Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc chân thành kính chúc Qúy Độc Giả an bình và hạnh phúc

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

CHỦ THUYẾT NHÂN VỊ và GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG (Gioan 13: 1-5; 12-15; 34)


 Lm. Giuse Nguyễn Thái.

Kính thưa quý Cha, cụ Cao Xuân Vỹ, quý vị Thân Hào Nhân Sĩ,
Kính thưa quý vị và các bạn trẻ thân mến,

Cuộc chính biến xảy ra vào ngày mùng 1 tháng 11 năm 1963, lúc ấy tôi đã 9 tuổi. Tôi còn nhớ rất rõ, buổi chiều đứng tại sân nhà với những người hàng xóm ở Bến Cát, Gò Vấp, Gia Định, gần phi trường Tân Sơn Nhất, nhìn lên bầu trời hướng về phía Sài Gòn, những chiếc khu trục skyraider A1 đảo lên, đảo xuốnglộn qua, lộn lại, rồi vừa đảo vừa lộn. Trong khi đó thì đài phát thanh phát ra những bài nhạc quân hành.  Nghe tiếng quân nhạc, nhìn cảnh đảo lộn của những chiếc máy bay khu trục, cảm giác kinh hãi tự nhiên của một đứa trẻ báo cho tôi biết là đất nước nguy khốn!

 Quả đúng, sau đó thì chỉ trong vòng 2 năm trời, liên tục xảy ra 10 vụ đảo chánh. Càng đảo chánh đất nước càng điên đảo! Đồng Đô la Mỹ được tung vào với chủ nghĩa tư bản, cộng với sự gia tăng súng đạn của cộng sản xâm nhập miền Nam Việt Nam đã đảo lộn tất cả mọi sự từ cơ cấu chính quyền đến các giá trị đạo đức tinh thần của dân tộc Việt Nam.  Đảo lộnchính nghĩa. Đảo lộn lương tâm. Đảo lộn các giá trị. Đảo lộn bản tính con người Việt Nam. Đảo lộn cuộc sống yêu thương và an lành.

Hậu quả là ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta bị mất nước. Từ sau những ngày mất nước ấy, rất nhiều lần tôi bị bắt đi biểu tình: Đả Đảo Đế Quốc Mỹ! Đả Đảo Thiệu Kỳ! Rồi cả triệu người bỏ nước ra đi vượt biên sang Đảo Guam, ĐảoPalawan, Đảo Bi Đông, Đảo Sikiu… để Đả Đảo Cộng Sản chà đạp tự do, dân chủ và nhân phẩm!

Nhân ngày giỗ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cùng với các Bào Đệ và các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh, nhìn lại toàn bộ bức tranh của quê hương dân tộc Việt Nam, đối với tôi, khởi đi từ hình ảnh của những chiếc khu trục skyraider A1 đảo lộn trên bầu trời thân yêu để làm đảo chánh, đã dẫn đến bao nhiêu hệ lụy với chữ đảo!

Điều ngậm ngùi đau xót nhất cho tất cả chúng ta, những người Việt Nam nhân ngày giỗ cố Tổng Thống hôm nay, đó không phải chỉ là mất đi cố Tổng Thống, một lãnh tụ đạo đức, dũng cảm, cương trực, thương dân yêu nước, chỉ biết có mưu cầu hạnh phúc của nhân dân; nhưng còn là mất đi chính hạnh phúc và tương lai của dân tộc Việt Nam. Điều đau xót nhất đó không phải chỉ là đảo chánh mà là tình trạng điên đảo của các giá trị đạo đức, tình trạng băng hoại đảo lộn phát xuất từ đời sống nội tâm con người.

Kính thưa quý vị và các bạn trẻ thân mến,

Trong bài “Chủ Nghĩa Nhân Vị: Con Đường Mới, Con Đường Của Tiến Bộ”, Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Tấn đã trích lời của sử gia Henry Fairbanks tóm lược cái sự thật lịch sử bằng lời lẽ khách quan, trong một bài báo tựa đề “The Enigma of Ngô Đình Diệm”, được đăng trong tờ Commonweal như sau:

“Ông Diệm tìm kiếm và khôi phục lại những giá trị cổ truyền làm nền tảng cho giải pháp canh tân xứ sở trong khi đó những người khác lại đi tìm những học thuyết ngoại lai… Dù sao đi nữa, Ông ta vẫn là một người có cái nhìn sâu sắc về tương lai. Cả thế giới này đều yêu mến các chiến sĩ dũng cảm và ai ai cũng phải nể trọng những kẻ đeo đưổi một lý tưởng cao cả nào đó.  Ông Diệm ao ước thực hiện một nhà nước được xây dựng trên những giá trị cổ truyền tốt đẹp nhất của Á Châu và Tây Phương, những đặc điểm đúng đắn và khả thi nhất để phục vụ quyền lợi chung và tôn trọng nhân phẩm.  Ông Diệm cho rằng Xã Hội Chủ Nghĩa và Tư Bản Chủ Nghĩa đều là những học thuyết cực đoan cần có một hình thức trung gian, một lực lượng đứng giữa, nhằm tổng hợp được những giá trị ưu tú nhất của cả hai để phục vụ cho lợi ích chung: công bằng đối với người này là tự do của kẻ khác, cũng như loại bỏ độc tài toàn chế và tinh thần vô trách nhiệm của Chủ Nghĩa Cá Nhân.

Phải, trải qua kinh nghiệm ngàn năm dựng nước, giữ nước và cứu quốc, ông bà tổ tiên Việt Nam chúng ta đã để lại cho con cháu cái bí quyết thành công qua thành ngữ “Thiên thời địa lợi nhân hòa”. Thành ngữ này dựa trên quan niệm của Khổng Tử lấy ra từ Kinh Dịch diễn tả tương quan hòa đồng giữa Trời, Đất và Con Người, qua lý tưởng Thái Hòa. Được giáo dục bởi nền văn hóa Nho Giáo, hai anh em cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã hệ thống hóa tư tưởng nhân bản này lại thành một chủ thuyết lấy tên là “Chủ Nghĩa Nhân Vị”.

Sống với Nhân Vị là sống với lòng yêu thương như tổ tiên đã dạy: “Thương người như thể thương thân”.  Đó là sống đạo lý làm người, là sống cho ra cái phẩm hạnh cao quý của con người. Đó là sống với chữ tâm của “Tiết trực tâm hư”,chữ tâm như cụ Nguyễn Du đã khuyên dạy: “Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.” Đó là phải biết đặt mình hòa hợp vào đúng vị trí của mình đối với Thiên Chúa - Thiên; đối với Tổ Quốc, Quê Hương, Đất Nước - Địa; đối với Nhân Dân, Đồng Bào - Nhân.

Sự điên đảo của xã hội hiện nay là thay vì đầu đội Trời, chân đạp đất, tay ôm lấy nhau trong tình người thái hòa thì người ta đảo lộn tất cả!

a- Thiên là Trời cũng chẳng còn biết kính trọng nữa, mà:
“Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già..”
 “Ông Trời hãy dẹp một bên, để cho nộng hội tiến lên làm Trời!”

b- Địa là quê hương, tổ quốc, đất nước, nhưng ngày nay thì:
“Tổ quốc với chẳng tổ cò
Nơi nào no ấm ta dò ta bay”

c- Còn con người với nhau thì coi nhau như lang sói, đầy đấu tranh, tham nhũng:
“Thanh cha, thanh mẹ, thanh dì
  Hễ có phong bì thì lại thanh-kiu”.

Trích dẫn lời dân gian, ĐHY Mẫn đã nhận xét cái bậc thang giá trị đạo đức của xã hội Việt Nam hiện thời  là: “Ngày naynhân phẩm xuống giá rồi. Chỉ có thực phẩm lên giá thôi. Lương tâm giá bèo hơn lương thựcChân lý, chân giò một giá thôi!”

Hơn ai hết, cố tổng thống và bào huynh đã sớm biết rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam sẽ đưa dân tộc đến tình trạng điên đảo về đạo đức như vậy. Đó là cuộc chiến của chính nghĩa chống lại ý thức hệ cộng sản, tư bản chủ nghĩa, và cả cá nhân chủ nghĩa đang muốn chà đạp nhân phẩm cao quý của con người bằng mọi cách. Bởi thế, nhị vị không chỉ chủ trương thuyết Nhân Vị, nhưng đã sống và chết cho giá trị của Nhân Vị như một tấm gương làm thức tỉnh lương tâm dân tộc.

Quả vậy, sống là chọn lựa. Mà chọn lựa là phải hy sinh. Cả cuộc đời của Cố Tổng Thống là một chuỗi những chọn lựa dựa vào bậc thang giá trị của Nhân Vị và đã chấp nhận hy sinh cho sự chọn lựa của mình: vì Thiên Chúa, vì tổ quốc, vì nhân dân.

1- Vì Thiên Chúa, khi đứng trước tượng Thánh Giá, cố Tổng Thống đã lãnh trách nhiệm gánh vác đất nước trong lúc lâm nguy theo lời mời gọi của Cựu Hoàng Bảo Đại.

Kể từ lúc đó, cố Tổng Thống đã gặp vô vàn trở ngại. Đúng là thập giá Chúa trao ban. Tất cả mọi phe phái, mọi phía đều trở thành đối nghịch! Tuy vậy, ngài đã trung thành ôm lấy cây thập giá đó. Ngay cả giây phút nguy kịch nhất của cuộc đời mình, đứng trước sự phản loạn của các tướng lãnh, ngài vẫn trung thành, phó thác trong bàn tay Thiên Chúa mà tham dự Thánh Lễ. Khi bị giết, ngài chẳng có gì ngoài Mình Thánh Chúa vừa rước lấy, và cỗ tràng hạt Mân Côi trong túi áo!

Còn gì để nói về lòng trung thành, tin tưởng, hy vọng, và tràn đầy yêu thương của cố Tổng Thống đối với Thiên Chúa, Đấng đã mời gọi và trao ban thập giá cho mình nữa?

Cụ Cao Xuân Vĩ thắc mắc rằng tại sao Giáo Hội Công Giáo chưa phong thánh cho ngài. Giáo hội chưa phong thánh, nhưng cố Tổng Thống đã là thánh trong lòng muôn người Việt Nam chân chính yêu tự do, độc lập và chính nghĩa quốc gia. Ngài đã được coi là thánh ngay trong lòng của những ai thắc mắc và của những ai ngưỡng mộ ngài.

2- Vì Tổ Quốc mà cố Tổng Thống đã “vị quốc vong thân”. Vì chủ quyền độc lập của quốc gia mà ngài phải hy sinh.  Ngài đã từ khước lời đề nghị của đại sứ Mỹ muốn đưa ngài ra đi an toàn.

Cho đến nay, nếu phải so sánh cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm với những nhà lãnh đạo cùng thời, thì hỏi rằng ai có lòng yêu dân tộc tổ quốc hơn ai? Hồ Chí Minh trước khi chết mong rằng sẽ gặp Các Mác và Lênin ở bên kia thế giới! Tại sao ông không muốn đi gặp các vị anh hùng dân tộc Việt Nam, mà lại mong gặp hai ông ngoại quốc này? Bởi thế, người dân Việt Nam vẫn nói với nhau rằng: “Người chết rồi thì chưa chôn, nhưng người chôn rồi thì chưa chết!”  Tuy đã khuất, nhưng tinh thần Ngô Đình Diệm vẫn còn sống mãi mãi trong lòng những người Việt Nam chân chính.

3- Vì nhân dân: một điều lịch sử phải khách quan ghi nhận là từ khi lãnh trách nhiệm, 1954- 1963, trong 9 năm trời, với chủ thuyết Nhân Vị làm nền tảng, thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đạt được những thành quả lớn lao nhất về mọi lãnh vực. Đất nước phồn thịnh, dân chúng hạnh phúc ấm no.

Quả vậy, qua chủ nghĩa Nhân Vị, Cố Tống Thống đã đối xử với tất cả mọi người bằng tấm lòng nhân ái, ngay cả kẻ thù, kẻ đối nghịch, kẻ chủ mưu muốn giết hại mình.

Yêu thương kẻ thù là một nhân đức siêu nhiên của Kitô Giáo được thể hiện nơi các bậc thánh nhân. Không phải bản tính tự nhiên mà con người có thể thi hành được điều này. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ của mình, trong đó có Giuđa, kẻ phản bội Thầy.

Khi Chúa Giêsu cúi xuống mà rửa chân cho các môn đệ là để đốt lên ngọn lửa Nhân Vị, nhân  ái, yêu thương, tha thứ trong trái tim của họ. Ngài đã tự hạ thấp mình xuống để nâng cái Nhân Vị, phẩm giá của con người lên đúng tầm mức phải có của con người. Sứ mạng của Ngài xuống trần gian là để cứu chuộc con người bằng cách nâng cao nhân phẩm và giá trị siêu việt của con người lên. Chính Ngài đã chết để bảo vệ cho nhân phẩm cao quý đó, và để cho nhân loại thấy rằng vinh quang Thiên Chúa chính là khi nhân phẩm con người được tôn trọng.  Vinh quang Thiên Chúa hệ tại sự cao trọng của con người.
 
Yêu mến và phục vụ cho phẩm giá của con người là điều Chúa Giêsu đã dạy và đã làm: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.   Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đi theo giá trị của Tin Mừng, đã bước theo từng bước chân của Chúa. Lời Chúa như hạt giống đã mọc lên trong tâm hồn Nho Giáo, đã hội nhập vào văn hóa Việt Nam, đã chắp cánh cho đạo làm người, lòng ái quốc thương dân và các giá trị tinh thần cao quý của tổ tiên Việt Nam truyền lại.

Kính thưa quý vị và các bạn trẻ,
Trong buổi lễ nhậm chức Thủ Tướng vào tháng 7 năm 1954, cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã kêu gọi dân chúng: Dân tộc Việt Nam đã bị lạm dụng từ lâu, nay đang đi tìm lối đi, một đường lối chắc chắn dẫn họ đạt tới những lý tưởng nồng nhiệt khát khao từ lâu. Ngày nay, sau hơn nửa thế kỷ, chúng ta và các bạn trẻ cũng lại đang thao thức và băn khoăn đi tìm lối đi cho dân tộc, cho chính mình và tương lai của con cháu.

Hẳn ai cũng phải nhận thấy rằng, dù muốn chủ trương đường lối hay đạo lý nào  đi nữa, điều cần phải làm ngay, là chấm dứt tình trạng đạo đức điên đảo hiện nay. Các thứ chủ nghĩa như những món hàng giữa “chợ đời” đang chà đạp nhân phẩm trên đất nước Việt Nam, trong các tâm hồn Việt Nam và nhân cách của con người Việt Nam. Cảnh “Chợ Đời” đó được Lê Diễn Đức mô tả thế này:

...Và chợ đời vẫn tấp nập ngược xuôi
Những kẻ giả nghĩa, giả tình vẫn nhởn nhơ chảnh choẹ
Bội tín trở thành thông lệ
Dối lừa như chuyện đương nhiên
Mọi giá trị đều được đếm bằng tiền
Thiện, ác mập mờ trong cuộc chơi với quỷ!

Tôi cứ quẩn quanh trong niềm suy nghĩ
Có phải vì tất cả bởi mưu sinh
Có phải chăng ta đánh mất chính mình
Có phải nơi đây là miền Đất Hứa
Có phải quê hương ta chẳng còn gì nữa
Mà nhân tâm bị huỷ hoại thế này?

Đất lành ơi, ta biết đậu đâu đây?
(Chợ Đời - Warsaw, Ba Lan, 1998-1999.)

Nhân ngày tưởng niệm và ghi ơn Cố Tổng Thống  Ngô Đình Diệm, các Bào Huynh, và các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta cùng nhau nhìn lại toàn bộ bức tranh quê hương dân tộc Việt Nam và những tia sáng hy vọng phát ra từ chủ thuyết Nhân Vị và Tin Mừng của Chúa Giêsu, để lấy lại tình trạng Thái Hòa, sự quân bình nội tâm cần thiết cho mỗi người chúng ta.
 
Để được như vậy thì trước hết, chúng ta hãy vun trồng một nền Văn Hóa Tử Tế. Tử tế với Trời, với quê hương đất nước, và tử tế với nhau. Văn Hóa Tử Tế là nền tảng cho Văn Hóa Tình Thương và Nhân Vị. Phải biết tử tế với nhau trước khi nói chuyện đoàn kết dân tộc.  Không tử tế với nhau được thì lời Chúa dạy bác ái, lời Phật dạy từ bi, lời cố Tổng Thống khuyên nhủ thái hòa, cũng chỉ là khẩu hiệu lý thuyết trên môi miệng!

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho quê hương yêu dấu và con người Việt Nam trên khắp thế giới, qua lời bầu cử của cố Tổng Thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, các Bào Đệ và các chiến sĩ VNCH vị quốc vong thân. Xin các ngài hãy phù hộ cho đàn con cháu tha phương và tất cả mọi người Việt Nam chân chính biết tử tế với nhau tìm ra phương thức hữu hiệu xây dựng tình đoàn kết, bảo tồn các giá trị tinh thần của dân tộc, đem lại tự do dân chủ và nhân phẩm cho mọi người.

Garden Grove 3/11/2007
Lm. Giuse Nguyễn Thái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét