. Sampdoria, dù không xuất hiện trong các trận đấu. Người con thứ tư của Gaddafi, Moatessem-Billah Gaddafi, là một trung tá trong quân đội Libya. Ông đã bỏ trốn tới Ai Cập sau khi bị cho là chỉ huy một âm mưu được Ai Cập hỗ trợ để thực hiện đảo chính chống lại cha mình. Gaddafi đã tha thứ cho Moatessem và ông đã quay trở lại Libya và hiện giữ chức cố vấn an ninh quốc gia và lãnh đạo đơn vị của riêng mình bên trong quân đội. Saif Al Islam và Moatessem-Billah đều được coi là người có khả năng lên kế vị cha. Người con thứ năm, Motassim Bilal (Hannibal) Gaddafi, từng làm việc cho General National Maritime Transport Company, một công ty chuyên về xuất khẩu dầu mỏ của Libya. Ông nổi tiếng nhất vì liên quan tới một loạt các vụ việc bạo lực ở khắp châu Âu. Hai con trai nhỏ nhất của Gaddafi là Saif Al Arab và Khamis, là một sĩ quan cảnh sát tại Libya. Con gái duy nhất của Gaddafi là Ayesha al-Gaddafi, một luật sư và đã tham gia vào đội luật sư bàu chữa cho cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein. Bà lấy một người cháu họ của cha năm 2006. Gaddafi có một người con gái nuôi, Hanna, bị giết hại trong vụ Hoa Kỳ ném bom Libya năm 1986.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận Gadhafi không muốn giao những chức vụ quan trọng về chính trị cho các con ông. Lý do không phải vì ông không muốn, nhưng hầu hết trong bọn chúng đều thuộc loại “con nhà giàu” chỉ biết ăn chơi. Chúng đã gây ra rất nhiều vụ tai tiếng khắp Âu châu. Có thể chúng học bản tính của ông. Ông có riêng một đội quân cận vệ nữ gồm 40 mỹ nhân luôn ở bên cạnh ông. Tiếc thay trong giờ phút lâm chung, 40 mỹ nhân nầy biến mất không ai biết ở đâu, chỉ còn lại đám cận vệ nam chết chum với ông.

Về tài sản, Tổng thống Ngô Đình Diệm chẳng có gì để bàn tới. Nhưng sau khi ông bị lật đổ, đám tướng lãnh ngu dốt đảo chánh đã tung tin để gây sự căm phẩn trong quần chúng . Đây là một trò rất hèn của “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” (bunch of god damn thugs). Những luận điệu nầy cứ được bọn Lê Xuân Nhuận, Sáu Góp Gió, Nguyễn Mạnh Quang, Trần Quang Diệu nhai đi nhai lại hoài mỗi khi lễ giổ tổng thống Diệm đến. Nhưng tài sản của Kadhafi thì vô số kể. Vì là một đất nước có số lượng dầu hỏa to lớn trên thế giới, ông lại cầm quyền tới 41 năm, nên tài sản của ông vô kể là chuyện không đáng làm ngạc nhiên. Theo tờ Los Angèles Times, tài sản Gadhafi, các nguồn lợi của ông đều ẩn dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền mặt, trái phiếu, cổ phiếu, tài khoản ngân hàng, bất động sản, chứng chỉ ở các qũy đầu tư.. Các giới chức trong chính phủ ông ước tính số tiền nầy lên tới 200 tỷ USA. Tuy nhiên, phần lớn trong số tiền nầy không thuộc của gia đình Kadhafi nhưng là tài sản đầu tư của quốc gia. Hầu hết nay đã bị phong tỏa.

Với lợi tức hàng năm lên tới 32 tỷ USD cho một đất nước dân số chỉ có 6 triệu người, Kadhafi tương đối cũng mang lại cho đất nước ông một điều đáng khen, nhất là về lãnh vực giáo dục và y tế. Nạn thất học giảm và biết chữ tăng từ 10% lên 90%. Mặc dù một nước giàu nhưng dân lại chết sớm; tuổi thọ chỉ từ 57 lên 77 tuổi. Để chứng tỏ con người Kadhafi quyền lực và giàu có như thế nào, ông không ngần ngại tuyên bố: “Vua của các ông vua. Lãnh đạo của các lãnh đạo Ả Rập và lãnh tụ của người Hồi giáo”.

Nhận xét về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và đại tá Gadhafi của một số người thù hận TT Ngô Đình Diệm, qủa thật là bất công.

Ông Kadhafi không chịu đầu hàng phía chống đối. Ông rút về Sirte, quê hương và cũng là thành trì cuối cùng ở lại cho đến phút cuối. Nhưng khi ông biết không còn cơ hội để thắng, Kadhafi chuẩn bị một cuộc đào thoát sang quốc gia lân cận. Đoàn xe gần 200 chiếc bị Nato phát hiện và tấn công. Đoàn quân của ông rối loạn. Ông và các cận thần, trong đó có con trai, chạy tới trốn ở trong một cống nước. Ông xin tha mang khi bị quân nổi dậy lôi ra khỏi ống cống. Kadhafi đã bị thương từ cuộc không kích của Nato. Sau đó quân nổi dậy giết chết bằng 3 viên đạn, hai trên ngực và một ở thái dương. Thi thể của ông được quân nổi dậy mang tới Misrata để trong một phòng lạnh chứa thịt gia súc, cho đồng bào xem tận mắt.

Tổng thống Ngô Đình Diệm rời khỏi dinh Độc Lập sau khi tiếng súng của quân phản lọan bắt đầu. Ông và đoàn tùy tùng đến tạm trú tại một gia đình người Hoa. Sau đó ông tới nhà thờ cha Tam. Ở đây, ông liên lạc với “hội đồng cách mạng”, sẳn sàng gặp họ để tìm một giải pháp ổn thõa, tránh cảnh quân đội đánh nhau, chỉ gây thêm chết chóc vô lý. Nhóm tướng phản lọan đồng ý và cho đoàn xe thiết giáp đến đón ông về bộ Tổng tham mưu, nơi đây họ đã chờ sẳn. Nhưng trên đường đi, ông đã bị đám ác ôn ra lệnh giết chết cả hai anh em TT Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm có thể trốn thoát ra khỏi nước dễ dàng. Hoặc có thể mở một cuộc phản công thẳng vào tổng tham mưu để hốt trọn bọn côn đồ ác ôn. Nhưng Tổng Thống Ngô Đình Diệm không làm chuyện đó. Ông tin tưởng đám côn đồ là những người thân tín ông rất tin tưởng, làm sao có chuyện thảm sát, bọn chúng dành cho ông. Nhưng Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã lầm. Ông lầm ở chỗ chỉ biết nhìn tác phong qụy lụy của bọn chúng khi ông còn là tổng tư lệnh của chúng, nhưng không thấy lòng dạ của bọn lính khố xanh mà cái cốt của chúng làm bồi cho Tây không thể gội rửa. Con người có thể thay hình đổi dạng nhưng không thể thay đổi cái “cốt” nằm sâu trong xương tủy suốt một cuộc đời sống dưới sự chỉ đạo của bọn thực dân. Thật đúng như lời nguyền rủa của tổng thống Johnson là bọn “ác ôn côn đồ”. Rồi đây, những tên còn sống cũng sẽ ra đi như đám trước đã ra đi, cũng trên bia mộ không ai ghi cho bốn chữ “Vị Quốc Vong Thân” mà chỉ có bốn chữ “Sống Hèn Chết Nhục” đó thôi.

Cuộc đời làm lãnh tụ chỉ có một ước mơ là sống kiên cường và chết cũng anh hùng; thân xác được nằm xuống trên mãnh đất mà họ đã dâng hiến cái kiên cường và anh hùng đó. Đại tá Kadhafi và Tổng Thống Ngô Đình Diệm có sự khác biệt to lớn lúc cầm quyền cũng như những giờ phút sau cùng của cuộc đời. Nhưng cả hai ông có điểm giống nhau: được chết trên quê hương và an nghỉ đời đời trong lòng đất mẹ./.

Nguồn: FB. Nguyễn Phi Thọ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét